Trường Văn, phóng viên đài RFA
Hiện tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về con số du học sinh tốt nghiệp hoặc số chuyên gia đi tu nghiệp tại ngọai quốc trở về làm việc tại nhiệm sở cũ của mình hay được giao cho những nhiệm vụ mới phù hợp với lãnh vực được đào tạo.

Tuy nhiên như những các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam cũng bị một căn bệnh mà các nhà nghiên cứu thường hay nói là căn bệnh chảy máu chất xám.
Một khuynh hướng chung của du học sinh các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam là các du học sinh, nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình học hỏi của mình thường phân vân trước câu hỏi về nước hay tiếp tục học thêm hay là ở lại làm việc nơi xứ người .
Câu hỏi hay suy nghĩ này nhiều khi không được đặt ra ngay khi du học sinh mới bước chân đến quốc gia mình được theo học, mà nó được dần dần thành hình sau một thời gian sống trên xứ sở xa lạ với những ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần mà ở Việt Nam không có.
Tiến bộ về khoa học kỹ thuật
Có nhiều lý do để khiến du học sinh băn khoăn trăn trở về quyết định về hay ở của mình. Trước hết là các quyến rũ vật chất ở xứ du học sinh đang sống.
Dù mang theo một tinh thần yêu nước nồng nàn cho đến đâu đi nữa, du học sinh không thể chối cải được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của thế giới mình đang sống. Thư viện, các phòng thí nghiệm, các hệ thống máy vi tính và các phương tiện truyền thông khác như các trang web đủ lọai đã gíup cho du học sinh dễ dàng trong việc học tập cũng như làm việc.
Về nước những phương tiện tối tân, hiện đại như thế làm sao có được và du học sinh trở về có đất dụng võ để mang những điều mình học hỏi về phát triển đất nước hay không.
Lương bổng và chính sách đãi ngộ
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Vấn đề lương bổng, thu nhập hàng tháng cũng làm du học sinh so sánh về khả năng xây dựng cho gia đình và bản thân mình khi làm việc tại nước ngoài hay khi trở về Việt Nam .
Một khía cạnh đáng để ý nữa là các quốc gia tân tiến như Mỹ chẳng hạn thường có chính sách đãi ngộ xứng đáng những khoa học gia, những kỹ thuật gia của các quốc gia khác.
So sánh việc đào tạo một kỹ sư trong nước hay nhận một kỹ sư nước ngoài vào làm việc thì các nhà kinh tế, các người quản lý doanh nghiệp đều nhận chân được rằng việc sử dụng một chuyên viên nước ngoài có lợi ích kinh tế nhiều hơn vì không phải tốn chi phí đào tạo.
Một ví dụ điển hình của việc chảy máu chất xám ở các quốc gia đang phát triển là Ấn Độ. Sinh viên tốt nghiệp trường IIT ( Indian Institute of Technology ), thường chạy sang làm việc cho các công ty của Hoa Kỳ. Trường ITT đối với Ấn Độ cũng uy tín như trường MIT ( Massachusetts Institute of Technology) của Mỹ vậy.
Biện pháp khắc phục
Báo Thế Giới Vi Tính – PC World Việt Nam số tháng giêng 2005 có đăng một bài phỏng vấn các du học sinh Việt Nam tại Nhật, Pháp, Mỹ, Singapore và New Zealand về vấn đề về hay ở thì đa số đều trả lời là sẽ tiếp tục ở lại làm việc để có kinh nghiệm và một chút vốn liếng sau đó có thể sẽ về làm việc cho các công ty ngọai quốc tại Việt Nam có quốc tịch của xứ mình học hỏi hoặc làm việc cho các công ty tại các nước láng giềng như Singapore, Mã Lai..
Để làm sáng tỏ thêm vấn đề chúng tôi đã phỏng vấn một biên tập viên phụ trách trang web của báo Hà Nội Mới về vấn đề này và ghi nhận được các ý kiến:
"Công nhân viên nhà nước đi du học hay tu nghiệp nếu không về thì gia đình ở nhà thường bị phạt tiền. Đối với du học sinh tự túc thì không có biện pháp chế tài nào cả."
Tóm lại, điều kiện, môi trường làm việc và việc đãi ngộ xứng đáng là những yếu tố khả dĩ có thể giúp Việt Nam bớt chảy máu chất xám trong tương lai.