Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 1)


2006.03.16

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Từ lâu Vương quốc Anh nổi tiếng là nước có một nền giáo dục chất lượng cao hàng đầu thế giới. Vì vậy không ngạc nhiên khi hàng năm có hàng vạn sinh viên quốc tế tới du học tại đây. Học sinh Việt Nam biết đến nước Anh có thể là rất nhiều qua sách vở, văn học, nhưng đến đây du học vẫn còn là ước mơ của nhiều bạn trẻ.

CambridgeSchool200.jpg
Trường đại học Cambridge. Photo courtesy of wikipedia.

Hội đồng Anh (British Council) từ năm 1990 đã cố gắng mở rộng cánh cửa giáo dục chào đón học sinh Việt Nam. Với một số học bổng trao tặng cho những học sinh xuất sắc lúc ban đầu, đến nay các trường Đại học ở nước Anh đang thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam, cả diện được học bổng và diện du học tự túc.

Trong loạt bài : “Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc” , phái viên Minh Thùy của ban Việt ngữ sẽ giới thiệu với quý thính giả về sinh hoạt, việc học tập và tâm tư suy nghĩ của sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Trước hết, là những lý do thu hút giới trẻ đến với nước Anh.

Lý do thu hút giới trẻ

“Du học Anh quốc : sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai’’- “Hãy đến với nước Anh, đất nước của những trường Đại học truyền thống và bạn sẽ có nhiều cơ hội mới’’.... Những dòng quảng cáo trên mọc đầy ở các văn phòng tuyền sinh du học, các trang web và nhiều tờ báo Online trong nước.

Có cả những chuyên gia tư vấn miễn phí, như ông Clive Wood, đang sống ở Anh, thường sang Việt Nam tư vấn cho nhiều học sinh trong việc chọn trường ở Anh. Mới đây báo Thanh Niên phối hợp với Hội đồng Anh (British Council) còn tổ chức cuộc thi về “ Ấn tượng nước Anh’’ thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Nền giáo dục ở Việt Nam rất cần phải thay đổi cách giảng dạy, phải từ bỏ lối học thuộc lòng, học vẹt...với những môn học không thực tế, không cần thiết, bắt học sinh phải nhớ nhiều quá, nên sau khi học xong, tốt nghiệp xong thì...quên.

Nếu năm 1993-94 con số sinh viên Việt Nam du học tại Anh chưa tới 100 người; đa số là nghiên cứu sinh được học bổng đi tu nghiệp hay theo bậc cao học, thì đến nay con số này đã tăng hơn 4500 người.

Tại các trường nổi tiếng như Cambridge, Oxford, LSE (London School of Economic and Political Science) và University College of London đều có đông sinh viên Việt Nam. Lý do chọn nước Anh du học, theo cô sinh viên Thùy Linh:

“Trước kia thường chỉ có du học theo diện học bổng của nhà nước, và thường đi các nước Đông Âu. Sau này học sinh tự tìm hiểu các trường Đại học bên Anh, tự làm đơn xin học bổng và thi tuyển.Nếu đạt tiêu chuẩn của các Đai học thì làm hồ sơ du học. Đó là nhờ số sinh viên đi du học trước, học có kết quả rất tốt nên các trường Đại học bên Anh dần dần càng chú ý đến học sinh Việt Nam, cấp học bổng nhiều hơn.’’

Đối với Vân Anh thì lại có lý do thú vị khác: “Vân Anh thích đi du học ở Anh vì thích đọc truyện Harry Potter, thích nền văn học có tính cách riêng của Anh, trường học mà Vân Anh đã học qua hệ A-Level cũng là trường nổi tiếng là trường tốt.’’

Vân Anh có nhận xét về sự khác biệt giữa cách giảng dạy, học tập ở Việt Nam và nước Anh như sau: “ Nền giáo dục ở Việt Nam rất cần phải thay đổi cách giảng dạy, phải từ bỏ lối học thuộc lòng, học vẹt...với những môn học không thực tế, không cần thiết, bắt học sinh phải nhớ nhiều quá, nên sau khi học xong, tốt nghiệp xong thì...quên.’’

Học bổng và vay ngắn hoặc dài hạn

Để thu hút học sinh, các trường Đại học Anh quốc mỗi năm đều dành một số học bổng cho những học sinh Việt Nam qua được kỳ thi sát hạch Anh ngữ và phỏng vấn. Mỗi trường chỉ cấp 1 học bổng toàn phần cho học sinh xuất sắc, số khác được học bổng bán phần cho 2 năm đầu theo học hệ Advance Level (thường gọi là A-Level) có thể xem như là 2 năm dự bị Đại học.

Với học bổng bán phần học sinh không phải trả học phí, nhưng phải chi trả từ 6000 đến 8.000 Bảng Anh cho lệ phí ăn ở trong một năm. Sau đó, học sinh phải thi vào Đại học, học tiếp 3 năm để tốt nghiệp Đại học.

Rất ít sinh viên được nhận tiếp học bổng bán phần hay toàn phần khi thi vào Đại học, nhưng sau 2 năm dự bị, sinh viên đã quen với phương hướng học tập và nếp sống ở nước Anh, nên gia đình phải chu cấp để các em tiếp tục theo đuổi việc học.

Có một số thành phần học sinh đi sang đây không phải để du học, cứ như là đi chơi, thường là con của những gia đình rất giàu, không nghĩ đến chuyện học tập, chỉ đua đòi bạn bè ra nước ngoài, nghĩ là ở đây có những thú vui chơi khác bên nhà, đi sang đây như là để tiêu bớt tiền đi..

Học phí và lệ phí sinh hoạt cao hay thấp tùy theo thang bậc từng trường Đại học, khoảng từ 13.000 đến 17.000 Bảng Anh cho một năm. Phần đông phụ huynh đều tìm đến các ngân hàng để vay mượn tiền dài hạn và sinh viên phải cam kết hoàn trả tiền với phưong thức trả góp sau khi hoàn tất việc học.

Thùy Linh nói: “Gần đây có nhiều ngân hàng ở Việt Nam có dịch vụ cho vay dài hạn với lãi suất nhẹ cho những học sinh du học, phụ huynh đứng ra vay, sau khi tốt nghiệp thì sinh viên phải hoàn trả với tính cách trả góp.’’

Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình hầu hết sinh viên Việt Nam đều cố gắng đi làm thêm vào mùa hè hay những ngày cuối tuần, dù vậy việc học tập vẫn đạt kết quả tốt, sinh viên Việt Nam ở các trường đều được tiếng khen là thông minh và chăm ngoan.

Đi… để tiêu bớt tiền

Tuy nhiên cũng có một số ít học sinh thuộc thành phần COCC (con ông cháu cha) đi du học như du lịch, mà theo các bạn là “ họ đi sang đây để tiêu bớt tiền’’ chỉ mãi mê ăn chơi, đua đòi thời trang, đi casino, tổ chức party nhậu nhẹt, quậy phá.... đến mức độ nhà trường phải đuổi học, họ lại chạy sang Singapore học tiếp hay để “quậy tiếp’’.

Về vấn đề này, bạn Trường Giang nói: “Có một số thành phần học sinh đi sang đây không phải để du học, cứ như là đi chơi, thường là con của những gia đình rất giàu, không nghĩ đến chuyện học tập, chỉ đua đòi bạn bè ra nước ngoài, nghĩ là ở đây có những thú vui chơi khác bên nhà, đi sang đây như là để tiêu bớt tiền đi...’’

Rất may là trong hai năm gần đây thì những hiện tượng với vài “nhân vật quậy’’ đó không còn nữa, có thể họ đã nhận ra đây không phải là môi trường để vui chơi và đi du học cũng có những gian khổ riêng, chứ không như đi du lịch, và tập thể sinh viên Việt Nam vẫn giữ được tiếng khen như trước.

Quý thính giả vừa nghe bài đầu tiên trong loạt bài tìm hiểu về du học sinh Việt Nam tại Anh quốc do Minh Thuỳ thực hiện. Trong buổi phát thanh tới, Minh Thuỳ sẽ tìm hiểu đời sống trên xứ người của các sinh viên này. Mong quý thính giả đón nghe.

Theo dòng sự kiện:

- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 3)

- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 2)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.