Người Việt trên nước Đức (Bài 5)

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Hiện nay tại Đức có trên 120.000 người Việt đang sinh sống, trong đó khoảng ¼ không có giấy tờ hợp pháp. Sự thành hình của cộng đồng này tương đối phức tạp vì người Việt đến Đức từ nhiều ngả khác nhau, và điều đáng chú ý hơn là hiện nay vẫn có những người tiếp tục rời bỏ quê hương để đến Đức sinh sống, hợp pháp cũng có mà bất hợp pháp cũng có. Phái viên Minh Thuỳ của ban Việt ngữ gửi đến quý thính giả một loạt bài tìm hiểu về người Việt tại Đức.

BerlinWall200.jpg
Bức tường Bá Linh ngày 16-11-1989. Photo courtesy of wikipedia

Bài 5: Bức tường Bá Linh vẫn còn tồn tại?

Dưới đây là bài thứ năm, nói về một thứ Bức tường Bá Linh vẫn còn tồn tại nơi cộng đồng người Việt tại Đức. Mời quý vị theo dõi.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ xuất hiện trong ngôn ngữ Đức từ ngữ Ossis-Wessis (nghĩa là người Đông Đức và Tây Đức) thì trong cộng đồng người Việt cũng có nhóm chữ “người Việt Đông Âu” và “kiều”. “Kiều” hay “Việt kiều” là tên gọi chung cho những thuyền nhân đã đến nước Đức trước năm 1989, sau đó bảo lãnh thân nhân qua Đức theo chính sách đoàn tụ gia đình. Những người đi lao động hợp tác từ phía Đông Đức và các nước Tiệp khắc, Balan, Liên Xô, Bulgari đến nước Đức sau năm 1989 đều gọi chung là nhóm người Việt Đông âu.

Bức tường Berlin ngày xưa nay chỉ còn là di tích dài hơn khoảng 100 mét, gọi là “Bức tranh tường dài nhất thế giới” đã không còn là rào chắn nguy hiểm ngăn chia hai thế giới tự do và cộng sản. Khách du lịch hay ghé thăm, chụp vài tấm hình kỷ niệm, những họa sĩ lang thang thường đến bức tường biểu diễn tay nghề.

Thời gian và mưa nắng làm phai dần màu sắc trên tường, dường như cũng làm phai dần nỗi hân hoan, vui sướng của người dân Đức 10 năm trước, khi bức tường mới bị đập đổ. Chỉ hai, ba năm, sau khi phá bỏ bức tường, người bên tây Đức bắt đầu cảm thấy gánh nặng của phần đất bên đông, so với tây phương thì quá nghèo và lạc hậu, phải đóng góp nhiều tiền với công sức để xây dựng lại từ đầu.

Bức tường vô hình ngày càng lớn dần

Người bên đông lại dững dưng trước nhiệt tình đó, họ bỏ quê hương đi đến những thành phố lớn bên tây tìm việc làm, hưởng thụ cuộc sống mới, lại mang mặc cảm bị khinh thường. Bức tường vô hình nhưng từ từ lớn lên trong tâm hồn của cả hai bên Ossis và Wessis.

BerlinWallDance200.jpg
Người Ðức nhảy múa trên Bức tường Bá Linh.Photo courtesy of wikipedia.

Cộng đồng người Việt cũng rơi vào tình trạng đó, một bức tường ngăn cách ngày càng lớn lên giữa Việt kiều và người Việt Đông âu, thể hiện rõ nhất là ở Berlin, nơi có đông người Việtnam sinh sống.

Theo số liệu năm 2004, trong số dân châu Á đang sống ở Berlin, thì cộng đồng người Việt đông nhất, đến hơn 30.000 người (nhiều hơn người Iran, Irak và China) Tây Berlin có khoảng 4.000 người, tập trung đông ở khu Neu Köln, khu Rheinicken Dorf, phía bắc Berlin. Bên Đông Berlin có hơn 8.000 người, sống ở khu Marzahn hay Lichtenberg.

Đó là những người sống với giấy tờ hợp pháp. Không ai tính được số người ở lậu, làm chui ở Berlin vì thường chỉ có một người có giấy tờ, việc làm nghiêm chỉnh, đứng ra thuê nhà, sau đó chia phòng lại với 7,8 người khác chen chúc nhau trong những căn hộ 2 phòng, cho “ấm tình đồng hương”.

Hố sâu cách biệt

Khó có thể biết được nguyên nhân từ đâu, có thể vì văn hóa, vì cách sống hay hoàn cảnh đưa tới hố sâu cách biệt. Nhiều người Đông âu vẫn còn nhớ nhiệt tình của các nhóm Việt kiều từ lúc họ bỡ ngỡ đặt chân đến vùng đất mới.

Không biết tiếng Đức, không biết đường đi, không bà con thân thuộc, họ đi lơ ngơ ở thành phố Berlin phía tây tấp nập, giàu có, thì gặp được ngay vài người Việt thường hay đến cổng thành Brandenburg chờ đón những đồng hương đi lạc để hỏi thăm, rồi sẵn lòng giúp đỡ.

Họ được đưa về nhà tạm trú, ăn ở vài ngày hay được đưa vào chùa, những khu tạm cư lớn vì có nhóm đi đông đến 20 người, được hướng dẫn về cuộc sống bên tây, sau đó đưa vào trại tị nạn an toàn.

Tiếc thay nhiệt tình đó dần dần phai nhạt, đưa đến sự cách biệt và dè dặt với nhau ở cả hai phía. Ông Phùng nhĩ Lợi trong ban chấp hành Nhà Việt Nam ở Berlin, một tổ chức thường giúp đỡ đồng hương hội nhập vào xã hội, và nối kết hai bên với nhau, cho biết ý kiến: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Minh Thuỳ vừa trình bày cùng quý thính giả sự phân cách trong cộng đồng người Việt tại Đức. Kỳ tới, sẽ là nguyên nhân sâu xa và triển vọng của sự hoà hợp. Mong quý thính giả đón nghe.