Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 3)


2006.03.17

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Từ lâu Vương quốc Anh nổi tiếng là nước có một nền giáo dục chất lượng cao hàng đầu thế giới. Vì vậy không ngạc nhiên khi hàng năm có hàng vạn sinh viên quốc tế tới du học tại đây. Học sinh Việt Nam biết đến nước Anh có thể là rất nhiều qua sách vở, văn học, nhưng đến đây du học vẫn còn là ước mơ của nhiều bạn trẻ.

MuaNon200.jpg
Vũ khúc múa nón của nữ sinh viên đại học UCL. Hình của Tô Nhật

Hội đồng Anh (British Council) từ năm 1990 đã cố gắng mở rộng cánh cửa giáo dục chào đón học sinh Việt Nam. Với một số học bổng trao tặng cho những học sinh xuất sắc lúc ban đầu, đến nay các trường Đại học ở nước Anh đang thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam, cả diện được học bổng và diện du học tự túc. Trong hai bài đầu của loạt bài : “Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc“ , phái viên Minh Thuỳ của ban Việt ngữ đã giới thiệu với các bạn về sinh hoạt, việc học tập và tâm tư suy nghĩ của sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Bài thứ ba cũng là bài cuối của loạt bài sẽ dành cho dự định của du học sinh sau khi tốt nghiệp tại Anh quốc.

Dự tính sau khi tốt nghiệp

“Tốt nghiệp xong thì sẽ về nước hay ở lại đây làm việc’’, câu hỏi này làm trăn trở quyết định của nhiều sinh viên ở đây. Cô sinh viên Vân Anh nói rất chân tình về suy nghĩ của mình:

“Đa số các bạn đều có hướng quay về đất nước sau khi học xong, vì nếu làm việc ở nước ngoài là chỉ làm giàu cho nước người và nước nhà vẫn bị chảy máu chất xám. Một lớp trẻ lớn lên với kiến thức về chuyên môn nhiều hơn, công tâm hơn, thì khi về nước làm việc sẽ giúp đất nước mau thay đồi. Nếu ai cũng bi quan mà quay lưng lại với đất nước thì càng làm nước nhà tiếp tục tụt hậu dài dài...”

Ngoại trừ một số ít sinh viên được học bổng của nhà nước Việt Nam phải ký bản cam kết trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp, phần lớn sinh viên du học ở Anh đều theo diện tự túc đã phải chi trả khá nhiều tiền cho thời gian theo đuổi việc học. Họ có nhiều dự tính cho tương lai của mình và cũng mong được đóng góp điều gì cho đất nước.

Họ có cái nhìn rất thực tế về xã hội và kinh tế ở Việt Nam cũng như nước Anh để tìm ra hướng đi cho mình. Mới 20 tuổi và học năm thứ nhất khoa Kinh tế, cô sinh viên Thùy Linh có dự tính khá táo bạo cho tương lai mình:

“Tốt nghiệp xong, Linh sẽ tìm một việc làm ở các tập đoàn tài chính ở nước Anh để làm việc, học hỏi kinh nghiệm, sau đó sẽ về nước, cố gắng thành lập một Finance group, một công ty tài chính cung cấp vốn đầu tư hổ trợ những người có dự án kinh doanh mới vì thực sự vốn đầu tư của các nước khác vào Việt Nam hiện nay không nhiều, mà Việt Nam nếu muốn phát triển phải có nguồn vốn đầu tư lớn, Linh hy vọng sau này có cơ hội làm việc để thúc đẩy vấn đề này.’’

Vấn đề đáng suy nghĩ là số sinh viên đang theo bậc Cao học, đang làm luận án Ph.D thường có dự tính ở lại Anh giảng dạy và làm việc, vì họ dễ tìm được việc làm thích hợp khả năng, lương bổng cao tại đây hơn ở Việt Nam.

Trong khi các bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học có khuynh hướng sẽ đi làm vài năm tại các nước Tây phương để có kinh nghiệm thực tế, cố gắng dành dụm cho mình một số tiền vốn cần thiết để sau đó sẽ học tiếp cao hơn hay trở về nước thành lập công ty tư nhân.

Bạn Trường Giang có ý tưởng mới và thoáng hơn: “Quyết định là sẽ quay về nước làm việc, kết hợp với các bạn thành lập công ty riêng, vì Việt Nam đang phát triển thì lớp trẻ có nhiều cơ hội hơn. Chuyện ở lại hay trở về không là vấn đề quan trọng vì khi muốn đóng góp cho đất nước thì ở đâu cũng có thể đóng góp được.’’

Theo anh Ngọc Anh, từng là giảng viên Đại học Lancaster thì: “Sau khi tốt nghiệp, trở về Việt Nam để có việc làm ngay thì không thuận lợi bằng ở lại Anh làm việc thêm vài năm, nhưng càng ở lâu bên Anh thì lại càng... có ít khả năng quay về, tiếng Anh gọi vấn đề này là “Duration Dependence’’, vì khi trở về quê nhà việc hội nhập vào cộng đồng khó khăn hơn, những cơ hội kinh doanh, làm việc cũng ít hơn.

Nhưng cơ hội ở Việt Nam là rất nhiều - ngay như sinh viên Trung quốc ngày nay cũng có xu hướng trở về nước - và cơ hội có thể do chính chúng ta tạo ra chứ không đơn giản là cơ hội sẵn có hay do người khác mang đến.’’

Theo dòng sự kiện:

- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 2)

- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.