Nữ vận động viên xe đạp địa hình của Việt Nam, cô Phan Thị Thùy Trang


2006.11.06
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Sáng ngày chủ nhật, 29 tháng 10 vừa qua, cuộc đua xe đạp địa hình châu Á lần thứ 12 tại tỉnh An Giang, Việt Nam đã kết thúc.

PhanThiThuyTrang150.jpg
Cua rơ Phan Thị Thuỳ Trang. Hình của tinthethao.com.vn.

Trong cuộc thi này, với môn đua xe đạp đổ đèo 1500 mét, vận động viên nữ Phan Thị Thuỳ Trang, người được kỳ vọng rất nhiều đoạt huy chương vàng đã không may bị té ngã sau khi xuất phát 300 mét, nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục thi đấu, và về tới đích với thành tích 3 phút 40’’72 và đoạt huy chương bạc, chỉ thua vận động viên Nhật Mio Suemasa có 20 giây.

Trước đó, trong ngày thi đấu loại, cô đã về nhất với thành tích 3 phút 33’’ 85. Để tìm hiểu thêm về nữ vận động viên chơi môn thể thao rất nguy hiểm này, Phương Anh đã liên lạc với huấn luyện viên cùng gia đình, bạn bè, bản thân cô và xin gửi tới quí thính giả trong Trang Phụ Nữ kỳ này.

Vận động viên sáng giá nhất

Thưa quí vị, được biết, Phan Thị Thuỳ Trang sinh năm 1982, là con gái thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Cha mẹ cô đều sống về nghề làm ruộng ở Tiền Giang. Từ nhỏ, cô rất thích thể thao và quyết định tham gia môn thể thao đua xe đạp khi bắt đầu vào lớp 9.

Từ cơ sở địa phương, cô mê say luyện tập và nhanh chóng đoạt được nhiều thành tích đáng kể. Anh Ngô Quốc Tiến, thuộc Sở TDTT Tiền Giang, huấn luyện viên trực tiếp cho Trang hiện nay cho biết:

“Trang tập xe đạp từ năm 1998. Trang là một vận động viên có một tố chất bẩm sinh của một dân thể thao nhà nghề. Môn xe đạp địa hình là môn vận động viên tập quanh năm ở trên núi. Môn của em Trang là “down hill”, độ nguy hiểm rất cao, phải bay, phải nhẩy qua tất cả chướng ngại vật nguy hiểm. Có khi phải bay qua một cái hố, cái suối chừng 7, 8 mét xuống núi.

Trang tập xe đạp từ năm 1998. Trang là một vận động viên có một tố chất bẩm sinh của một dân thể thao nhà nghề. Môn xe đạp địa hình là môn vận động viên tập quanh năm ở trên núi. Môn của em Trang là “down hill”, độ nguy hiểm rất cao, phải bay, phải nhẩy qua tất cả chướng ngại vật nguy hiểm.

Môn này tập bị té ngã thường. Bản thân em Trang cũng bị chấn thương mấy lần rồi, gãy xương cổ vai, xương vai rất nhiều. Nói chung môn họ vì đam mê thôi. Môn này thuộc về thể thao mạo hiểm.”

Theo lời anh cho biết, hiện nay, cả nước chỉ có 12 vận động viên trong môn thể thao địa hình này, gồm 5 nam và 7 nữ, Thùy Trang là vận động viên sáng giá nhất. Anh nói tiếp:

“Trong giải vừa qua, rất tiếc, Trang bị ngã, nếu không thì đã được giải vô địch châu Á rồi. Trong môn thể thao nào cũng có may và có rủi, mình không thể lường trước được, nhưng Trang cũng đã từng vô địch hai kỳ SEA GAMES rồi, từng vô địch trong châu Á mấy lần rồi. Tôi nghĩ là trong tương lai, cố ấy còn tiến xa hơn nữa nếu được đầu tư đúng mức.”

Ngoài ra, anh cũng cho hay rằng, với một môn thể thao nguy hiểm, “đuà với tính mạng” như thế, nhưng khi các vận động viên tham gia chơi môn này, thì kinh phí nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại là do các vận động viên phải tự lo liệu xoay sở lấy. Anh cho biết thêm về những khó khăn khi luyện tập:

“Nước ngoài họ có xe hơi, đưa lên núi tập, còn mình không có xe thì lấy xe máy buộc dây, kéo xe đạp lên núi, xong rồi từ trên núi chạy xuống, nhưng cũng chỉ đổ núi bằng đường rừng thôi, chứ không phải đường nhựa, mỗi ngày 5, 6 lần như thế, thời giờ còn lại là tập các kỹ năng.

Môn này cũng mới phát triển từ năm 1997, cho đến nay, cả nước cũng chỉ có mười mấy vận động viên nên cũng chưa phát triển ở Việt Nam. Các em tập quanh năm, nhưng một năm chỉ thi đấu một hai giải, chứ không thi đấu thường xuyên như các nước, nếu có cơ hội, các em được đi tập huấn ở nước ngoài, được cọ sát với các vận động viên cao, thì trình độ của Trang sẽ phát triển nhanh.

Tập luyện

Riêng với bản thân Thuỳ Trang, thì cho biết rằng, bản thân cô phải luyện tập rất nhiều. Ngoài môn đổ đèo, cô còn luyện tập môn đường trường. Cô cho hay:

Em thi đấu đường trường, thi đấu đổ đèo. Mấy năm trước, em không tham dự giải vì em bị chấn thương, lần thì em bị cho là bệnh tim nên giải này em mới tham dự. Mỗi sáng, tụi em đi lên đỉnh núi rồi từ trên đỉnh núi tụi em vượt qua mấy chướng ngại vật, mấy cái mô, xuống dưới đất với thời gian thấp nhất.

“Em thi đấu đường trường, thi đấu đổ đèo. Mấy năm trước, em không tham dự giải vì em bị chấn thương, lần thì em bị cho là bệnh tim nên giải này em mới tham dự. Mỗi sáng, tụi em đi lên đỉnh núi rồi từ trên đỉnh núi tụi em vượt qua mấy chướng ngại vật, mấy cái mô, xuống dưới đất với thời gian thấp nhất.

Mỗi ngày mình phải tập luyện để nâng kỹ năng, thực hiện những động tác khó như trong môtô bay. Môn đổ đèo này rất nguy hiểm, ở VN rất ít người chơi, nhưng vì em thích thể thao mạo hiểm. Hơn nữa, ở VN chưa có môn thể thao mạo hiểm như leo núi, đổ đèo từ trên cao xuống. Khi bị thương thì em dấu, em ít cho mọi người biết ngoại trừ bác sĩ.

Nói chung, trong tập luyện cũng như trong cuộc sống, mình gặp khó khăn thì phải ráng vượt qua, vì chính trong tập luyện đó nó tạo cho mình cách sống hàng ngày quyết đoán hơn.”

Khi hỏi thăm về việc cô không may bị té ngã trong ngày thi chung kết hôm 28-10 vừa qua, cô kể lại:

“Lúc xuất phát em rất tự tin, và đây là địa phương của mình nữa, lại có thêm sự ủng hộ của khán giả nữa, nên em quyết tâm bằng mọi cách để đoạt thành tích cao nhất để không phụ lòng những người mến mộ mình. Hôm đó, đường rất trơn vì tối bị mưa, em đi tốc độ hơi cao so với lúc em tập.

Và trước đó, trong các buổi tập, tay em đã bị chấn thương rồi nên em bóp phanh thắng không được chặt, nên qua chướng ngại vật đầu tiên em bị té ngã, lúc đó em đau lắm, những lúc bình thường đi tập thì chắc nằm đó để chờ thầy tới dìu dậy để qua cơn choáng váng. Nhưng lúc đó không hiểu động lực gì nữa, té xuống, em cứ loay hoay cố gắng ngồi dậy để chạy về tới đích.”

Tai nạn bất ngờ

Vào sáng ngày 28-10, trong khi mọi khán giả đang sôi nổi theo cuộc thi, thì ở nhà, bà Nguyễn thị Tâm, mẹ của Thuỳ Trang hết sức lo lắng, từng phút hồi hộp. Bà kể lại:

“Khi thấy truyền hình quay, nó bị té, thì tui gọi điện thoại lên hỏi nó, nó cứ nói là không sao. Mỗi lần nó thi đấu, tui ngủ không được, tui lo lắm, ăn không ngon, ngủ không yên. Tại nó thích môn thể thao này rồi, tui biết nói sao bây giờ.”

Em cảm thấy tiếc, đáng lẽ cơ hội có trong tay nhưng sự cố xảy ra. Trang hết lòng với bạn bè. Trong cách luyện tập, Trang tìm ra một phong cách riêng cho mình, nên khi tập Trang rất hăng say để luyện tập, rất có nghị lực. Em rất khâm phục.

Bà cũng cho biết, mặc dù đã cố gắng ngăn cản và khuyên nhủ cô bỏ chơi môn thể thao rất nguy hiểm này, nhưng bao giờ cũng vậy, bà cũng chỉ nhận được lời an ủi của cô con gái Thùy Trang. Bà nói: “Tui lo lắm, nó cứ nói với tui là không sao mẹ ơi, mẹ đừng lo. Lúc nó đi học, nó vô chơi môn này rồi, lúc đó nó 16 tuổi. Trời ơi, tui lo lắm chứ, mấy lần nó bị nó té ngã, nó dấu, không nói vì ở trên đội. Người ta quay lên truyền hình thì mới biết, chứ nó dấu kỹ lắm, nó không bao giờ nói cho tui hay, chỉ khi đoạt thành tích, báo chí đăng lại thì tui mới biết.

Bây giờ tui hỏng muốn cho nó tiếp tục nữa, tui nói hoài, tui nói “ Con ơi nghỉ đi, mẹ lo lắm, mẹ không ăn ngủ không yên được!” nhưng nó cứ nói là nó lỡ chơi rồi nên không bỏ được. Tui cũng không biết làm sao, chỉ cầu trời, lạy Phật độ trì cho nó được tai qua nạn khỏi.”

Một cô bạn của Thùy Trang, tên Hoàng Thị Thanh Tân, thì nhận xét về cô như sau: “Em cảm thấy tiếc, đáng lẽ cơ hội có trong tay nhưng sự cố xảy ra. Trang hết lòng với bạn bè. Trong cách luyện tập, Trang tìm ra một phong cách riêng cho mình, nên khi tập Trang rất hăng say để luyện tập, rất có nghị lực. Em rất khâm phục.

Trang gặp những chuyện mà đối với em chắc em đứng lên không nổi, nhưng Trang đã vượt qua được. Năm 2004, ở đội tuyển quốc gia nói là Trang bị bệnh tim, họ trả về địa phương một năm trời…Nhưng đến SEA GAMES 2005, thì Trang đoạt huy chương vàng…Cái đó em cũng không biết thực tế như thế nào.

Khi họ trả về, cô ấy đi kiểm tra và tập với số lượng rất nặng những vẫn không sao cả…Nói chung, khả năng của Trang thì rất cao, nhưng nói theo kiểu VN mình thì cô ấy bị xui xẻo. Nói về một vận động viên thì cô ấy cống hiến hết mình cho thể thao.”

Lòng đam mê

Trở lại với Thuỳ Trang, khi hỏi thăm cô về việc cô bị rút tên ra khỏi danh sách vận động viên quốc gia và trả về địa phương ra sao, cô cho hay:

“Em không nghĩ là em bị bệnh tim, em về nhà, sau đó, đi tất cả các bệnh viện lớn ở phiá Nam, và tất cả các bác sĩ đều nói là em không có vấn đề gì. Em nghĩ là ở đội quản lý đội tuyển có một ý đồ gì đó, cũng không hiểu…

Sau khi kiểm tra sức khoẻ, họ trả em về câu lạc bộ điạ phương luôn, cho tới khi gần cuối năm, tháng 11 năm 2005, đội tuyển xe đạp rất cần người để chuẩn bị cho SEAGAME 23 tại Philippines, xe đạp đổ đèo sẽ không đoạt huy chương vàng nếu không có em, nên họ chấp nhận tạm thời…

Thể thao của Việt Nam còn nhiều hạn chế lắm, thí dụ như chế độ của vận động viên quốc gia. Một ngày chỉ có 70 ngàn đồng, thì làm sao đủ sống? Một tháng tụi em chỉ được 2 triệu. Em chỉ có một mơ ước là sau này em có được một việc làm ổn định khi kết thúc sự nghiệp vận động viên mà không biết có được hay không.

Lúc đó gấp gáp quá nên lúc cần thì họ triệu tập em ra. Em cũng buồn lắm, nhưng các thầy ở câu lạc bộ khuyên em vì nghĩa vụ quốc gia, em nên đi làm nhiệm vụ.”

Với lòng đam mê thể thao, với tinh thần cương quyết, đầy nghị lực, đoạt nhiều thành tích đáng kể, nhưng cô cũng hết sức băn khoăn và lo lắng cho tương lai của mình. Cô tâm sự:

“Thể thao của Việt Nam còn nhiều hạn chế lắm, thí dụ như chế độ của vận động viên quốc gia. Một ngày chỉ có 70 ngàn đồng, thì làm sao đủ sống? Một tháng tụi em chỉ được 2 triệu. Em chỉ có một mơ ước là sau này em có được một việc làm ổn định khi kết thúc sự nghiệp vận động viên mà không biết có được hay không.

Vì có nhiều vận động viên sau khi kết thúc thì có nhiều người thất nghiệp, vì chế độ vận động viên của nước mình không giống như ở nước ngoài, chỉ cần vô địch một giải quốc tế là không phải lo về kinh tế, còn tụi em tuy đạt thành tích nhiều, nhưng sau khi kết thúc rồi thì Ủy Ban TDTT cũng lơ là với vận động viên.”

Vừa rồi là những thông tin về nữ vận động viên xe đạp địa hình Phan Thị Thuỳ Trang, người từng đoạt huy chương vàng hai kỳ SEA GAMES và mới đây huy chương bạc xe đạp địa hình châu Á. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.