Cảm nhận của người Việt trong nước về biến cố 11/9
2006.09.11
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ là một vết thương không chỉ riêng cho nước Mỹ. Sự ảnh hưởng của nó có tác dụng toàn cầu về nhiều mặt cả về chính trị quân sự lẫn kinh tế. Nước Việt Nam ở cách xa Hoa Kỳ nửa vòng trái đất, nhưng người Việt Nam đã theo dõi và cảm nhận diễn biến thảm khốc đó như thế nào.
Vào năm 2001 cách đây năm năm truyền thông đại chúng ở Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại. Người dân trong nước mỗi người mỗi cách sống, nhưng nói chung xem truyền hình màu không còn là chuyện xa xỉ như những năm dài của thập niên 1980.
Internet lúc đó còn mới mẻ, nhưng những tờ báo điện tử tiên phong như VN Express đã nhanh chóng tường thuật và tải nhiều hình ảnh sống động lên mạng. Báo in hàng ngày cũng không bỏ qua đề tài nóng bỏng kéo dài hàng tháng trời.
Bất ngờ
Một nhà doanh nghiệp hiện nay 30 tuổi sống và làm việc ở Hà Nội đã kể lại câu chuyện năm năm trước: “Hôm ấy vào khoảng 9 rưỡi 10 giờ ở Việt Nam, tôi có bật CNN vì lúc đó đang làm ở một khách sạn, theo dõi qua CNN thấy sự việc này. Cảm nghĩ lúc bấy giờ không có gì đặc biệt cả chỉ là hết sức bất ngờ, tôi thấy rất bất ngờ là tại sao lại có thể xảy ra một vụ việc như vậy, tôi nghĩ là mức an ninh của nước Mỹ phải cao hơn nhiều.”
Những người dân Việt Nam bình thường như người phụ nữ trung niên ở TP.HCM mà chúng tôi hỏi chuyện, cũng không thể tin được là một nước Mỹ giàu có văn minh hiện đại lại có thể bị khủng bố kinh hoàng như thế: “Sửng sốt, trời ơi tại sao một nước Mỹ lại có thể xảy ra như vậy, sau đó thì tội nghiệp vì nhiều người chết quá.”
Hôm ấy vào khoảng 9 rưỡi 10 giờ ở Việt Nam, tôi có bật CNN vì lúc đó đang làm ở một khách sạn, theo dõi qua CNN thấy sự việc này. Cảm nghĩ lúc bấy giờ không có gì đặc biệt cả chỉ là hết sức bất ngờ, tôi thấy rất bất ngờ là tại sao lại có thể xảy ra một vụ việc như vậy, tôi nghĩ là mức an ninh của nước Mỹ phải cao hơn nhiều.
Báo chí Việt Nam đặc biệt là các báo điện tử ngay sau khi tường thuật sự kiện thảm khốc của thế kỷ, đã đăng tải ý kiến bạn đọc đủ mọi thành phần. Một trong những tựa đề xuất hiện trên một trang thông tin điện tử có tính cách gây sốc đó là dòng chữ “Vừa Đau Vừa Đã”, ý kiến cá nhân này có thể là phản ánh quan điểm của một bộ phận người Việt Nam, tuy thương xót 3 ngàn nạn nhân vô tội bị thảm tử, nhưng lại không tán đồng điều họ gọi là chính sách can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.
Một cán bộ về hưu đang sống ở Huế bày tỏ quan điểm tương tự: “Đó là hậu quả phải lãnh lại như vậy…Con voi nó có cách hành xử của con voi, con kiến có cách của nó…”
Không thể chấp nhận được
Tuy vậy cũng có nhiều người Việt Nam khác, có cảm nghĩ khác như ông Trần Đình Tú một bạn đọc của VN Express, trong tiêu đề “Chuông Nguyện Hồn Ai”, ông Tú nói là mình không tôn sùng nước Mỹ.
Là người Việt Nam ông hiểu rõ những vết thương của cuộc chiến tranh chấm dứt năm 1975, nhưng ông tự đặt câu hỏi cho chính mình là không thể hiểu nổi niềm vui mừng của một số người, ông tự hỏi là tại sao những người này lại có thể vì nghĩ đến quá khứ mà quên đi cái chết thê thảm của hàng nghìn người vô tội trong hai toà tháp của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới.
Ông Trần Đình Tú trình bày quan điểm cho rằng nước Mỹ có nhiều chính sách mà ông cho là sai lầm. Nhưng ông nhấn mạnh rằng người chết trong thảm kịch 11/9 đâu chỉ có công dân Mỹ, mà còn có nhiều nghìn người Anh, người Do Thái, người Nhật thậm chí cả người Việt nữa. Họ là ai, là những nhà tài chính, kỹ sư tin học, doanh nhân, tất cả đều có điểm chung mà ông Tú cho là những bộ óc tài năng của thế giới.
Tất cả đã chết, vì sự quá khích, điên cuồng đến mức mà ông cho là khó hiểu của 18 kẻ khủng bố cực đoan kia. Còn ông Nguyễn Khánh thì viết trên VN Express ngày 9/9/2002 rằng, một nghìn lần không thể chấp nhận hành động khủng bố như vụ 11/9. Theo ông Khánh, dùng máy bay dân sự chở hàng trăm người như một tên lửa, đâm vào một toà nhà có hàng ngàn thường dân khác, không có lý do gì để biện minh cho hành động đó.
Nhà doanh nghiệp Hà Nội không muốn nêu tên mà chúng tôi hỏi chuyện cũng có quan điểm tương tự: “ Tất cả mọi người đều cho là không thể chấp nhận được, dùng bạo lực để tấn công thường dân đều là hành động không đúng, rất nhiều người bị nạn không hiểu tại sao họ lại bị như thế và tại sao họ phải gánh chịu chuyện đó…”
Tôi biết đây là sự kiện lớn nhưng người Việt Nam có nhiều việc để quan tâm và cũng chiếm lĩnh nhiều thời gian của họ, phần khác là vì sự kiện này đã qua khá lâu và chúng tôi ở một đất nước tương đối xa. Tôi nghĩ như vậy, như vừa rồi thì chuyện động đất hay sóng thần thì người ta còn nhớ tới nhiều hơn.
Không để lại nhiều ấn tượng
Năm năm sau ngày 11/9/2001, ở Việt Nam có lẽ sẽ chỉ có giới truyền thông là còn nhắc nhở đến thảm kịch kinh hoàng của lòng thù hận. Những người dân bình thường như những người chúng tôi hỏi chuyện có thể có nhiều chuyện khác phải lo toan:
“ Coi trên phương tiện truyền thông, người ta nhắc lại thì mới nhớ, nếu không thì chắc mình cũng chẳng nhớ…mình cũng khổ quá rồi còn nghĩ đến ai nữa đâu…”
Hoặc giả như một ý kiến khác từ Hà Nội mà chúng tôi ghi nhận được: “Đôi khi trên báo chí hay Internet có ghi lại những hình ảnh đó, nhưng thật sự là nó không để lại một ấn tượng quá sâu sắc như là đối với người Mỹ đâu.
Tôi biết đây là sự kiện lớn nhưng người Việt Nam có nhiều việc để quan tâm và cũng chiếm lĩnh nhiều thời gian của họ, phần khác là vì sự kiện này đã qua khá lâu và chúng tôi ở một đất nước tương đối xa. Tôi nghĩ như vậy, như vừa rồi thì chuyện động đất hay sóng thần thì người ta còn nhớ tới nhiều hơn.”
Những lời phát biểu quí thính giả vừa nghe có thể phản ánh ý kiến chung của nhiều người Việt Nam khác ở trong nước. Thế nhưng đối với 300 trăm triệu người dân Hoa Kỳ, thảm hoạ 11/9/2001 sẽ mãi mãi là một câu chuyện không bao giờ quên.
Những bài liên quan
- 5 năm sau vụ 11/9, thế giới biết gì về Osama Bin Laden?
- Hoa Kỳ tưởng niệm 5 năm vụ khủng bố 11/9
- Chiến lược quân sự của Mỹ trước và sau biến cố 11/9
- Các diễn tiến của những vụ khủng bố tấn công ngày 11 tháng Chín
- Úc sẽ bắn hạ tất cả những máy bay bị quân khủng bố đánh cướp
- Những thành quả Hoa Kỳ đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố
- Việt Nam cộng tác với Hoa Kỳ đóng tài khoản Bắc Triều Tiên
- Anh quốc bắt giữ 16 nghi phạm khủng bố
- Hezbollah chiến thắng thật không?
- Giải pháp nào tốt nhất cho Lebanon?
- Hoa Kỳ chờ đến hạn mà Liên Hiệp Quốc đề ra cho Iran
- Chính sách và vai trò của Hoa Kỳ về tình hình Trung Ðông
- Ấn Ðộ bắt giữ 20 người tinh nghi liên hệ với các vụ đánh bom Mumbai
- Hơn 160 người thiệt mạng vì một loạt vụ nổ ở Ấn Độ
- Mạng lưới bố ở Đông Nam Á đe dọa sẽ tiếp tục tấn công người Mỹ, Úc
- Trung Quốc và Nga đang tạo thế liên minh để chia 3 quyền lực?
- Philippines: khủng bố có thể phá hoại hội nghị thượng đỉnh ASEAN
- Nạn khủng bố và các vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á
- Các nước Ðông Nam Á sẽ làm gì trước những khó khăn liên tục xảy ra?
- Thêm 3 vụ đánh bom quyết tử mới xảy ra ở Ai Cập
- Ít nhất 22 người chết trong các vụ nổ bom khủng bố ở Ai Cập
- Họp Thượng Đỉnh Bush- Hồ Cẩm Đào
- Cuộc họp cấp cao Hoa Kỳ - Trung Quốc
- Al-Qaeda không liên quan đến vụ khủng bố ở London hồi tháng 7-2005
- Hỗ trợ Nhân quyền và Dân chủ: Bản ký lục của Hoa Kỳ 2005-2006