Minh Thùy, phóng viên đài RFA
Đi chợ Tết ở quận 13 - Paris, người ta cảm thấy như đang đi chợ Tết ở Saigon! Những gian hàng bánh chưng, bánh tét, bánh mứt đủ loại, trái cây, pháo, chợ hoa...thu hút rất đông khách hàng đến mua và cả khách du lịch đến Paris.

Một tháng trước Tết, khu vực quận 13 ở Paris trở thành trung tâm đón Xuân. Những con đường bao quanh khu vực quận 13 được đóng lại, giăng đèn kết hoa rực rỡ, đón du khách ghé thăm và người châu Á tấp nập mua sắm.
Đi chợ Tết
Nơi đây được xem là trung tâm thương mại lớn nhất của người Trung quốc ở nước Pháp, một số người Việt cũng có những cửa hàng lớn nổi tiếng tại đây như tiệm Thanh Bình, bán thực phẩm, bánh mứt, rau, trái cây nhập từ Việt Nam, những gian hàng sách báo, đĩa nhạc Việt nam.
Chị Nguyễn ngọc Hạnh, đến nước Pháp từ năm 1973, sống ở ngoại ô Paris, tuần nào cũng ghé thăm chợ ở quận 13, có khi chẳng mua gì, chỉ đi chơi và ăn quà vặt cho “đỡ nhớ nhà”, vì “cứ đi lang thang ở đây, nghe mọi người nói với nhau bằng tiếng Việt, tiếng Tàu là có cảm tưởng như đang đi ở đường phố Saigon”.
Chị kể về việc đón Tết của người Việt: "Cứ vào quận 13 là thấy Tết, vì hai bên dãy cây họ giăng đèn và hàng chữ Chúc mừng năm mới. Ở các trung tâm thương mại to lớn của người Tàu thì bán đủ thứ bánh mứt. Ở phía ngoài thì có trung tâm thương mại rất lớn của người Việt là tiệm Thanh Bình, mỗi năm vào dịp Tết họ mời các nghệ sĩ Việt Nam sang hát nên không khí rất vui.

Ngày mồng 1 Tết thường con đường Ivry bị cấm đi lại để người Tàu, người Việt cùng tổ chức màn múa lân, đốt pháo, có từng nhóm đi múa hát chúc mừng để nhận tiền lì xì. Dịp này chợ lúc nào cũng đông, người ta ra chợ gặp nhau, nói chuyện, không khí rất vui, mua lá về gói bánh chưng. Chợ hoa cũng có, hoa cúc..trúc đủ loại, nhưng không lớn như bên nhà.“
Người Trung Hoa hay sống tập hợp thành những bang hội lớn, giúp đỡ lẫn nhau, nên họ dễ hợp lực với nhau tổ chức ngày Tết rất lớn, sinh động, hào hứng lôi cuốn người Pháp và khách du lịch đến Paris, trong khi người Việt lại phân tán theo từng nhóm nhỏ, vui Tết theo từng hội đoàn, nên khó tổ chức ngày Tết thành một lễ hội chung cho cả cộng đồng.
Nơi đâu có người Trung quốc và người Việt sống là có chùa, ngày Tết hẹn nhau đi chùa đã thành phong tục của người Việt Nam, để cầu an cho thân nhân và cầu xin may mắn cho gia đình trong năm mới. Ở chùa cũng đốt pháo, thầy trụ trì phát tiền lì xì trong phong bao đỏ cho mỗi người để được may, nhiều người thích nhận 1 cành hoa nhỏ nào đó xem như hái lộc đầu năm.
Cộng đồng người Việt
Ở nước Pháp cộng đồng người Việt với con số gần 700.000 người là cộng đồng đông dân nhất sau người Trung quốc, tập trung đông nhất là ở cách thành phố Marseille, Lyon, Bordeaux, ngoại ô Paris.
Dù dân số ít hơn nhưng cộng đồng người Việt được đánh giá là nhóm di dân gặt hái nhiều thành công trong mọi lãnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế (trong khi người Trung quốc chú trọng nhiều hơn về mặt kinh tế) đáng nói hơn là người Việt được đánh giá là cộng đồng dễ hòa nhập với xã hội Pháp, chăm chỉ làm việc, có tinh thần học hỏi cầu tiến và ít có trường hợp vi phạm pháp luật trầm trọng.
Kể về 3 thành phần cộng đồng người Việt đang sống ở nước Pháp, anh Trương hữu Ngọ, sống ở nước Pháp tử 17 năm nay nói:

“Người Việt sống ở Pháp rải rác, chia theo 3 giai đoạn: từ năm 1939-45, trước đệ nhị thế chiến thì số người Việt sang đây đa số là vì đi lính và phụ nữ lấy chồng Pháp, một số là người Pháp lai. Trước năm 45 có số sinh viên du học đi từ Hànội, Saigon thì bây giờ là kỹ sư bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, hiện nay đời sống vững vàng.
Sau 75 thì đa số là người tị nạn, ban đầu đời sống bấp bênh vì không có thân nhân nương tựa nhưng có cơ quan xã hội giúp đỡ thời kỳ đầu để có nhà ở, sau đó hoà nhập vào xã hội Pháp, và vào quốc tịch Pháp hết.
Đa số người Việt không thích buôn bán nên thườngi làm hãng xưởng Pháp, thế hệ thứ hai con cái của họ thì học hành đỗ đạt cao nên có vị trí xứng đáng trong xã hội Pháp. Còn số khác là dân định cư lậu từ Đông Âu sang không có giấy tờ nên không thể tính chính xác, ước lượng chừng gần 700.000 người Việt Nam ở nước Pháp.”
Xem Văn nghệ mệt nghỉ
“Tết đến, tha hồ đi xem văn nghệ, xem mệt nghỉ! Chỉ sợ không đủ thì giờ đi xem thôi!” Chị Ngọc Hạnh nói như vậy. Chính chị cũng là cây văn nghệ của các Hội đoàn trường Gia Long và hướng đạo. Không tập hợp diễu hành đình đám lớn như người Trung quốc, các hội đoàn người Việt hay tổ chức văn nghệ cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn nhưng rất sinh động và nghệ thuật, lôi cuốn rất đông đồng hương tham gia.
Ở các địa điểm văn nghệ luôn có những gian hàng Tết - cũng cây nhà lá vườn - do chính thành viên của hội đoàn tự làm, phục vụ trong đêm văn nghệ. Các hội đoàn chú trọng về nguồn cội nên các màn văn nghệ thường bao gồm nhiều tiết mục nhắc nhở lịch sử, phong tục truyền thống Việt Nam, và những bài hát, điệu múa theo dân ca.

Nhóm Hướng đạo làng Bách hợp Nam quan với anh Lý trưởng (tức là Hội trưởng) Trương hữu Ngọ đã về Việt Nam đặt may các bộ quần áo từ Vua quan đến binh lính để dựng vở kịch múa rất công phu Trần hưng Đạo Bạch đằng Giang.
Anh Trương hữu Ngọ nói: "Tiết mục của nhóm chúng tôi được cộng đồng tán thưởng nhiều, cũng là công sức của anh chị em là tiết mục Trần hưng Đạo Bạch đằng Giang. Hoạt cảnh có hai bản nhạc làm nền là Hội nghị Diên Hồng và Bạch đằng Giang qua các vai diễn của anh chị đóng vai bô lão, người lính.
Khán giả thích thú theo dõi, khi xong rồi đã vỗ tay rất lớn, còn muốn diễn lại nữa. Chúng tôi rất vui được cộng đồng hưởng ứng. Ngoài ra còn có các tiết mục dành cho người Pháp, người nước ngoài không biết về văn hóa Việt Nam, họ rất thích nghe đàn tranh, có nguyên một dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn bầu, tì bà với những người mặc áo cổ truyền, áo tứ thân, hát những bài dân ca quê hương, có những projeteur chiếu những hình ảnh minh hoạ.
Kỹ thuật tương đối phong phú. Dành cho người lớn tuổi còn có tiết mục cải lương với vở kịch Tiếng trống Mê Linh rất thu hút cộng đồng.”
Ở Âu châu người Việt Nam thường sống phân tán, không tập họp thành cộng đồng sống chung cùng khu vực, chính những đêm văn nghệ, những buổi họp mặt tất niên hay mừng Xuân là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, gắn bó tình đồng hương nơi xứ người.
Minh Thùy thực hiện