Người Việt trong và ngoài nước nghĩ gì về cuộc bầu cử quốc hội khóa XII

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Báo chí cho hay, thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh thành cả nước đã hoàn tất những công tác cuối cùng chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội khóa XII, diễn ra vào chủ nhật 20 tháng 5 này.

NationalAssemblyPoster150.jpg
Bảng kêu gọi cử tri đi bầu đại biểu quốc hội khóa 12 trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO

Các phòng đầu phiếu treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu và niêm yết đầy đủ danh sách và tiểu sử tóm tắt của từng ứng cử viên. Đoàn xe cổ động đi vào ngỏ ngách, phố phường để tuyên truyền, giải thích cho người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri, ngày giờ, địa điểm, cách thức bỏ phiếu.

Theo các báo thì đại biểu quốc hội phải có trình độ để nắm vững những vấn đề quan trọng của đất nước, như an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh, giáo dục, ngân sách quốc gia.

Trên thực tế thì người dân Việt trong và ngoài nước có suy nghĩ gì về lần bầu cử này, mời quý vị nghe một số ý kiến do Đỗ Hiếu ghi nhận.

Bị bắt buộc đi bầu

Trước hết, nhiều cử tri khi được hỏi ý kiến đều cho là đi bỏ phiếu như một bổn phận phải hoàn thành để khỏi bị nhắc nhở và có khi lại bị cho là "có vấn đề". Chẳng hạn như bà Thành từ Vĩnh Long nói với phóng viên đài chúng tôi rằng, chánh quyền bảo sao thì dân chúng trong vùng nghe như vậy.

Người ta đi bầu thì mình cũng làm theo, vì có công an dòm ngó, chứ không mấy ai tin là có chuyện bầu cử tự do, mà mọi người đều biết trước rằng có sự sắp đặt từ bên trên.

Hiền Tài Nguyễn Thanh Liêm, phó Ban Bảo vệ tự do tín ngưỡng Đạo Cao Đài toà thánh Tây Ninh cho rằng, bầu cử quốc hội khóa XII là một màn kịch, mà diễn viên do nhà nước chọn lựa trước. Theo ông thì ở Việt Nam khó có vấn đề tự do ứng cử, ông tự hỏi, thành phần đó là ai, và có cách nào chứng minh hay không?

Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Montreal, Canada, nhấn mạnh rằng tuy có một số nét cải tiến trong lần bầu cử quốc hội được tổ chức vào chủ nhật này, nhưng không gây được sự tin tưởng đối với khối cử tri, vì số người tự ứng cử cứ giảm dần từ vài trăm, sau cùng chỉ còn mấy chục. Ông mong mỏi các tân đại biểu quốc hội sẽ tạo một luồng gío mới hầu tạo được uy tín, đặc biệt là đối với giới trẻ đang kỳ vọng vào tương lai của đất nước:

Từ Pháp, tiến sĩ chính trị học Phan Văn Song cũng dùng hình ảnh của một sân khấu, một vở tuồng để so sánh với bầu cử quốc hội lần này. Theo ông thì có thể thành phần diễn viên, cảnh trí, lớp lang, quần áo được đổi mới, nhưng vẫn là việc soạn lại bổn cũ, có nghĩa là trước sao, sau vậy.

Những nhận xét không mấy tích cực có lẽ xuất phát từ hiện tượng đảng và nhà nước vẫn tiếp tục can thiệp vào diễn tiến dân chủ, mà lẽ ra phải độc lập và công bằng, minh bạch. Mới đây tổng bí thu Nông Đức Mạnh đã tuyên bố rằng "không để trò chơi dân chủ chen vào Quốc hội ". Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam còn chỉ đạo cần tỷ lệ thích đáng đối với các nữ đại biểu, thành phần dân tộc ít người......

Những chỉ đạo, sắp xếp đó bị nhiều người liên tưởng đến một vở kịch cũ, lại mang ra công diễn cứ mấy năm một lần, thay vì những cuộc bầu cử tự do ở các nước đầy sự bất ngờ và diễn tiến từng giây phút theo cảm nhận của đa số cử tri.