Trên 300 người thuộc 4 nhóm sắc tộc biểu tình nhân dịp Thủ tướng Khải có mặt tại Washington


2005.06.22

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Trong lúc Diễn Đàn Doanh Nghiệp dành cho phái đoàn doanh gia tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra tại toà nhà Ronald Reagan, thì lễ ký kết những hợp đồng thương mại quan trọng được tiến hành tại Bộ thương mại Mỹ.

UsVnMontagProtest200.jpg
Trên 300 người thuộc 4 nhóm sắc tộc có liên hệ chặt chẽ đến Việt Nam, đã biểu tình nhân dịp ông Phan Văn Khải có mặt Washington. AFP PHOTO

Nhưng một cuộc biểu tình khác qui tụ những nhóm sắc tộc khác nhau ở Việt Nam được tổ chức tại công trường Tự Do cách Nhà Trắng không xa. Thanh Trúc tường trình các diễn biến này như sau.

Sau khi hội kiến cùng tổng thống George W Bush tại Nhà Trắng, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải cùng phái đoàn tháp tùng đến Bộ thương mại Hoa Kỳ ở Washington.

Tại đây, ông Phan Văn Khải cùng bộ trưởng thương mại Mỹ, ông Carlos Guterriez, chứng kiến lể ký kết một lọat các thương ước quan trọng giữa các công ty hai nước.

Hiện diện tại buổi lễ này, ngoài các viên chức trong Bộ ngọai giao và Bộ thương mại Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, còn có sự hiện diện của những doanh gia tai mắt, giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị những tổ hợp hay công ty lớn khởi sự đầu tư vào Việt Nam.

Đó là các tập đoàn kinh doanh tầm cỡ của Hoa Kỳ như ACE International Life, Boeing, Flour Corp., Motorola Inc., New York Life Insurance.

Đòi chấm dứt hành động phân biệt đối xử

Bạn nghĩ gì về chuyến đi của Thủ tướng Khải? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trong khi đó, tại Công Trường Tự Do cách Nhà Trắng một quãng đường, trên 300 người thuộc 4 nhóm sắc tộc có liên hệ chặt chẽ đến Việt Nam, đã biểu tình nhân dịp ông Phan Văn Khải có mặt Washington, đòi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt hành động phân biệt đối xử với người sắc tộc, trả lại đất đai và quyền tự do tôn giáo, bảo đảm cho họ những quyền lợi bình đẳng giống như người Kinh vậy.

Đó là những tổ chức có tên Sáng Hội Người Miền Núi bao gồm nhiều người Thượng đến từ tiểu bang North Carolina, Liên Đoàn Người Khmer Kampuchea Krom đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, Trung Tâm Nghiên Cứu Dân Tộc Thái Đam đến từ Iowa, tổ chức người Hmong Lào đến từ tiểu bang Minnesota.

Cùng điều hợp cuộc biểu tình bên cạnh những người lãnh đạo các nhóm sắc tộc vừa nêu tên có hai thành viên của Transitional Radical Party, tức Đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia, qui tụ nhiều nhà họat động dân chủ và nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới, đặt trụ sở tại Roma, Italy.

Nhắc nhở Washington về tình hình tại Việt Nam

Phát biểu với đài Á Châu Tự Do, ông Matteo Meccaci, đại diện của đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia tại Liên Hiệp Quốc, cho biết:

"Lý do đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia tham dự cuộc biểu tình này là để nhắc nhở chính phủ Mỹ rằng mặc dù hôm nay đang có những diễn biến vô cùng quan trọng trong mối quan hệ Mỹ Việt, Washington cũng nên nhớ đến số phận của hàng triệu người Việt Nam đang bị áp bức."

Vẫn theo lời ông, đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia hân hạnh góp mặt với bốn nhóm sắc tộc đang chịu nhiều thiệt thòi bởi chính sách kỳ thị và hà khắc mà chính phủ hiện hành Việt Nam đang áp dụng với họ. Ông nói đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia kêu gọi tranh đấu bất bạo động, không sử dụng vũ lực, kêu gọi chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ có biện pháp đối với một quốc gia thường vi phạm nhân quyền là Việt Nam.

Phản đối Việt Nam gởi quân đội sang Lào

Những người Việt gốc Khmer Krom thuộc tổ chức Liên Đoàn Khmer Kampuchea Krom, cho biết lý do họ biểu tình hôm nay: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hai người Hmong Lào, trình bày với đài Á Châu Tự Do về động lực thúc đẩy họ tham dự cuộc biểu tình phản đối ông Phan văn Khải và chính quyền Việt Nam rằng lý do ông ta đi biểu tình là vì nhà cầm quyền Việt Nam gởi bộ đội sang hành quân tại những vùng rừng núi ở Lào, bắn giết nhiều người sắc tốc Hmong Lào còn ẩn ánu trong đó. Ông nói bộ đội Việt Nam đã tảo thanh, bắn giết đồng báo ông ở trong rừng, kể cả đàn bà và trẻ con.

Người Hmong Lào thứ hai nói ông ta nhớ lại khi còn là một thiếu niên, ông đã chứng kiến cảnh Việt Nam mang quân và chuyển nhiều vũ khí qua Lào, phối hợp cùng bộ đội cộng sản Lào để càn quét truy lùng những người Hmong lẩn trốn trong rừng sâu nơi vùng biên giới hai nước.

Phản đối dự án xây dựng đập thủy điện Sơn La

Trong bốn nhóm sắc tộc biểu tình tại Công Trường Tự Do hôm sáng thứ Ba thì tập thể những người Thượng từ North Carolina kéo lên được coi là đông nhất với gần 200 người.

Ba người Thượng thuộc hai sắc tộc J’Rai và M’Nong phát biểu: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do, đại diện nhóm sắc tộc Thái Đam thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Dân Tộc Thái tại Iowa, bà Siang Bacthi.

Bà nói quê nhà của bà ở tại vùng Thượng Du Bắc Việt, bà đi biểu tình để phản đối dự án xây dựng đập thủy điện Sơn La mà nhà nước sẽ khởi công tháng Mười Một tới đây. Lý do là vì khu vực dự tính xây đập thủy điện Sơn La nằm trong vùng có nguy cơ động đất, mà nếu thiên tai xẩy ra thì đập Sơn La sẽ vỡ, hàng trăm ngàn người Thái sống quanh đó sẽ bị nguy hiểm.

Đòi quyền lợi cho đồng bào vùng Thượng Du

Một lý do khác nữa, bà Siang Bacthi nói tiếp, bà và những người Thái Đam đi biểu tình hôm nay để đòi quyền lợi cho đồng bào vùng Thượng Du đối với đất đai của họ. Bà nói nhà nước đã di dời người Thái lên núi hay vào trong rừng, ở đó không có đất canh tác, người Thái không thể trồng ngũ cốc, không có ngô khoai để ăn.

Cuộc biểu tình của bốn nhóm sắc tộc kéo dài đến quá trưa thì chấm dứt. Sau buổi hội kiến tại Nhà Trắng, tổng thống Bush loan báo là ông và ông Phan Văn Khải đồng ý về tầm mức quan trọng của việc đối thọai để bảo đảm và nới rộng quyền tự do tín ngưỡng cho người Việt Nam ở trong nước.

Hai vị cũng thảo luận về chuyện Việt Nam muốn gia nhập WTO, về nhân quyền, về quyền lợi của những cộng đồng thiểu số ở Việt Nam, những vấn đề liên hệ đến giao thương hai nước. Một bản thỏa thuận quan trọng về tự do tôn giáo tại Việt nam đã được lãnh đạo hai nước ký kết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.