Hàng Giáo phẩm Việt Nam ở Baton Rouge trợ giúp nạn nhân cơn bão Katrina


2005.09.13

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Thưa quí vị và các bạn, hai tuần đã trôi qua, nhưng những hậu quả vô cùng khủng khiếp của cơn bão Katrina vẫn còn đó. Ban Việt ngữ của chúng tôi đã có những bài nói về thảm họa đến với người dân Hoa Kỳ cũng như cộng đồng người Việt ở ba tiểu bang Louisiana, Mississippi và Alabama.

KatrinaVietnamese150.jpg
Những gia đình Việt Nam ở New Orleans chạy bão Katrina đang tạm trú tại nhà thờ ở Houston, Texas. AFP PHOTO/Stan HONDA

Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa tin về những nỗ lực cứu trợ của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên toàn nước Mỹ, nhất là ở thành phố Houston. Chúng tôi cũng nhắc đến việc các cơ quan truyền thông loan báo chính phủ Hoa Kỳ đang cho tiến hành điều tra về nguyên nhân cứu hộ chậm trễ, gây ra cảnh đói khát, tình hình mất an ninh trật tự, khiến cho người dân đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất lại còn khốn khổ hơn nữa.

Hôm nay Phương Anh xin mời quí vị nghe câu chuyện của những linh mục Việt Nam đã hết lòng cứu giúp những đồng bào nạn nhân, cùng nghe tâm sự của những người đã cố thủ ở lại thành phố của họ, nơi đã đổ bao mồ hôi nước mắt để xây dựng cuộc sống nơi xứ người, giờ đây, đành phải dứt áo ra đi với hai bàn tay trắng.

Thưa quí vị, vào khi cơn bão khủng khiếp Katrina sắp thổi đến, người dân đánh cá ở thành phố News Orleans và Biloxi có được báo động hay không? Và họ đã chuẩn bị như thế nào? Anh Liên, một người có thuyền đánh cá ở Biloxi cho biết:

"Mỗi khi mà bão tới, thì họ chỉ định cho những cái chỗ, mình tới đó mình nấp, như là những trường học kiên cố, hay là những khu nào mà biết chắc là kiên cố. Khi họ cảm thấy mà nó lớn thì có cảnh sát gọi cho biết là phải chạy trốn như vậy. Còn tàu bè thì họ cũng thông báo là phải chạy như vậy.

Tôi chạy vô đó, cột tàu, rồi ngồi chờ bão tới.. những trận bão kỳ trước thì nó thổi có một chiều gió, thường thường nó thổi thì nó đưa tàu của mình ra giữa con sông. Lần này, gió thổi đi vòng khắp Louisiana, nó thổi tàu theo dọc sông…

Gió nó lớn lắm, khi mà gió thổi rồi không ai ra ngoài được, tôi có ra thử thì cái giọt nước nó không còn lớn như giọt nước mưa nữa mà nó lấm tấm, nó hất vào mặt, như là người đánh… Tôi phải trở vô chứ không làm gì được hết, nhiều chiếc tàu cột dây rồi, đứt dây, trôi đi rồi nó đập vào những chiếc tàu khác…chìm.. nó tan hoang đổ nát, còn hơn chiến tranh nhiều."

Bị kẹt lại

Gió lớn quá... Tôi phải trở vô chứ không làm gì được hết, nhiều chiếc tàu cột dây rồi, đứt dây, trôi đi rồi nó đập vào những chiếc tàu khác…chìm.. nó tan hoang đổ nát, còn hơn chiến tranh nhiều.

Trong khi đó, một giáo xứ có tên Mary Queen of Vietnam, hay còn gọi là giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam do linh mục Nguyễn Thế Viễn làm chánh xứ, ở Versailles, thành phố New Orleans, thì lại chuẩn bị đón bão bằng một cách khác. Linh mục Nguyễn Thế Viễn kể lại:

"Lúc đó thì thực sự là người giáo dân của tôi còn lại tổng cộng khoảng là 300, 350 người còn ở đó. Nhưng mà tôi biết là có một số ông bà già còn lại, những người đau bệnh, thì tôi mới nói với họ là: cái bão nó sẽ mạnh tới cái độ là khi nó lên tới 175 dặm một giờ…đến lúc đó thì sẽ không phải chỉ có bay mái không, mà còn có thể sập nhà, sập cửa nữa.

Chúng tôi có một cái trường nó vững hơn, và nhất là nó có hai tầng, thì lỡ mà nước có lên thì vẫn còn có thể lên tầng trên được… tôi nói với người của tôi: người nào cần đến trú thì cứ đến trú, tôi sẽ ở đó với họ và vì vậy, tôi mở cửa từ 12 giờ ngày chủ nhật, thì họ bắt đầu dọn vào. Tôi dặn họ mang đồ ăn, thức uống vào vì không biết nó sẽ mất bao nhiêu lâu…

Đến thứ hai thì bắt đầu nước tràn vào, bão kéo dài đến hai giờ chiều thì nó ngưng, đến khoảng chiều thứ hai cho đến khoảng 6 giờ thì tôi thấy nó nước nó lên ngày càng nhiều và nghe tin rằng đê bị vỡ… và chúng tôi ở đó cho đến ngày hôm sau thì lúc đó mới liên lạc được ra với thân nhân của tôi… và bởi vì có một bà già bị liệt, nên tôi gửi cha phụ tá của tôi đưa 300 người khác đi trước, còn tôi ở lại với gia đình này…

Và rồi mãi cho đến sáng hôm sau, cũng không ai đến đón cả… đến chiều ngày thứ năm, họ có người đến đón, vệ binh đến đón người chúng tôi đưa đi…Đến ngày thứ sáu, thì có thuyền đưa chúng tôi đi…"

Những tấm lòng nhân từ

Thưa quí vị và các bạn, sau khi gần 400 người bị kẹt ở nhà thờ Maria Nữ Vương Mẹ Việt Nam được di chuyển đến nơi tạm trú là Convention Center, tức Trung tâm Hội nghị ở thành phố News Orleans, nơi đây, một số người lại được đưa về phi trường để được di tản đi nơi khác. Và trong những giờ phút chờ đợi, một lần nữa, họ lại phải trải qua những giây phút kinh hoàng, bị đói khát, chứng kiến cảnh cướp của, giết người ngay trước mắt…

May mắn thay, một vợ chồng người Việt, tên Sinh, có cây xăng và tiệm bán đồ thực phẩm gần phi trường News Orleans đã lập tức thông báo cho các linh mục quen biết ở Baton Rouge, thuộc tu hội Tận Hiến. Linh mục Việt Hưng, giám đốc Trung Tâm Tận Hiến kể lại:

"Anh ta sau khi chạy bão, đã trở về và sau đó anh ta liên lạc được với trong phi trường vì anh ta quen cảnh sát…và trong đó, anh ta gặp được rất nhiều người Việt Nam ở trong trại tiếp cư… Họ nằm ở đó khá lâu và có rất nhiều vụ hãm hiếp, cũng như là giết chóc xảy ra… Vì thế, anh ta đưa người ra và gọi cho chúng tôi..cho biết là có khoảng 50 người đang ở chỗ anh ta…và còn khoảng 300 người nữa, đa số đều là giáo dân của giáo xứ Mẹ Việt Nam..."

Trước khi mà xe vô thành phố News Orleans, còn cách độ khoảng 10 miles thì có một cái mùi như mùi tử khí, mùi rất là hôi thối xông lên… Bởi vì lụt lội, nước dâng lên, rồi những cái đồ phế thải, trôi lềnh bềnh cả tuần như vậy, rất là hôi thối…

Được biết, sau khi nhận được tin, 3 Linh mục ở Trung Tâm Tận Hiến tại Baton Rouge đã lập tức kiếm 12 chiếc xe buýt để vào thành phố News Orlean, và:

"Khi chúng tôi vào thành phố thì cảnh sát chặn lại, không cho đi, vì đã từ lâu họ không cho người vào, nhưng nhờ anh Sinh là người ra đón chúng tôi ngay tại cái nút chặn… Tôi thật là là sợ, thành phố không điện, không gì hết, không người, tối om, cây thì nó đổ, không có một tí điện, đường nào cũng tối tăm..Tôi coi như một bãi tha ma vậy."

Cùng đi với linh mục Việt Hưng, còn có linh mục Phạm Hữu Tâm, ông kể lại:

"Trước khi mà xe vô thành phố News Orleans, còn cách độ khoảng 10 miles thì có một cái mùi như mùi tử khí, mùi rất là hôi thối xông lên… Bởi vì lụt lội, nước dâng lên, rồi những cái đồ phế thải, trôi lềnh bềnh cả tuần như vậy, rất là hôi thối…"

Cảnh tượng kinh hoàng

Trải qua bao khó khăn, khi tới phi trường, thì số 300 người Việt cũng đã được di tản đi nơi khác, linh mục Tâm chỉ gặp được đôi vợ chồng trẻ, tên Thiện, và hai con nhỏ, cùng một ông cụ già bệnh hoạn, bị cụt chân và một thanh niên đi theo giúp đỡ. Sau đó, linh mục Tâm giúp vận chuyển những người Mỹ bị tàn tật và bệnh hoạn về trại tạm cư của Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ, và rồi đưa những người Việt về Trung Tâm Tận Hiến của mình. Anh Thiện kể lại: "Vợ chồng tôi quyết định ở lại…Tiền bạc thì mình không có, chạy đi đâu bây giờ…Kế bên tôi có 3 gia đình cũng ở nhà, nhưng mà đâu có ngờ nước nó dâng lên…Khi mà mình muốn đi thì không đi được. Bao nhiêu đồ mình cứ kê lần, kê lần.. rồi nó lên tới nóc.. Hai vợ chồng, hai đứa con, không biết làm sao, may có người Việt mình bơi xuồng qua lại ở nhà thờ, mới cho hai đứa nhỏ quá giang ra nhà thờ trước.

Trong này, hai vợ chồng xách mấy bộ quần áo đi sau, bởi vì mấy chiếc xuồng nhôm, nó nhỏ, không chở nhiều người được..Khung cảnh nhà thờ thì thảm lắm.. nóc thì nó không còn nữa. Tui còn thấy có một cái máy dầu, để mấy cái tivi cho bà con coi, những cái la phông, những cái vách đổ xuống lổm chổm, ướt loi ngoi hết, rồi có nhiều bà lão bị bịnh…cha cũng dọn dẹp chỗ nằm cho, thuốc men rồi lo cho…

Cha nói là cứ ở đây đi, dù sao đi nữa thì cha sẽ cố gắng liên lạc để mà đưa mọi người đi. Cuối cùng thì cảnh sát vô, rồi quân đội vô đưa dân ra.. Nói tóm lại là lúc đó, những cái quán tiệm, những cái xí nghiệp, những cơ quan, bất cứ một cái chợ búa…không còn một cái gì hết, bão tàn phá một phần cũng có, dân mà nổi lọan lên cũng có…đập phá không còn một cái gì hết…

Tới đó mới là cần nước, không có một giọt nước nào hết, xung quanh thì là nước mặn tràn vô..lúc đó ai cũng ngoi ngóp hết, chạy cùng hết để mà kiếm nước… Đợi riết thì xe cũng tới đưa tới Convention Center…Mình tưởng thoát khỏi nạn phần nào, nhưng nói sự thực là khi vô trong trại đó rồi thì mới sợ, vì cái mạng người họ coi không ra gì hết. Họ báo là đã có 6, 7xác chết..

Phát một người một bịch lương khô và một chai nước…Trời ơi, người già cả nằm ngoi ngóp gần chết cũng đành chịu thôi, chứ không cách gì…nhiều lắm, ôi thôi, không kể nổi…Tôi đã nhìn thấy mấy cái xác chết, còn mấy xác chết còn nằm rải rác thì hỏng ai biết, chưa kéo ra…

Ban ngày thì thấy xe cảnh sát đậu, ban đêm thì không thấy nữa, bên trong là không một ai dám vô hết…Những người Việt Nam thì ông cha tập trung lại, toàn bộ Việt Nam mình ở ngăn đó…Đêm, Mỹ nó muốn làm gì thì nó làm, chứ Việt Nam mình không dám mở miệng…đêm nó vác súng nó đi ngờ ngờ thôi, tụi nó không sợ một ai đâu…

Cảnh sát, quân đội cũng không dám vô luôn…Cái tụi xấu đó, cái bọn người xấu đó đã đập toàn bộ kho của Convention Center hết rồi… không có gì ăn hết, không có gì uống hết.. Tự túc đi kiếm.. Khi mà quân đội đổ quân xuống cũng không có gì ăn hết. Chiều hôm thứ bảy, họ mới đem food tới, đổ một cái góc thật xa… xuống mà lãnh được cái food thì vừa đi, vừa về là khoảng 1 tiếng đồng hồ, mà nguy hiểm lắm..

Phát một người một bịch lương khô và một chai nước…Trời ơi, người già cả nằm ngoi ngóp gần chết cũng đành chịu thôi, chứ không cách gì…nhiều lắm, ôi thôi, không kể nổi…Tôi đã nhìn thấy mấy cái xác chết, còn mấy xác chết còn nằm rải rác thì hỏng ai biết, chưa kéo ra…"

Hoàn cảnh bi đát

Thưa quí vị và các bạn, sau khi được có tên trong danh sách đi tiểu bang Arizona, vợ chồng anh Thiện cùng hai con nhỏ từ chối vì không quen biết một ai ở đó, lại không biết tiếng Anh, anh nói:

"Tụi tôi lên máy bay rồi mà đành phải xuống, thì họ cự tụi tui, thì vợ tui mới đứng khóc um xùm, một anh quân đội mới cho tụi tui bốn chục…và nói tao không biết giúp mày gì hơn…ngay lúc đó tụi tui gặp được cha Tâm đến."

Thưa quí vị và các bạn, bác Hồ Xuân Hiến, năm nay 75 tuổi, bị tiểu đường, và đã bị cưa chân, không vợ con, không người thân thích, cho biết hoàn cảnh bi đát của mình:

"Khi đưa tôi tới chỗ tập trung của người Việt thì đông lắm, mà không có giường chiếu nữa đâu, nằm dưới đất, tôi không có gì hết, tôi đi chỉ có mặc quần xà lỏn với cái áo sơ mi, vì họ cứ khiêng tôi không à, khiêng tôi lên máy bay rồi vào cái phi trường đó, để tôi nằm ở cái xó đó, thì có một người Mỹ đến cởi áo đắp vào hai cái đùi của tôi, rồi sau đó thì tôi gặp hai ông cha…"

Ông Phan Văn Bảy, năm nay 58 tuổi, chịu đựng đến giờ phút cuối cùng mới rời nhà cho biết:

Bạn có phải là nạn nhân của bão Katrina? Bạn muốn kể lại câu chuyện của mình với mọi người? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

"Tôi phải đi vì vấn đề môi sinh và hôi thúi bắt đầu nó bốc lên..Tôi ra ngoài nó như là một bãi tha ma, không một bóng gió nào hết, không một bóng cảnh sát, chỉ có hai chiếc trực thăng bay qua, chừng nửa tiếng trở lại… Tôi ở lại thì chắc chắn là không biết là chết lúc nào… "

Ông Đỗ Văn Bình thì nói: Tôi cũng là một người tử thủ.. mỗi năm, ở News Orleans, chúng tôi phải hứng chịu 6 trận bão mà chưa có một trận nào mà tôi thấy kinh khủng như vậy, cho nên chúng tôi nghĩ rằng nín thở qua sông… nhưng mà không ngờ cái sự vỡ đê nó đưa đến cái kinh khủng… "

Thưa quí vị và các bạn, giờ đây, sống sót sau thiên tai, người dân Việt ở vùng vịnh Mexico vẫn luôn mong có ngày trở về chốn cũ và tái dựng lại cuộc sống mới như linh mục Nguyễn Thế Viễn mong ước:

"Tôi nghĩ là trong số vài tháng tới, vẫn chưa có thể trở lại được, chỉ cố gắng làm sao để mà tạm tìm nơi cư trú, tìm công ăn việc làm, người nào lo việc đó, số người còn lại lo sắp xếp để khi có thể trở về được thì để xây dựng lại… "

Phương Anh xin dừng nơi đây và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.