Quá trình hội nhập của người Việt tại Canada sau biến cố 30-4-1975


2006.05.01

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Từ ngày 30 tháng 4,1975 sau khi Saigon thất thủ, hơn 100 ngàn thuyền nhân Việt đã được nhận vào định cư tại Canada. Người Việt tị nạn tại đây đã gặp những khó khăn, trở ngại hoặc thuận lợi gì, đã hội nhập vào đất nước này ra sao và đã đạt được những thành quả nào? Nhã Trân tìm hiểu về các điều này.

CanadianVietnamese200.jpg
Trang web Viện bảo tàng thuyền nhân

Cộng đồng người Việt tại Canada hiện nay vào khoảng gần 200 ngàn người, trong đó thuyền nhân tị nạn chiếm đa số so với thành phần đi theo diện bảo lãnh và số người Việt định cư từ trước 1975, với phần lớn là du học sinh.

Làn sóng người Việt tị nạn đầu tiên đến Canada vào năm 1975. Làn sóng thứ hai từ 1978 tới 1986, lúc phong trào vượt biên của người Việt lên đến cao điểm. Năm 1979 số người Việt được nhận vào Canada gia tăng đáng kể khi chính phủ Canada quyết định nhận thêm người Việt tị nạn từ 8 ngàn lên đến 50 ngàn. Từ năm 1986 con số này đã giảm bớt.

Quá trình định cư: Thử thách và thành quả

Trong đợt tị nạn đầu, người Việt đến Canada qua chương trình bảo trợ của chính phủ. Từ năm 1977, họ được bảo trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể do tư nhân hoặc các đoàn thể tôn giáo. Vào thời gian đầu và đặc biệt vào thập niên 80, người Việt tị nạn đã trải qua ít nhiều khó khăn trên đất nước mới.

Trở ngại đáng kể nhất ngoài các dị biệt về tập quán và ngôn ngữ là vấn đề mưu sinh, vì họ đến nhằm thời điểm suy thoái của nền kinh tế Canada, hậu quả của chu kỳ suy thoái kinh tế thế giới. Ngân sách quốc gia bị cắt giảm và việc làm trở nên khan hiếm đã buộc nhiều người phải làm bất cứ công việc nào tìm được, kể cả các việc lao động chân tay cực nhọc dù chưa từng trải qua trước đây, và với đồng lương tối thiểu. Trong thời kỳ này họ là thành phần nhân công bị sa thải trước nhất, khi các công ty, hãng xưởng phải đóng cửa.

Vào năm 1979, Liên hội Người Việt đã tham dự vào Project 4,000.00, tức là chương trình đem 4 ngàn người Việt vào Canada. Trước đó chính phủ Canada chỉ định nhận 8 ngàn người Việt tị nạn cho toàn năm 1979 nhưng sau chương trình 4 ngàn này chính phủ đã thay đổi chính sách và tăng số người được nhận từ 8 ngàn lên 50 ngàn và sau đó tiếp tục cho đến năm 1986, 1987.

Theo thời gian người Việt dần hội nhập dễ dàng vào xã hội mới, do sự cần cù chịu khó hoặc ý chí, nghị lực. Đại đa số hiện nay có việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn, từ đó giải quyết được các khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Nhiều người đã trở lại học đường, để từ đó có cơ hội vươn lên trên miền đất mới.

Nhã Trân có dịp phỏng vấn ông Dương Thanh Liêm, một thuyền nhân đến Canada từ năm 1983 và định cư tại tiểu bang Ontario. Được hỏi về quá trình định cư của bản thân, ông cho biết:

“Tôi đi từ Việt Nam đến Mã Lai ở đảo PuLau Bidong. Được nhận vào đất nước này tôi rất vui và có nhiều háo hức, tuy cũng biết sẽ phải bắt đầu lại nhiều điều và sẽ gặp những khó khăn như ngôn ngữ, cho dù cũng ít.”

Về sự giúp đỡ của chính phủ Canada ông cho hay: “Chính phủ Canada đã chu đáo chăm sóc người mới đến, tổ chức những khóa huấn luyện về tiếng Anh và giúp tìm việc làm. Khi chúng tôi đến thì họ đón tiếp hoặc cho những người Việt định cư trước đến đón tiếp và giúp đỡ và cho ở ngay tại thành phố.”

Về những cơ hội hoặc thành quả đã đạt được, ông Dương Thanh Liêm chia sẻ: “Như đã nói, tôi đã trở lại trường để học lại, vừa đi làm thêm và bảo lãnh vợ tôi. Điều vui nhất là ngày vợ tôi sang cũng là ngày tốt nghiệp của tôi.”

Cộng đồng tị nạn người Việt tại Canada trong hiện tại

Trải qua hai thời kỳ chính là định cư và hội nhập sau hơn 30 năm lưu trú tại một quốc gia xa lạ, đại đa số người Việt tại Canada đã vượt qua mọi khó khăn, được kể là một trong các sắc tộc thành công và được xếp vào hàng trung lưu của xã hội.

Các thành quả gặt hái được của cộng đồng người Việt tại Canada ngày hôm nay ngoài sự giúp đỡ của chính phủ Canada còn một phần nhờ các đoàn thể cộng đồng. Các hội đoàn người Việt đã có những hỗ trợ thiết thực nào cho cộng đồng người Việt tị nạn tại quốc gia này?

Tiến sĩ Lê duy Cấn, đại diện Liên Hội Người Việt Canada, trình bày: “Vào năm 1979, Liên hội Người Việt đã tham dự vào Project 4,000.00, tức là chương trình đem 4 ngàn người Việt vào Canada. Trước đó chính phủ Canada chỉ định nhận 8 ngàn người Việt tị nạn cho toàn năm 1979 nhưng sau chương trình 4 ngàn này chính phủ đã thay đổi chính sách và tăng số người được nhận từ 8 ngàn lên 50 ngàn và sau đó tiếp tục cho đến năm 1986, 1987.”

Được hỏi Liên Hội Người Việt có hoạt động nào mưu ích cho cộng đồng tị nạn người Việt trong tương lai ông Lê duy Cấn nói:

“Một trong những chương trình chúng tôi đang thực hiện là dự án xây một viện bảo tàng thuyền nhân. Dự án này đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi và chúng tôi hy vọng viện bảo tàng này sẽ được hoàn thành trong vòng 3 đến 5 năm tới đây.

Mục đích của dự án Viện bảo tàng thuyền nhân là thứ nhất trình bày các dữ kiện lịch sử của cuộc di cư tìm tự do của người tị nạn trong đó phần lớn là thuyền nhân và thứ hai, quảng bá sự đóng góp của người Vịệt tị nạn vào quốc gia định cư.

Sở dĩ mục đích này được đặt ra là vì chúng tôi thiết nghĩ có thể tuổi trẻ Việt Nam không biết tại sao cha ông của các em đã bỏ đất nước ra đi. Chúng tôi cũng hy vọng dự án này sẽ giúp người Canda hiểu lý do sự hiện diện của người Việt tại đây và những đóng góp của người Việt tị nạn cho đất nước này, vì điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tương quan giữa người Việt và đại cộng đồng Canada.”

Quý thính giả vừa nghe một số tìm hiểu của Nhã Trân về tình hình hội nhập của người Việt tị nạn tại Canada trong hơn 30 năm qua. Xin hẹn gặp lại quý thính giả trong các chương trình sau.

Thông tin trên mạng

- Canada's Digital Collections

- Vietnamese Canadian Federation

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.