Người Việt từ Philippines tới Mỹ khởi sự ổn định cuộc sống


2005.10.07

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Chắc chắn là đến lúc này thì những người Việt Nam kẹt lại Philippines 16 năm hoặc hơn hơn sẽ không còn lo lắng gì nữa khi chuyến bay của hãng hàng không ATA do tổ chức Di Dân Quốc Tế IOM cất cánh khỏi phi trường Manila để tới phi trường Los Angeles, mang theo 229 người trong đợt đầu tới định cư tại Mỹ mà Thanh Trúc đã có mặt tại chổ để tường trình cùng quí vị tối thứ Hai tuần trước, chạy sáng thứ Ba giờ Việt Nam.

PhilippinesVietnamese200b.jpg
Giây phút vô cùng cảm động khi hàng mấy trăm người Việt ra đón đồng hương, người thân đi đón bà con, anh chị em gặp lại nhau sau những năm dài xa cách. Hình của Thanh Trúc/RFA

Đó là giây phút vô cùng cảm động khi hàng mấy trăm người Việt ra đón đồng hương, người thân đi đón bà con, anh chị em gặp lại nhau sau những năm dài xa cách. Người ở Mỹ nhìn thấy người mới đến mà tựa như thấy lại bản thân mình những ngày đầu đặt chân tới đất Hoa Kỳ với tâm trạng bồn chồn khó tả.

Khởi sự từ con số không

Bây giờ thì người mới đến đang cố ổn định cuộc sống bằng cách đi lại từ đầu, nghĩa là khởi sự từ con số không. Vì là người tị nạn được chấp nhận vào Mỹ theo diện nhân đạo, trước nhất họ cần đăng ký để có số an sinh xã hội, sau đó nộp đơn xin hưởng tiền trợ cấp, xin thẻ mua thực phẩm và thẻ khám sức khỏe miễn phí tại sở xã hội của tiểu bang mà họ được đưa về.

Bước tiếp đến là đi học Anh ngữ hầu dễ kiếm việc làm, nộp đơn tại cơ quan gia cư tiểu bang để được cấp nhà ở và trả tiền theo tiêu chuẩn của người có lợi tức thấp. Theo luật lệ Hoa Kỳ, những thủ tục giúp đỡ người tị nạn cần được tiến hành ngay, nếu gặp trở ngại thì người hưởng phúc lợi xã hội có quyền khiếu nại.

Anh Khuê, cùng vợ và hai con từ Philippines đến Mỹ hôm thứ Hai tuần trước, sau đó lên máy bay chuyển tiếp về tiểu bang Virginia miền Đông nước Mỹ, cho biết ngay khi đến nơi, gia đình anh được USCC, tức Cơ Quan Thiện Nguyện Bác Ái Công Giáo, trao cho mỗi đầu người trong nhà một số tiền trợ cấp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Anh Kha, về thành phố Manassas của tiểu bang Virginia, cũng được sự giúp đỡ bước đầu tương tự: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Như Thanh Trúc từng thưa với quí vị, khi còn ở Philippines trong tư cách người tị nạn mà không có giấy tờ di trú, không được quyền đi xin việc làm và không được luật pháp bản địa che chở, những thuyền nhân Việt Nam chỉ có con đường duy nhất để kiếm sống là tìm cách đi bỏ hàng cho người bản xứ với tiền trả góp lúc được lúc mất.

Được là khi gặp người tử tế, mất là vì người mua hàng không thanh tóan tiền nong khi đến ngày trả góp. Phần lớn người Việt ở Philippines đều chạy chợ mua bán kiểu này, và khi con nợ không trả thì có thưa kiện cũng không biết đằng nào mà kêu và có kêu cũng không ai giúp.

Đoàn tụ gia đình

Từ Manila, anh Lân, hồ sơ xin định cư đã được chấp thuận, cho hay anh sẽ về tiểu bang California để đoàn tụ với mẹ và em: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chị Yến, cũng đã được Mỹ nhận và đang chờ ngày đi, kể là chị sẽ về tiểu bang Colorado vì có bà con ở tiểu bang đó: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đó là câu chuyện của những người chọn lựa con đường ở lại Philippines với ước mong có ngày đi định cư ở một quốc gia thứ ba như Hoa Kỳ mà nay đã tọai nguyện.

Tuy nhiên cũng có lắm trường hợp hi hữu thí dụ như chị Hồng và chị Liên mà Thanh Trúc gặp tại phi trường Los Angeles khi hai chị ra đón bạn từ Philippines qua hôm 26 tháng Chín. Chị Hồng và chị Liên nằm trong danh sách những người tình nguyện trở về Việt Nam hồi tháng Sáu năm 1996. Cả hai được tái xét hồ sơ theo diện Rover tạm dịch là tái xét nhân đạo và được qua Hoa Kỳ năm 1998: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhưng cũng có người tự nguyện hồi hương từ Philippines về Việt Nam mà chỉ vì quyết định chậm mất hai tháng, tức là sau thời gian qui định để được tái xét nhân đạo, nên cơ may đi Mỹ đã không đến với họ. Nói về tình cảnh không may của những người này, chi Hồng mô tả: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tiếng cười và nước mắt

Thưa quí vị, trong những cuộc tái ngộ với tiếng cười và nước mắt ở phi trường Los Angeles ngày 26 tây vừa qua, có hai ông bà thuộc hai gia đình khác nhau. Ông và bà được con cái ở Hoa Kỳ bảo lãnh sang thăm và họ đã gặp cơ may đoàn tụ với một người con khác bị kẹt lại Phi trên 16 năm.

PhilippinesVietnamese200.jpg
Gia đình người Việt từ Philippines đến phi trường Los Angeles. Hình của Thanh Trúc/RFA

Người cha từ Việt Nam sang, không muốn tiết lộ danh tánh, phát biểu với Thanh Trúc rằng nước Mỹ đã giúp cô con gái thứ hai của ông một cuộc sống tốt đẹp, bây giờ cũng nhờ nước Mỹ mà ông tìm lại được cô con gái đầu lòng xa cách bao năm cùng mấy đứa cháu ngọai lần đầu tiên thấy mặt.

Trong số hơn 1600 người được phỏng vấn từ tháng Tám 2005 đã có 1.359 người được Mỹ nhận. Trong đó 229 người tới Mỹ thứ Hai tuần trước.

Những người còn kẹt lại Philippines

Tuy nhiên đã có một số người bị rớt, có nghĩa là bị phái đoàn Hoa Kỳ bác đơn xin định cư. Luật sư Trịnh Hội, một người Úc gốc Việt, đã cùng bạn bè trong giới luật sư ở Hoa Kỳ bỏ công ra vận động với chính phủ Mỹ ròng rã 8 năm trời để xin cho gần hai ngàn người Việt kẹt lại lại Philippines 16 năm được tới Mỹ.

Giải thích về những trường hợp bị từ chối, luật sư Trịnh Hội nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hiện tiến trình phỏng vấn vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở Philippines. Vẫn theo lời luật sư Trịnh Hội, chuyến bay thứ hai đưa người được nhận sang Mỹ cư trú vĩnh viễn sẽ được tổ chức trong tháng Mười Một.

Được hỏi tại sao anh có ý định giữ văn phòng trợ giúp pháp lý cho thuyền nhân Việt ở Manila thêm một năm nữa, luật sư Trịnh Hội trả lời: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trong mục đích vận động cho những người bị từ chối vào Mỹ, luật sư Trịnh Hội sẽ qua thủ đô Washington tuần tới để gặp gỡ một số viên chức có thẩm quyền trong bộ ngọai giao và lập pháp Mỹ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Được biết một phái đoàn Canada và một phái đoàn Na Uy dự tính trở qua Philippines trong thời gian tới để phỏng vấn và nhận thêm người tị nạn vào nước họ. Có điều những tiêu chuẩn mà Canada đề ra khi phỏng vấn để nhận người định cư xem ra khó hơn điều kiện của Hoa Kỳ hay của Na Uy. Thực tế cũng cho thấy chừng như phần đông thuyền nhân Việt kẹt ở Philippines đều mong ước được Hoa Kỳ nhận hơn bất cứ quốc gia nào khác. Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây xin tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ quí vị kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.