Người Việt ở Bắc Kinh, Trung Quốc

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Người Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là đề tài của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay.

ChinaLunarNewYear200.jpg
Đèn lồng ở Trung Quốc trong dịp Tết Đinh Hợi. AFP PHOTO

Khi chương trình tối nay đến với quí vị thì ở Việt Nam và ở Trung Quốc vẫn còn không khí Tết, những cây nêu cây phướng và lồng đèn sặc sỡ chưa được kéo xuống, người Việt dù có bận rộn gì mấy với sinh kế vẫn giữ quan niệm “ tháng Giêng là tháng ăn chơi” người ta sẳn sàng mời nhau chén rượu đầu xuân, chúc nhau hưởng xuân đến trăm tuổi.

Thế thì người Việt ở Trung Quốc năm nay mừng xuân Đinh Hợi như thế nào? Anh Thành, cư ngụ tại Bắc Kinh, cho biết:

“Hôm 23 tháng Chạp đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh có tổ chức buổi tất niên, mời Việt kiều, mời các cô bác ông bà, những người cao tuổi và bọn sinh viên hay những người làm việc như bọn em ấy. Tập trung lại với nhau vui lắm, sau đấy thì mọi người về Việt Nam ăn Tết hết, ở lại chỉ có mấy gia đình thôi.”

Là người ở Nam Đàn, Nghệ An, anh Thành qua Nga theo diện xuất khẩu lao động. Sau hai thập niên ở Nga, anh qua Trung Quốc từ cuối 1999 đầu 2000, lập công ty thương mại tại thủ đô Bắc Kinh :

“Thực ra khởi nghiệp thì lập một công ty để có cơ sở hợp pháp ma làm ăn thôi, công ty nhỏ khoảng năm sáu người mà toàn là Trung Quốc thôi.”

Thành phố Bắc Kinh

ChineseLunarNewYear200.jpg
Múa lân trong ngày Tết cổ truyền. Photo AFP

Dưới mắt anh Thành, Bắc Kinh là một thành phố du lịch hiện đại, có nhiều danh lam thắng cảnh nặng tính văn hoá như Tử Cấm Thánh, Di Hoà Viên, hoặc Thiên An Môn danh vang thế giới. Bắc Kinh còn có nhiều khu thương mại sầm uất, nhộn nhịp, buôn bán tấp nập không đâu bằng.

Bên cạnh đó, khách phương xa đến Bắc Kinh là phải tìm tới khu chợ Nga rộng lớn, nơi có nhiều người Việt đánh hàng ở đó.

“Bắc Kinh là một thành phố hiện đại, du khách thích đến. Chỉ một một nhược điểm là mùa này hay có bão cát thường gây ô nhiễm môi trường. Bão cát từ sa mạc Gobi phía bên Mông Cổ thồi về đấy.”

Đó là lý do khi nói chuyện với Thanh Trúc thì anh Thành không có mặt ở Bắc Kinh mà đã đưa gia đình sang Hawaii để trốn những cơn bão cát khó chịu của Bắc Kinh.

Công ty đại diện thương mại mà anh Thành làm giám đốc ở Bắc Kinh làm những việc gì, khi kinh doanh có phải qua những thủ tục lo lót biếu xén gọi nôm na là tiền bôi trơn như một số doanh nhân bên Việt Nam thường phải làm không?

“Không có đâu, không cần như thế, mình làm theo luật bình thường đầy đủ giấy tờ thì xin lập văn phòng đại diện của công ty đấy. Còn nếu muốn thành lập công ty đúng nghĩa là sáng lập ở Trung Quốc thì phải có một số vốn pháp định tương đương khoảng 5 triệu nhân dân tệ thì họ mới cho mở thành doanh nghiệp.

Còn như công ty của em thì hiện tại bây giờ đứng dạng là đại diện cho một công ty nước ngoài, mà công ty đó ở nước Nga chứ không phải ở Trung Quốc. Công ty của em mua hàng từ Trung Quốc và xuất hàng từ Trung Quốc, máy móc thiết bị nguyên vật liệu từ Trung Quốc đi các nước ngoài Trung Quốc.”

Đó là anh Thành, một người Việt làm kinh doanh nhỏ ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Ở Bắc Kinh có chừng trên 200 doanh nhân người Việt, trong lúc con số du học sinh Việt Nam là đông nhất với khoảng hai ngàn, cộng thêm những người làm cho các báo đài bên đó và một số nhân viên sứ quán cùng gia đình con cái của họ.

Chị Hằng, quê ở Bắc Giang, sang Trung Quốc hồi năm 2000 và ở lại cho tới nay, hiện làm việc trong một công ty vận tải của người Hoa ở Bắc Kinh, có nhiều chi nhánh ở khắp Đại Lục.

Với chị Hằng thì Trung Quốc hay Việt Nam giống nhau, đâu cũng là nhà. Nhưng đối với anh Thành, quê hương là nơi để quay về khi chí đã thành, danh đã toại. Phải chăng đó cũng là suy nghĩ của những người Việt đi khỏi nước để tìm một cuộc sống khá hơn hầu có thể cải thiện nếp đời nghèo của người thân ở quê làng.

Mục Đời Sống Người Việt kỳ này đến đây xin tạm dừng. Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.