Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Bên cạnh thuận lợi, những khó khăn trong việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới đã và đang là những thách thức đòi hỏi các nhà lãnh đạo và ngay cả với người dân về sự "trưởng thành", tôn trọng luật pháp.

Tiếp tục tìm hiểu những nan đề mà giới tiểu thương, giới nhà nông có thể sẽ gặp phải trong sự hội nhập, mời quí vị theo dõi qua câu chuyện của Việt Hùng với tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương Mại Việt Nam.
Trước câu hỏi đã là thành viên của WTO rồi, yếu tố nào mà phải chờ đến tháng 3 thì mọi việc mới thực sự được triển khai, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam đưa ra cái nhìn của ông:
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Thực ra việc vào WTO thì Việt Nam cũng đã đàm phán 11 năm rồi. Quá trình đó cũng đã có sự chuẩn bị. Cái chuẩn bị mạnh mẽ nhất có thể nói là chuyển đổi luật pháp cho phù hợp và làm rất mạnh. Trong 5 - 7 năm vừa rồi có thể nói là Việt Nam đạt được những bước tiến rất là lớn.
Cái chuẩn bị thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng đã có những tập dượt. Tập dượt lớn nhất là thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại khu vực Asean (AFTA). Chứ còn tôi nghĩ rằng phải chờ đến tháng 3 vì bản thân nhà nước bây giờ phải đưa ra một chương trình hành động cụ thể và chương trình hành động cụ thể đó phải chờ để họp thông qua, rồi thì góp ý... chậm lắm theo tôi cũng chỉ trong tháng Giêng này thôi thì cũng phải có chương trình hành động cụ thể.
Chương trình hành động này để phối hợp các bộ các ngành, phối hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp để mà làm, rồi các Hiệp hội phân vai ai làm những công việc gì...
Việt Hùng: Việc Việt Nam ra nhập WTO sức cạnh tranh của người nông dân xem ra có vẻ là một trong những trở ngại lớn? Tiến sĩ nhìn vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Về sản phẩm nông sản thì đúng như ông nói là sẽ gặp cuộc cạnh tranh rất khó, nhưng mà cái khó với hàng hóa nông sản Việt Nam không phải là do thay đổi về chính sách trợ cấp hay là thay đổi về chính sách thuế quan đâu, cái đó ảnh hưởng ít thôi, mà cái khó cạnh tranh của hàng nông sản lại chính là do trình độ sản xuất của người nông dân Việt Nam, không phù hợp với việc sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn. Cái đó bây giờ là vấn đề, bây giờ phải thảo luận tìm ra giải pháp để cho nông dân Việt Nam có thể trụ vững được trong thị trường toàn cầu.
Nông dân Việt Nam có mặt mạnh là chăm chỉ, lao động cật lực..., nhưng lại có mặt "nhỏ lẻ và lạc hậu" cái đó là nguy hiểm nhất. Tình trạng này có thể nói là tồi tệ nhất nếu mà anh sang bên Thái Lan hay thậm chí Trung Quốc thì về điểm này họ đã tiến được xa hơn nhiều so với Việt Nam.
Việt Hùng: Làm thế nào để người nông dân có thể đủ sức hay nói đúng hơn là theo kịp đà phát triển trong sự hội nhập của Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Thực ra để chuyển người nông dân phù hợp theo việc sản xuất hàng hóa với số lượng lớn như vậy thì rất nhiều việc. Từ vấn đề sử dụng ruộng đất và ở đây lại phải giải quyết vấn đề sở hữu đất đai, sử dụng đất đai như thế nào để không bị "vướng"?
Không "vướng" có nghĩa là có thể sử dụng thế này thế kia...nhưng mà ông chủ đầu tư ông ấy có quyền sử dụng những lô đất lớn đủ sức để làm ra những sản phẩm hàng hóa lớn... hay là kinh doanh đất đai, đấy là một vấn đề cũng rất lớn.
Vấn đề thứ hai là Giống, giống cây, giống con của Việt Nam cũng rất lỗi thời. Vấn đề thứ ba là lập qui trình sản xuất, chăm sóc. Tất cả những qui trình như vậy là Việt Nam cần phải thay đổi.
Còn vấn đề thứ tư là đầu óc của người nông dân, tức là người nông dân phải chuyển hẳn đầu óc suy nghĩ sản xuất không phải chỉ để ăn, bây giờ phải sản xuất để làm hàng hóa chứ không phải thừa sản phẩm rồi thì mới đem đi bán, ở đây phải có suy nghĩ sản xuất ra hàng hóa là để đem đi bán.
Thế mạnh của người nông dân Việt Nam là có học vấn, có được giáo dục, có văn hóa và thứ hai nữa là cũng năng động, nhưng bây giờ phải chuyển hẳn tư duy của người nông dân sang sản xuất hàng hóa.
Việt Hùng: Đó là vấn đề về giới nhà nông, thế còn vấn đề tiểu thương?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Cũng không thể nói khi các hãng phân phối hàng hóa lớn của các nước vào thì người bán lẻ của Việt Nam sẽ chết hay đi đến chỗ phá sản hàng loạt. Tôi thì tôi lại không nghĩ như vậy, thực ra thì tiểu thương Việt Nam cũng giống như người nông dân, họ cũng chỉ ở qui mô rất nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là chưa có những bàn luận về qui luật của kinh tế thị trường và người ta chỉ biết rằng sống được ngày nào biết ngày ấy chứ còn không thể có tính chiến lược trong kinh doanh của họ.
Chính vì vậy tiểu thương Việt Nam cũng không bắt kịp được với hệ thống bán buôn bán lẻ của một nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh cao. Nếu tiểu thương mà cứ tiếp tục làm ăn theo kiểu chộp dựt, mua rẻ bán đắt, hàng thật hàng giả lẫn lộn... thì những tiểu thương đó chắc chắn là chết.
Tiểu thương mà biết làm ăn đứng đắn, biết gắn bó với người tiêu dùng, nghề của anh phải làm dịch vụ tốt hơn, bám sát vào người dân thì tôi nghĩ những người đó chẳng chết đâu.
Việt Hùng: Việt Nam chưa có chính sách quản lý tư nhân, cộng thêm hệ thống hành chính cồng kềnh như vậy, liệu có phải là vật cản cho những tiểu thương ngoại quốc vào Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Thì đúng rồi, cái này anh đưa ra là rất đúng. Tức là có chuyện, một là lối quản lý hành chánh của anh bây giờ không thể chấp nhận được. Quản lý hoàn toàn là mệnh lệnh, hoặc là không am hiểu gì về kinh tế.
Thứ hai là nhũng nhiễu, tham nhũng hành dân là chính thì lối quản lý kiểu ấy cũng sẽ chết.
Thứ ba đặt ra là vấn đề nhà nước có hỗ trợ gì cho các tiểu thương có thể liên kết với các nhà kinh doanh. Có thể liên doanh liên kết tạo ra sức mạnh... nhà nước phải hỗ trợ để cho chính tiểu thương họ tập hợp lại với nhau, các nhà kinh doanh tập hợp lại với nhau bàn với nhau làm thế nào để buôn bán tốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn và như vậy cuộc sống của họ cũng được tốt hơn.
Chứ còn bây giờ nhà nước đúng như anh nhận định, nhà nước ít quan tâm, hoặc là chỉ là làm theo kiểu công chức hành chính thôi, trong khi đó lại còn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân nữa thì cái đó dứt khoát là không thể tồn tại được nữa rồi. Đợt này chắc chắn sẽ có một đợt cái cách mạnh về cái đó.
Việt Hùng: Chúng tôi xin được đặt một câu hỏi cuối cùng trước khi chấm dứt câu chuyện thưa tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, một trong những vấn đề dư luận cả trong và ngoài nước quan tâm nhiều đó là vấn đề vi phạm bản quyền. Vấn đề này sẽ phải giải quyết như thế nào trong khi thậm chí một số văn phòng của nhà nước cũng vi phạm bản quyền, chẳng hạn những phần mềm vi tính....
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Về vấn đề vi phạm bản quyền hay nó rộng ra là vấn đề sở hữu trí tuệ thì có thể nói đây là một vấn đề rất là mới. Đối với thế giới có thể họ đã ở trình độ cao hơn trong khi Việt Nam còn ở một trình độ thất nên vấn đề này mới tiếp cận đến và mới đặt ra, chỉ khoảng 5 - 10 năm nay mới nói đến thôi.
Thực ra thì cũng chỉ mới lam quen về khái niệm thôi, chứ còn nói thực thi cụ thể như thế nào trong cuộc sống thì phải nói ở Việt Nam thậm chí nhiều người chưa biết đến việc ấy và kể cả một số nhà kinh doanh vì họ cứ dùng được là dùng bất kể biết tài sản đó là của ai....
Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của Đài xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Văn Nam.