Dự án viện bảo tàng thuyền nhân Việt Nam
2007.01.31
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Hơn 30 năm đã qua kể từ khi gần 2 triệu người Việt rời quê hương, mà nửa số đó trong tìm đến những vùng đất tự do qua đường biển. Hàng trăm ngàn người đã vùi thây sâu trong lòng đại dương sâu thẳm, hàng trăm ngàn người khác phải đánh đổi sự tự do bằng một giá đắt, vượt qua biển dữ, đói khát, hải tặc…
Trong thời gian gần đây một dự án lập một viện bảo tàng thuyền nhân cho tập thể người Việt hải ngoại được khởi xướng để ghi dấu những hành trình hỏa ngục đó. Nhã Trân phỏng vấn Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Trưởng ban tổ chức dự án, thành viên Ban điều hành Liên hội Người Việt Canada, để trình bày thêm chi tiết.
Nhã Trân: Tiến sĩ có thể cho hay phương án được đề ra từ khi nào, đề xướng bởi đoàn thể, tổ chức nào, và với mục đích gì?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Dự án do Liên hội Người Việt Canada khởi xướng vào tháng 12 năm 2005 với hai mục đích chính là trình bày các dữ kiện lịch sử của cuộc di cư tìm tự do của người Việt tị nạn khắp nơi và nguyên nhân khiến người Việt phải bỏ nước ra đi, thêm vào đó, quảng bá các đóng góp của cộng đồng người Việt vào các quốc gia định cư.
Viện bảo tàng này được kể là của toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi tuy được khởi xướng tại Canada, vì hiện nay người Việt tị nạn có mặt ở 30 quốc gia trên thế giới.
Nhã Trân: Địa điểm viện bảo tàng đã được chọn chưa, và thiết kế hạ tầng đã được hoạch định?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Viện bảo tàng dự kiến được dựng ở Ottawa, thủ đô Canada, nơi một đài tưởng niệm thuyền nhân đã được lập từ năm 1995 để tưởng niệm những đồng bào đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do.
Dự án do Liên hội Người Việt Canada khởi xướng vào tháng 12 năm 2005 với hai mục đích chính là trình bày các dữ kiện lịch sử của cuộc di cư tìm tự do của người Việt tị nạn khắp nơi và nguyên nhân khiến người Việt phải bỏ nước ra đi, thêm vào đó, quảng bá các đóng góp của cộng đồng người Việt vào các quốc gia định cư.
Cơ sở có diện tích khoảng 10 ngàn bộ vuông. Sơ đồ đã được thiết kế, đó là một toà nhà 3 tầng, chia ra làm nhiều phòng với nhiều chức năng khác nhau. Viện bảo tàng mang một số biểu tượng về tự do, dân chủ, nhân quyền và về người Việt tị nạn.
Nhã Trân: Viện bảo tàng dự kiến được hình thành vào khi nào?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Chúng tôi hy vọng dự án sẽ được hoàn tất vào năm 2010, nhưng cũng còn tuỳ theo tình hình tài chính.
Nhã Trân: Những gì sẽ được trưng bày ở viện bảo tàng, và đến giờ ban tổ chức đã thu góp đến đâu?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Viện bảo tàng sẽ trưng bày các dữ kiện và kỷ vật của thuyền nhân. Thêm vào đó chúng tôi hy vọng tìm được một chiếc thuyền của thuyền nhân từ một trong các nước Đông Nam Á.
Nếu không tìm được thì sẽ nhờ người chuyên đóng thuyền, trước đây từng đóng một chiếc cho một cuộc triển lãm về thuyền nhân. Chúng tôi đã thu thập được một số hình ảnh. Hy vọng sẽ có đầy đủ các dữ kiện, kỷ vật vào lúc viện bảo tàng được khánh thành.
Nhã Trân: Vấn đề quản trị, nhân sự được bố trí ra sao?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Chúng tôi mong, và tin rằng sẽ nhận được sự góp sức của các vị thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ địa phương, vì có lẽ không đủ ngân quĩ để muớn toàn bộ nhân viên.
Nhã Trân: Về tài chính, dự án đã nhận được hỗ trợ nào của tập thể người Việt tại Canada và các nước khác, hoặc được sự yểm trợ của chính phủ Canada?
Chúng tôi mong, và tin rằng sẽ nhận được sự góp sức của các vị thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ địa phương, vì có lẽ không đủ ngân quĩ để mướn toàn bộ nhân viên.
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Cho đến nay số ủng hộ của đồng bào từ nhiều nơi đã vào khoảng 50 ngàn đô la. Chúng tôi dự định trông vào sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt trước, vì trước khi trình bày với chính quyền mình phải cho họ thấy có sự ủng hộ mạnh mẽ trong cộng đồng.
Trong năm nay chúng tôi có các buổi nói chuyện và dạ tiệc gây quĩ ở tiểu bang Arizona và California. Cũng xin nói rõ là, tuy đề xướng ở Ottawa, buổi dạ tiệc gây quĩ đầu tiên cho dự án đã được tổ chức ở San Jose, California hồi tuần này. Nhiều đoàn thể người Việt ở Orange County cũng như ở Bắc Mỹ đã giúp chúng tôi trong việc gây quĩ; chúng tôi vô cùng cảm kích.
Nhã Trân: Từ khi khởi xướng dự án đã tiến hành đến đâu, hay nói rõ hơn, là đang trong giai đoạn nào?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Chúng tôi đang vận động sự yểm trợ của đồng bào. Mới đây chúng tôi có các buổi nói chuyện và dạ tiệc gây quĩ ở tiểu bang Arizona và California. Cũng xin nói rõ là, tuy đề xướng ở Ottawa, buổi dạ tiệc gây quĩ đầu tiên cho dự án đã được tổ chức ở San Jose, California.
Nhiều đoàn thể người Việt ở Mỹ đã giúp chúng tôi trong việc gây quĩ; chúng tôi rất cảm kích. Trong 2 tuần nữa chúng tôi sẽ đến một vài nơi khác ở Hoa Kỳ để trình bày với đồng bào về dự án.
Nhã Trân: Ngoài Canada và Mỹ, ban tổ chức có dự định quảng bá, kêu gọi yểm trợ của người Việt tại các quốc gia khác không, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Chúng tôi hy vọng được sự hỗ trợ của đồng bào các nơi khác, mà chúng tôi chưa có dịp đến để trình bày, như Úc, Châu Âu và cả các nước Đông Nam Á. Người Việt khắp nơi có thể vào Website của dự án để biết mọi chi tiết về viện bảo tàng thuyền nhân.
Nhã Trân: Cám ơn Tiến sĩ Lê Duy Cấn đã cho biết các thông tin của dự án viện bảo tàng thuyền nhân.
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Cám ơn cô cũng như đài Á Châu Tự Do, đã cho chúng tôi dịp trình bày dự án này với đồng bào. Xin chào cô và chào các thính giả của đài.
(Xin theo dõi toàn bộ phần âm thanh phía trên)
Hình ảnh và chi tiết về dự án viện bảo tàng thuyền nhân có thể được truy cập tại Web site của Liên hội Người Việt Canada www.vietfederation.ca
Thông tin trên mạng
- Vietnamese Canadian Federation
Những bài liên quan
- Triển lãm “Lìa xa Sài Gòn yêu dấu, Nhập tiểu Sài Gòn thân thương”
- Người Việt ở nước Cộng hoà Moldova
- Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần, hưởng thọ 77 tuổi
- Việt kiều Mỹ về Hà Nội mở trường quốc tế bị bắt giam về tội biển thủ
- Ngoại tệ từ người Việt ở Hải ngoại (Kiều hối)
- Phản ứng của người Việt hải ngoại trước tin Việt Nam xuất khẩu lao động sang Mỹ
- Người Việt hải ngoại nghĩ gì về lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt (phần 2)
- Cảm nghĩ của những người Việt hải ngoại về nước nhân dịp Tết Đinh Hợi
- Hội nghị những người Việt nước ngoài tổ chức tại Hà Nội