Việt Long, phóng viên đài RFA
Quốc hội Việt Nam hiện đang thảo luận để chuẩn bị thông qua Luật đầu Tư, và tin tức cho hay các cuộc thảo luận của Quốc Hội dường như đang đi đến các bế tắc vì không thể tạo ra được sự đồng thuận cần thiết về một số khái niệm quan trọng có liên quan đến cả đầu tư trong nước và ngoài nước.

Việt Long tham khảo ý kíến về vấn đề này với ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế đang làm việc trong nước. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi.
Tiến trình làm luật
Việt Long: Trước khi hỏi ý kiến ông về dự luật đầu tư đang được bàn thảo rất sôi nổi ở trong nước, nhờ ông ông vui lòng lược thuật tiến trình làm luật liên quan đến kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam,và ảnh hưởng của các lụât lệ đó trên hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, Việt Nam đã ban hành luật Đầu tư nước ngòai từ 1987. Cũng từ đó đến nay thì Việt Nam đã ban hành các Luật về đầu tư trong nước và Luật doanh nghiệp nhà nuớc.
Các bộ luật đó chính là nền tảng quan trọng cho sự hình thành gần 200,000 doanh nghiệp cho đến nay, nhưng phải nói là chưa đủ làm nền tảng pháp luật cho những hoạt động kinh tế đa dạng, mà người trong nước chưa mấy quen thuộc.
Hiện nay ở Việt Nam có ba loại thành phần kinh tế chính – Kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế đầu tư nước ngoài – các hoạt động của ba loại hình kinh tế này đang chịu sự điều chỉnh của ba hệ thống luật pháp khác nhau, do đó đứng trước yêu cầu là Việt Nam sẽ phải tăng cường hội nhập kinh tế.
Hằng năm các nhà làm luật đều phải chỉnh sửa lại các bộ luật đó để tạo ra các điều khoản phù hợp mới. Và chúng ta đều biết là hiện nay ở Việt Nam có ba loại thành phần kinh tế chính – Kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế đầu tư nước ngoài – các hoạt động của ba loại hình kinh tế này đang chịu sự điều chỉnh của ba hệ thống luật pháp khác nhau, đo đó đứng trước yêu cầu là Việt Nam sẽ phải tăng cường hội nhập kinh tế.
Việt Nam cần tạo ra môi trường kinh doanh - hay sân chơi - bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, do đó phải xây dựng lại luật pháp để tạo ra động lực mới cho tăng thu hút đầu tư, như Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói, muốn có tới 500,000 doanh nghiệp vào 2010. Đó chính là lý do cho sự ra đời của Luật đầu tư hiện nay.
Mục tiêu
Việt Long: Ngoài mục đích tăng số doanh nghiệp, thì luật mới này sẽ còn nhằm đến mục tiêu gì, thưa ông? Hoàng Thanh Phong: Một điểm vô cùng quan trọng của Luật mới này là nhằm mở ra các cơ hội đầu tư mới cho tất cả các doanh nghiệp, như trong các Điều 4 của dự thảo mới nhất, tức Dự thảo 16, thì sẽ cho phép mọi thành phần kinh tế - mà ta cần hiểu đây là doanh nghiệp tư nhân - được kinh doanh các ngành nghề mà luật pháp không cấm,
Còn Điều 70 thì cho phép tư nhân cũng được cung cấp các dịch vụ công ích - có nghĩa là các điều khỏan này cho phép tư nhân tham gia vào các ngành nghề mà từ trước đến nay vẫn chỉ thuộc độc quyền của Nhà nước, thí dụ như xuất bản, phát thanh, truyền hình và xây dựng các cơ sở hạ tầng lớn hay khai thác tài nguyên quốc gia. Đây là một sự mở rộng rất lớn về quyền kinh doanh, và chính sự mở ra này sẽ tạo cơ sở cho một làn sóng đầu tư mới từ cả trong lẫn ngoài nước từ 2006.
Những vướng mắc
Việt Long: Chúng tôi được biết dự thảo Luật đầu tư này đã được các chuyên viên tư pháp cả trong nước lẫn quốc tế tham gia đóng góp trong thời gian dài vừa qua, vậy thì lý do gì mà cho đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc ?
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, vấn đề là hiện nay ba khu vực kinh tế đang hoạt động theo ba khuôn khổ pháp lý khác nhau, và nay thì phải kết hợp các điều kiện pháp lý đó lại. Đây chính là một khó khăn cho các nhà làm luật.
Bộ luật mới trong khi phải giữ được các nội dung tiến bộ của các luật trước đây, lại phải tạo ra nền tảng bình đẳng cho các doanh nghiệp, có nghĩa là sẽ phải có điều chỉnh mà ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hiện hành.
Vì các nhà đầu tư đều trông thấy viễn cảnh rất lớn sẽ mở ra cho họ, nên họ đều muốn khuôn khổ pháp lý mới phải thực sự tạo các điều kiện để họ khai thác được hiệu quả các cơ hội mới, do đó các doanh nghiệp muốn luật pháp phải thông thoáng hơn, trong khi Nhà nước thì cũng muốn tăng cường vai trò giám sát vĩ mô, cho nên đã đưa ra các điều kiện quản lý mà có thể ít nhiều sẽ mâu thuẫn với lợi ích của khu vực kinh doanh, bao gồm cả khu vực đầu tư nước ngoài, đó chính là các vướng mắc của các nhà làm luật mà chúng ta đang nhìn thấy từ cuộc họp hiện nay ở Quốc hội Việt Nam.
Bạn nghĩ gì về dự luật dâu tư này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Việt Long: Như vậy thì Dự luật này liệu có thể được thông qua hay không?
Hoàng Thanh Phong: Ngay từ khi bản dự thảo đầu tiên được đưa ra hồi mùa hè năm ngoái, thì các nhà làm luật Việt Nam đã gặp phải rất nhiều ý kiến khiếu nại của các thành phần mà họ có tham khảo ý kiến như các doanh gia trong nước, các chuyên viên quốc tế và cộng đồng kinh doanh nước ngoài. Việc cho đến nay mà Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí rất khác biệt đã được nhiều chuyên gia trong nước dự báo trước. Cho đến hôm nay thì cũng chưa thể nói là Luật này liệu có được thông qua trước cuối tháng 11 này hay không, như là chương trình làm luật đã nêu ra.
Chính ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An nói hôm thứ Bảy vừa qua, là vì chất lượng của bộ luật, Việt Nam phải làm cho cẩn thận, không thể chạy theo kế hoạch mà thông qua bộ luật rất quan trọng này với quá nhiều điểm chưa hoàn chỉnh.
Sự tụt lùi
Việt Long: Thưa ông, chúng tôi được biết là không chỉ ở trong nước, mà có cả các đại diện của các công ty nước ngoài cũng có ý kiến lo ngại là bộ luật mới này nếu được thông qua thì sẽ là sự tụt lùi, vì với việc tăng thêm quyền lực kiểm soát hành chính, Nhà nước Việt Nam đang muốn hạn chế quyền kinh doanh. Ông có đồng ý với điều đó không?
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, đúng là có sự lo ngại của các doanh nghiệp, là bộ luật mới này đang đặt ra các thủ tục hành chính mới mà có thể coi là không cần thiết. Muốn khuyến khích dân chúng bỏ tiền ra kinh doanh, thì thủ tục đầu tư phải đơn giản hay bảo đảm quyền lựa chọn kế hoạch, nhưng theo các Điều 47 và 48 thì người đầu tư sẽ gặp các thủ tục đầu tư phức tạp hơn hiện nay.
Thí dụ Nhà nuớc buộc các nhà đầu tư muốn bỏ tiền làm các dự án tới 15 tỷ đồng phải đi đăng ký, và dự án từ 15 tỷ đến 300 tỷ phải được phê duyệt, như vậy có nguy cơ dẫn đến sự nhũng nhiễu của các quan chức chính quyền. Có nhiều dự án thì sẽ phải tuân theo vô số các điều kiện quản lý, sẽ gây ra sự phiền nhiễu và gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư, và như vậy thì thực sự là không khuyến khích đầu tư.
Càng quy định nhiều thủ tục hành chính thì càng tạo thêm trở ngại cho nhà đầu tư, và thêm cơ hội đòi hối lộ. Giới đầu tư và chuyên viên kinh tế lo ngại là đúng.
Những khó khăn do thủ tục
Việt Long: Ông cho một thí dụ cụ thể về những khó khăn do thủ tục gây thêm.
Hoàng Thanh Phong: Một thí dụ là nếu cứ để các bãi rác gây ô nhiễm thì không quan chức Nhà nước nào lại bị quy là có trách nhiệm cụ thể, nhưng nếu một nhà đầu tư muốn có một dự án xử lý môi trường, thì theo Điều 48, nhà đầu tư đó sẽ phải đệ trình công nghệ và trải qua rất nhiều thủ tục hành chính trước các cơ quan gọi là "có trách nhiệm".
Thậm chí sẽ có cơ quan quản lý môi trường đòi hỏi là công nghệ và các thiết bị nhập khẩu cho dự án phải được đánh giá bởi các cơ quan rất chuyên môn, như vậy thì hệ thống hành chính đang cản trở một dự án đầu tư có lợi cho xã hội. Thay vì được hệ thống hành chính khuyến khích, thì nhà đầu tư lại phải nuôi các cán bộ của hệ thống thông qua các khoản tiền lo thủ tục. Đó là sự lo ngại chính đáng.