Giáo dân Hải ngoại nghĩ gì về việc TT Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Tòa Khâm Sứ?
2008.01.01
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Bản tin của VietCatholic News cho biết, sáng Chủ Nhật 30-12 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Sau khoảng nửa giờ đàm luận, hai vị đã đi sang toà Khâm Sứ.
Cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng và đức Tổng Giám Mục diễn ra trong bối cảnh cách đây vài hôm, hàng ngàn giáo dân tại Hà Nội đã biểu tình ôn hoà yêu cầu nhà nước trả lại Toà Khâm Sứ đã bị trưng dụng từ năm 1959.
Phóng viên Thiện Giao tìm hiểu những suy nghĩ của các giáo dân Việt Nam tại Hoa Kỳ về buổi gặp gỡ giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Tập trung cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm Sứ
Toà Khâm Sứ của Vatican tại Hà Nội bị nhà cầm quyền Việt Nam trưng dụng từ năm 1959. Cho đến nay, đã nhiều lần Giáo Hội Công Giáo Việt Nam gởi đơn lên chính quyền, xin lại khu nhà này.
Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng đã từng nhiều lần gửi đơn; Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng tiếp tục công việc gửi đơn hàng năm, nhưng nhà cầm quyền chưa bao giờ trả lời.
Năm 2005, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã gửi văn bản đề nghị trả lại ba cơ sở là Tòa Khâm Sứ, Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang và Giáo Hoàng Học Viện Ðà Lạt.
Chính quyền vẫn không hồi âm!
Đến ngày 20 tháng 12, 2007, ngay sau lễ truyền chức linh mục cho 18 phó tế tại Đại Chủng Viện Hà Nội, các giáo dân đã đến cầu nguyện ngay tại Toà Khâm Sứ.
Thế rồi, bất ngờ vào sáng ngày 30 tháng 12, theo tin của VietCatholic News, Thủ Tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Sau cuộc trao đổi của hai vị, Đức Tổng Giám Mục và Thủ Tướng đã sang thăm toà Khâm Sứ.
Phản ứng của giáo dân hải ngoại
Đài Á Châu Tự Do đã tiếp xúc với một linh mục và một số giáo dân đang sinh sống tại Hoa Kỳ, để tìm hiểu nhận định của giáo dân Việt Nam ở Hải Ngoại.
Một giáo dân sống tại Texas, yêu cầu không nêu tên vì một số lý do riêng, nói rằng làm cho lòng dân yên vui mới là người yêu nước; và về việc Toà Khâm Sứ, hai phía phải được tạo điều kiện để giải quyết. Ông khẳng định, cái gì của ai thì trả lại cho người ấy. Giáo dân này nói thêm, vụ toà Khâm Sứ, nếu cứ giữ thì sẽ mất lòng dân. Trong khi đó, lòng dân là chính. Từ California, Linh Mục Mai Khải Hoàn, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho rằng, chuyến viếng thăm này là một tín hiệu tốt đẹp.
Ông Đinh Xuân Thái, một nhà báo, thì không mấy tin tưởng vào hành động của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Thái nói đây chỉ là một hành động nhằm hạ nhiệt mà thôi.
Ông Thái nói rằng, hành động biểu tình đòi toà Khâm Sứ là một khuynh hướng như vết dầu loang. Luật sư Đoàn Thanh Liêm, một nhà hoạt động xã hội, phát biểu từ California, rằng Việt Nam đang nằm trong một tiến trình không thể đảo ngược, vì Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Việt Nam phải theo luật chơi của quốc tế, về nhiều mặt, trong đó có kinh tế, nhân quyền và tự do tôn giáo.
Việc nhiều ngàn giáo dân biểu tình ôn hoà tại Việt Nam là điều khá bất thường. Từ trước đến nay, việc đòi lại tài sản thường chỉ diễn ra giữa hàng giáo phẩm cao cấp và chính quyền.
Hiện tượng đang xảy ra tại Hà Nội, liên quan đến toà Khâm Sứ cho thấy người dân bắt đầu có tiếng nói, trong ôn hoà, trong lời kinh, và trong sự cầu nguyện.
Các tin, bài liên quan
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
- Niềm mơ ước trong mùa Giáng sinh của giáo phận TPHCM và Hà Nội
- Hàng ngàn giáo dân tập trung yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm Xứ
- Tranh chấp giữa Giáo hội với Chính quyền về các cơ sở tôn giáo
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam
- Hội đồng Giám mục Việt Nam bắt đầu kỳ họp thường niên
- Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ bàn thảo về trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý
- Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận qua lời kể của một số tu sĩ và giáo dân
- Mối quan hệ giữa giáo hội Thiên Chúa giáo và nhà cầm quyền Hà Nội