Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam ở Berlin – Đức


2006.10.30

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Ở Berlin, nước Đức, một câu lạc bộ mang tên Vinaphunu, hay còn gọi là Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Việt Nam, được ra đời từ 16 năm qua. Ngay từ khi thành lập, câu lạc bộ được chính phủ sở tại rất ủng hộ và hỗ trợ về phương tiện tài chính để hoạt động.

Vinaphunu200.jpg
Trang web Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam ở Berlin.

Người thành lập câu lạc bộ này là chị Hoài Thu, một phụ nữ Việt Nam duy nhất được hai lần nhận bằng khen thưởng của chính phủ Đức. Năm 1999, chị được giải thưởng “ Người Phụ Nữ Berlin” và năm 2001, được tổng thống CHLB Đức trao Huân Chương Công Trạng. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói về chị Hoài Thu và câu lạc bộ phụ nữ này.

Thời kỳ đầu khó khăn

Ngược dòng thời gian, vào thập niên 1980, nhà nước Việt Nam đã gửi rất nhiều nhân công đi lao động ở nước ngoài. Lúc bấy giờ, đa số các nhà máy ở Đông Đức đều tuyển các nữ nhân công để may hàng gia công. Vì thế, hầu hết, thành phần đến Đức làm việc từ Việt Nam là phụ nữ. Khi có biến chuyển chính trị, thì hoàn cảnh sống và điều kiện làm việc của các chị em nhân công người Việt cũng thay đổi theo. Chị Hoài Thu, chủ nhiệm câu lạc bộ kể lại:

“Thời kỳ đầu rất khó khăn vì trong 3 năm đầu, từ năm 1987, nhiều người hợp tác lao động sang, mọi qui định đều nằm trong hiệp định giữa hai nhà nước, một người được ở bao nhiêu mét, sinh hoạt như thế nào, tiền lương bao nhiêu…Học tiếng Đức chỉ 200 tiết, sau đó đi vào làm.

Đồng nghiệp Đức thì không nhiều lắm, nên bị trở ngại về ngôn ngữ. Năm 1989, bắt đầu thống nhất hai nước Đức, tất cả công nhân nằm trong hiệp định của hai nhà nước bị thải hồi ra khỏi nhà máy và có nghĩa là bỗng dưng họ bị ra đường, cách trở về ngôn ngữ…và điều đó rất khó khăn.

Đối với giấy phép cư trú cho ngoại kiều thì rất khó khăn vì đòi hỏi phải có chỗ ở, phải có một công việc làm vững chắc, phải có một công việc ổn định. Điều đó thì vô cùng khó cho người Việt.”

Thời kỳ đầu rất khó khăn vì trong 3 năm đầu, từ năm 1987, nhiều người hợp tác lao động sang, mọi qui định đều nằm trong hiệp định giữa hai nhà nước, một người được ở bao nhiêu mét, sinh hoạt như thế nào, tiền lương bao nhiêu…Học tiếng Đức chỉ 200 tiết, sau đó đi vào làm.

Lúc bấy giờ, chị Hoài Thu, đến Đức từ năm 1983, với tư cách là phiên dịch cho đội lao động Việt Nam, thấy hoàn cảnh các chị em nhân công vô cùng cực khổ, bơ vơ, không nơi nương tựa, chị nảy ra ý định thành lập Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Việt Nam. Vốn có kiến thức về xã hội Đức, quen biết các thành phần quản lý trong chính phủ Đức, lại thêm vốn ngoại ngữ Đức rất giỏi, chị mạnh dạn viết đề án lập “vinaphunu” và gửi cho Bộ Lao Động Đức. Chị cho hay:

“Năm 1990 khi bức tường Bá Linh sụp đổ, hoàn cảnh cuả người Việt rất khổ, rất khó khăn, vì ngày xưa thì ở trong đội hợp tác lao động với nhà máy, có ban lãnh đạo lo cho, nhưng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ thì tất cả đều bơ vơ, người Việt Nam làm một trong những công nhân đầu tiên bị đẩy ra khỏi xí nghiệp…

Trong hoàn cảnh đó, vừa là phụ nữ, vừa là ngoại kiều, vừa là người mẹ, nên càng thấu hiểu hơn nữa, nên tôi đã nhờ rất nhiều bạn bè trong nhà máy cũng như trong bộ máy chính quyền Đức thành lập vinaphunu tức là Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam.”

Chương trình phong phú

Được biết, tại câu lạc bộ, suốt từ 16 năm qua, mỗi ngày đều có những chương trình sinh hoạt thật phong phú. Khởi đầu là các lớp tiếng Đức do các giảng viên người Đức tình nguyện đến dậy. Rồi đến những chương trình cố vấn về pháp lý, xã hội…

Ngoài ra, lại còn có cả những giờ nữ công gia chánh để các chị em có điều kiện gìn giữ ẩm thực dân tộc và có cơ hội gần gũi nhau hơn. Bên cạnh đó, còn có những giờ chia xẻ trao đổi kinh nghiệm về gia đình, hôn nhân, con cái…hay giờ sinh hoạt vui chơi, ca hát với nhau sau những giây phút làm việc mệt nhọc.

Tùy theo từng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, đều có những chủ đề sinh hoạt riêng. Ở đây, còn còn có cả một thư viện nho nhỏ với hàng trăm cuốn sách Việt…Khi hỏi chị có bao nhiêu thành viên trong câu lạc bộ, chị cười và trả lời:

“Câu lạc bộ luôn luôn rộng mở từ nhiều năm nay, khi có việc gì thì có rất nhiều người đến tham gia và tôi hiểu đó là thành viên, và trong 16 năm qua thì vô cùng nhiều. Ở tại Câu lạc bộ này thực sự như một tổ ấm cho tất cả chị em.

Ở đây có thể nghe tất cả các giọng của các chị ở Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Nội…và có mọi miền. Ở đây, tất cả mọi ranh giới mà thường hay có ở mọi nơi thì ở đây không hề có. Tất cả ranh giới đều xoá nhoà. Chúng tôi chỉ nghĩ: chúng tôi là người Việt Nam, được giúp đỡ, muốn giúp đỡ, và được giúp đỡ.”

Nhiều người qua bên này bị tù vì vi phạm pháp luật nhưng có thể nói là không thể vi phạm pháp luật, nhưng đối với chính quyền nước sở tại thì lại là vi phạm. Họ bị ở trại giam và thụ án. Hầu hết họ đều không biết về văn hoá xã hội, cũng như hoạt động cụ thể trong cuộc sống của nước sở tại.

Ngoài giờ lo cho câu lạc bộ, chị Hoài Thu còn dành thời gian để chăm nom và giúp cho những tù nhân người Việt trong các nhà tù ở Berlin. Chị nói:

“Nhiều người qua bên này bị tù vì vi phạm pháp luật nhưng có thể nói là không thể vi phạm pháp luật, nhưng đối với chính quyền nước sở tại thì lại là vi phạm. Họ bị ở trại giam và thụ án. Hầu hết họ đều không biết về văn hoá xã hội, cũng như hoạt động cụ thể trong cuộc sống của nước sở tại.

Tiếng Đức hoàn toàn không biết. Tôi làm xã hội và đến giúp họ nhưng nói chung chỉ là để cho người ta giải toả hay hiểu biết thêm về xã hội văn hoá, và ngay cả tâm tư tình cảm cuả họ…Đó là một trong những việc tôi làm từ nhiều năm nay. “

Những tham dự viên

Phương Anh cũng liên lạc với chị Tuyết, có 3 con, đến sinh hoạt khá đều đặn ở câu lạc bộ, chị cho biết:

“Em đến sinh hoạt khá lâu rồi, 4 năm rồi. Câu Lạc Bộ là niềm tin của tất cả chị em ở đây. Tham gia câu lạc bộ này chúng em rất vui. Các cháu được giáo dục nền văn hóa Việt Nam, nên em rất vui sướng đến đây, dù bận cách mấy cũng cố gắng đưa các cháu đến sinh hoạt.”

Một phụ nữ khác, tên Vân, cũng phát biểu: “Em biết câu lạc bộ này mười mấy năm nay. Một câu lạc bộ mà có thể tồn tại đến 16 năm thì chắc chắn phải có ích thì moị người mới đến sinh hoạt và câu lạc bộ mới tồn tại được.

Nếu không giúp ích thì mọi người không đến và sẽ không tồn tại. Khi sống ở nước ngoài, thường thường người ta thiếu thốn về tình cảm, khi đến sinh hoạt ở câu lạc bộ sẽ thấy bớt căng thẳng hàng ngày, thấy được thoải mái, thư giãn, đó là điều moị người đến sinh hoạt chứ không phải là để được hưởng quyền lợi gì cả, chỉ về mặt tinh thần thôi.”

Em sắp 13 tuổi rồi, em sinh ở bên Đức, em học tiếng Việt ở đây được 3 năm. Em đi học tiếng Việt với cô giáo Bích Lan, em rất thích lớp tiếng Việt tại vì em cứ thích thôi, và học cũng dễ. Em học viết văn và đọc. Em học tiếng Việt để biết nói chuyện với bố mẹ và vì em cũng là người Việt Nam nên em thích học tiếng của mẹ em, em không biết viết thì thấy ngượng.

Hiện nay, theo lời chị Thu cho biết, cộng đồng người Việt ở Đức đã xuất hiện thế hệ thứ hai. Mối bận tâm lớn nhất của các cha mẹ là làm sao cho con cái mình biết tiếng Việt, cùng giữ gìn phong tục tập quán của người Việt Nam.

Lớp dạy tiếng Việt

Vì thế, lớp tiếng Việt được mở ra trong những năm gần đây qui tụ rất nhiều các trẻ em sinh ra và lớn lên tại Đức. Ngoài giờ học tiếng Việt, có những em còn tham gia vào các đội múa và nhiều lần đi trình diễn văn hoá cho cộng đồng bản xứ. Em Ngọc Lan, một học sinh theo học tiếng Việt tại Câu Lạc Bộ cho biết:

“Em sắp 13 tuổi rồi, em sinh ở bên Đức, em học tiếng Việt ở đây được 3 năm. Em đi học tiếng Việt với cô giáo Bích Lan, em rất thích lớp tiếng Việt tại vì em cứ thích thôi, và học cũng dễ. Em học viết văn và đọc. Em học tiếng Việt để biết nói chuyện với bố mẹ và vì em cũng là người Việt Nam nên em thích học tiếng của mẹ em, em không biết viết thì thấy ngượng.”

Một em khác cũng cho hay: “Em tên là Hiền Trang, em sắp 11 tuổi, em sinh ở nứơc Đức. Ngày xưa, mẹ em đi học tiếng Đức ở Câu Lạc Bộ, nên cháu đến đây học tiếng Việt. Em thấy hay, vui và có nhiều bạn. Em thích học ca dao tục ngữ, thơ, văn…”

Riêng cô giáo Bích Lan, người phụ trách lớp tiếng Việt 4 năm qua, cho biết rằng bản thân cô không phải là giáo viên, nhưng vì thấy nhu cầu cần thiết nên đã tình nguyện đến câu lạc bộ mỗi buổi tối để giúp cho các em. Cô cho hay:

“Mình là người Việt, các cháu là thế hệ thứ hai, nhận thấy các cháu không biết tiếng Việt, nói rất ngọng và hầu như không hiểu tiếng Việt, điều đó làm cho tôi cảm thấy rất buồn…Từ đó, tôi cảm thấy muốn làm một điều gì đó một phần bé nhỏ để giúp cho các cháu người Việt ở nước ngòai có thể hiểu được tiếng Việt, đọc được tiếng Việt…”

Cô cũng cho biết lý do tại sao cô lại gắn bó với câu lạc bộ vinaphunu này: “Đây là một mái ấm gia đình của người Việt ở xứ người, mình có cảm nhận như là mình ngồi trong đất nứơc mình. Sinh họat rất ấm cúng, mang tính gia đình, mang tính cộng đồng, từ những việc nấu nướng, vui vẻ với nhau, cùng nhau làm những món ăn mới, cùng nhau sinh họat, cùng nhau ca hát…

Ở đây, không chỉ dậy đơn thuần tiếng Việt, mà còn dậy các cháu cả cách cư xử với phong cách của người Việt, lễ giáo, có trên có dưới đối với mọi người với cha mẹ, với người lớn.”

Ở đây, không chỉ dậy đơn thuần tiếng Việt, mà còn dậy các cháu cả cách cư xử với phong cách của người Việt, lễ giáo, có trên có dưới đối với mọi người với cha mẹ, với người lớn.

Trong suốt 16 năm qua, Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Việt Nam tại Berlin ngày càng vững chắc. Sự thành công cùng hiệu quả của câu lạc bộ đã được các cơ quan hữu trách của chính quyền Đức ghi nhận và đáng giá rất cao. Rất nhiều quan khách và các nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Đức đã đến tham quan câu lạc bộ.

Và điều quan trọng hơn cả là: trong suốt 16 năm qua, “vinaphunu” đã hỗ trợ rất nhiều cho các chị em về đời sống cũng như tinh thần, là chỗ dựa đáng tin cậy cho họ mỗi khi gặp khó khăn. Khi hỏi chị có kinh nghiệm gì để đạt được thành công như thế, chị Hoài Thu khiêm tốn đáp:

Kinh nghiệm của người này có thể không áp dụng cho người kia. Nhưng tôi chỉ tâm đắc một điều trong cuộc đời này là tôi nghĩ rằng nếu thực sự mọi việc xuất phát từ tâm của mình, người ta đến với nhau bằng con đường trái tim thôi, thì mọi việc sẽ làm được.

Qúi vị vừa nghe những thông tin về Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Việt Nam ở Berlin, Đức, do chị Hoài Thu thành lập. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng:

- Vinaphunu - Projekt für vietnamesiche Frauen

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.