Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đến thăm Ba Lan

0:00 / 0:00

Vân Anh, thông tín viên RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ lần đầu tiên có mặt tại Ba Lan vào trung tuần tháng 9 này. Từ Ba Lan, thông tín viên Vân Anh của Đài Á Châu Tự Do gửi về bài tường thuật liên quan đến chuyến thăm Ba Lan của phái đoàn chính phủ Việt Nam.

PolandVietnamese200.jpg
Người Việt tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. AFP PHOTO JANEK SKARZYNSK.

Hội Kinh Tế Toàn Quốc (KIG) của Ba Lan cùng Hội Thương Mại – Công Nghiệp Việt Nam vừa loan tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt tại Ba Lan trong những ngày 14 và 15 tháng 9.

Cùng đi với thủ tướng là phái đoàn 60 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Phái đoàn có nhiệm vụ tháp tùng vị thủ tướng, người đóng vai sứ giả chào mời các doanh nhân Ba Lan trao đổi kỹ thuật và đầu tư vào Việt Nam trong các ngạch năng lượng, bất động sản, dầu khí, công nghiệp nặng, đóng tàu, du lịch, than mỏ, hóa và dược học, nông nghiệp, ngân hàng, vận tải.

Sự có mặt của Thủ tướng Việt Nam tại Ba Lan không được loan báo trên các mạng thông tin chính thức của Bộ ngoại giao Ba Lan cũng như các cơ quan cao cấp chính phủ Ba Lan. Hiện báo chí thiếu thông tin về việc Thủ tướng Việt Nam sẽ được tiếp đón chính thức tại văn phòng Thủ tướng hay Tổng thống Ba Lan.

Điều này mách bảo rằng chuyến đi Ba Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hứa hẹn gì nhiều về mặt chính trị cho chính quyền Việt Nam. So với tất thảy các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia các nước khác tại Ba Lan thì cách ứng sử của chủ nhà hiện nay xếp sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam ở hàng rất thấp.

Quan hệ Kinh tế và Nhân quyền

Theo những thông tin chính thức thì chuyến viếng thăm hoàn toàn mang tính trao đổi kinh tế, không làm hâm nóng không khí quan hệ chính trị Việt Nam – Ba Lan vốn không mấy khăng khít, nhất là khi đảng cầm quyền tại Ba Lan với thủ tướng và tổng thống là hai anh em sinh đôi họ Kaczynski của đảng Pháp luật và Công Bằng (PiS) vốn xuất thân từ làn sóng dân chủ của Công đoàn Đoàn Kết.

Cũng không thể phủ nhận, rằng các vấn đề chính trị của Việt Nam gần đây đã được nhắc tới nhiều hơn tại Ba Lan bới các nhà họat động độc lập của Việt Nam có tích cực và mạnh mẽ hơn trong việc báo động nhân quyền Việt Nam tới xã hội Ba Lan.

Các nhà hoạt động dân chủ của Việt Nam cũng đặt trọng tâm trong việc phối hợp với những tổ chức phi chính phủ tại Ba Lan. Thí dụ điển hình là việc Ân Xá Quốc Tế của Ba Lan vừa qua liệt kê linh mục Nguyễn Văn Lý vào danh sách 4 tù nhân chính trị trên thế giới cần được quan tâm.

Riêng các chính trị gia Ba Lan thì hờ hững trước các quan hệ ngoại giao với Việt Nam và dường như chỉ biết tới ngoại giao Việt Nam trong những dịp Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan có các can thiệp không đúng mức vào những hoạt động độc lập liên quan tới người Việt trên lãnh thổ Ba Lan.

Các nhà hoạt động dân chủ cho Việt tại Ba Lan thì giữ thái độ dè dặt nhất định trước quan hệ kinh tế giữa hai nước. Có vẻ như họ không muốn ngăn cản các quan hệ kinh tế, thậm chí cho rằng quan hệ kinh tế có thể mang lại lợi ích xã hội và chính trị, thế nhưng muốn qua đó đòi hỏi các phát triển kinh tế giữa hai nước phải đi sau những cải tổ nhân quyền tại Việt Nam.

Nhìn lại quan hệ hai nước, thời vàng son trong quan hệ hai nước cộng sản là những năm 60, 70, 80, khi Ba Lan và Việt Nam là hai anh em của chế độ cộng sản, rồi những năm cuối 90, đầu 2000, khi Ba Lan không còn cộng sản nữa nhưng đảng cầm quyền tại Ba Lan là đảng hậu cộng sản mang tên Liên Minh Cánh Tả Dân Chủ (SLD). Hiện hai đảng SLD và Tự Vệ (Samoobrona) vốn có nhiều thân hữu với thành viên đảng cộng sản Việt Nam đã mất hẳn vai trò trong quốc hội Ba Lan trong mùa bầu cử đang diễn ra tại nước này.

Ba Lan không phải là quốc gia không cởi mở trước những chào mời kinh tế, ngược lại doanh nhân Ba Lan có khi còn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam bởi lợi nhuận hứa hẹn trong kinh doanh với quốc gia có đòi hỏi giá thành thấp không phải là không có.

Có điều, các mối kinh doanh như vậy bao giờ cũng mang lại những ưu tư chính trị rõ rệt, nhất là khi Việt Nam là nước mà khi nói đến, không chính trị gia nào có thể bỏ qua hai chữ: nhân quyền.

Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan