Dự định tăng học phí gây bức xúc cho phụ huynh
2006.11.20
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Vấn đề học phí giáo dục từng dẫn đến nhiều tranh luận trong mấy năm gần đây. Hai năm trước, đề nghị tăng học phí gặp nhiều phản bác, vì vậy đã không được ban hành. Tuần rồi Bộ Giáo dục Đào tạo vừa loan báo dự định sẽ tăng học phí tất cả các cấp vào năm tới.
Người dân đón nhận tin này ra sao và có phản ánh gì trước đề xuất của chính phủ, Nhã Trân tìm hiểu và tường trình quan điểm của giới phụ huynh.
Với bộ trưởng mới, ngành giáo dục đào tạo dấy lên niềm hy vọng, nhất là sau khi có lệnh mở cuộc điều tra về việc độc quyền in ấn sách giáo khoa. Thế nhưng, theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục-Đào tạo, học phí mọi cấp dự kiến lên từ năm sau.
Đề án tăng học phí, hiện đang được soạn thảo, nêu rõ học phí hàng tháng của các cấp, từ mầm non đến tiến sĩ, từ khối phổ thông đến khối đại học, đều lên trong khoảng 4 tới 10 lần mức hiện thời. Lấy một vài thí dụ, vào năm tới học phí hàng tháng của Trung học Cơ sở sẽ là 34 ngàn đồng, Trung học Phổ thông 39 ngàn, và đại học 318 ngàn.
Theo giải thích của cơ quan đầu ngành giáo dục, chế độ học phí mới sẽ được ấn định phù hợp điều kiện kinh tế từng địa phương, cơ sở và chương trình. Bộ đưa thí dụ cụ thể, học phí những trường có chất lượng giảng dậy cao sẽ nhiều hơn so với các trung tâm giáo dục khác.
Lý do học phí cần tăng được giải thích là vì 3 mục đích chính. Đầu tiên, giúp nhà trường cải thiện chất lượng giảng dậy của giáo viên cũng như học tập của học sinh. Kế đến, nhằm thực hiện công bằng. Và sau cùng, tạo điều kiện cho các trường nâng cao trình độ đào tạo.
Chỉ một, hai ngày sau khi đề án được công bố, giới phụ huynh và giáo chức đã xôn xao với nhiều phản ánh. Hai giới chịu tác động trực tiếp của phí học có suy nghĩ, ý kiến gì về viễn ảnh học phí sẽ tăng?
Trao đổi với một số phụ huynh có mức thu nhập từ thấp đến tương đối, chúng tôi được biết dự định nâng mức tiền học đã khiến họ lo lắng nhiều. Các bậc cha mẹ, dù con em còn ở mầm non hay đã vào đại học đều cho hay rất quan ngại khi nghe học phí lên, mà có thể đến năm, bảy lần nhiều hơn. Phụ huynh một cháu cấp phổ thông và một ở đại học bức xúc:
“Nghe nói học phí sẽ lên tôi rất lo. Con tôi thì cũng lớn rồi, nhưng nếu các cháu còn nhỏ hoặc gia đình khó khăn quá thì làm sao? Học phí đưa ra đã rất nhiều, rồi nguồn mà Hội phụ huynh đòi hỏi còn cao gấp 3 lần như vậy”.
Giới phụ huynh quan ngại trước tin rồi đây sẽ phải chi tiêu nhiều gấp mấy lần cho tiền học của con trong khi hiện giờ phí tổn này vốn đã là khó khăn cho họ. Giói giáo chức, thành phần có khả năng được cải thiện mức lương, theo trình bày của cơ quan đầu ngành giáo dục, có tán đồng ý kiến nâng học phí chăng?
Giáo viên một trường trung học cấp 3 nói từ mấy mươi năm nay ai cũng biết các kỹ sư tâm hồn phải nhận lãnh đồng lương không xứng với khả năng và công lao.
Cô thổ lộ rằng luôn hy vọng sẽ có lúc tình hình thay đổi, song không chắc nếu học phí tăng thì lương bổng giáo viên có thật sự được nâng một cách tương xứng, giúp cải thiện đời sống của bản thân hay không, và kể nỗi vất vả, khó khăn của giáo chức:
“Trước giờ lương không đủ sống, nên nhiều người phải kiếm thêm. Người có quán, hàng thì buôn bán, không thì dậy thêm tuy nhà nước cấm, vì nếu không thì không thể tiếp tục theo đuổi nghề này được”.
Độ vài năm trở lại đây tình trạng học sinh các cấp bỏ học thường xuyên xẩy ra. Mới đây nhất có báo động là số học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long phải nghỉ gia tăng rõ, kể cả những em đã thi đậu vào lớp 10.
Thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo cho thấy chỉ nội trong năm học này đã có hơn 40 ngàn học trò các tỉnh Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cà Mau ngưng tới trường vì gia đình nghèo khó, không trả nổi mức học phí hiện giờ.
Khu vực này không phải là nơi duy nhất xẩy ra sự kiện ấy, mà hầu như mọi vùng thuộc cả 3 miền, dẫu thôn quê hay thành thị, trường hợp học trò bị bắt buộc thôi học vì không trả nổi học phí hoặc toàn bộ chi phí theo việc đèn sách diễn ra ngày một nhiều.
Nói tới tình trạng đó, bà mẹ đang lo lắng cho gia đình mình cũng ngậm ngùi cho những người gặp khó khăn hơn:
“Rất là tội cho những phụ huynh không phải chỉ có 1,2 đứa con mà tới 5,7. Tăng học phí mỗi cấp một chút thì chết. Tôi thấy rất tội cho thế hệ trẻ, cho tương lai đất nước Việt Nam sau này”.
Hiện nay ngân sách giáo dục chiếm gần 1 phần 5 tổng sản lượng nội địa GDP. Dư luận cho là ngân sách đã bị sử dụng lãng phí; điển hình là trong ít năm gần đây, nhà nước đã chi hơn 1 ngàn tỉ đồng chỉ riêng cho việc đổi mới sách giáo khoa các cấp và học cụ, mà theo một số đại biểu quốc hội chi phí này cao gấp cả chục lần phí tổn thật sự.
Phụ huynh tiêu biểu không ngần ngại nói lên ý kiến: “Tôi nghĩ là nhà nước nên cân nhắc kỹ vấn đề tăng học phí. Với chính sách của nhà nước tôi nghĩ là cũng đúng thôi, cũng là muốn giúp cho giáo viên đỡ vất vả về vật chất, về kinh tế. Nhưng mà phải suy xét cho kỹ.
Ngành giáo dục của Việt Nam phải nhìn lại, phải thấy, phải cân nhắc vì ngành giáo dục có rất nhiều lỗ hổng mà không thể nào tưởng tượng được. Chính sách của nhà nước chưa đúng mực, chưa cân nhắc kỹ lưỡng.
Bây giờ chỉ thấy một phần nhỏ thôi, nhưng càng ngày sẽ càng thấy là cái hại lớn hơn cái lợi trước mắt. Nếu nhà nước đã đổi mới rất nhiều thì hãy đổi mới cách suy nghĩ của ngành giáo dục”.
Từ 2 năm trước đề nghị tăng học phí đã gặp nhiều chất vấn gay gắt của quốc hội, nổi bật nhất là vấn đề ngân sách giáo dục và chi tiêu cho thiết bị giảng dậy. Riêng các vị đại biểu ngành giáo dục phản ánh là nếu ngân sách được chi tiêu một cách hợp lý, trung thực thì việc tăng học phí hoàn toàn không cần thiết.
Lần này công luận cũng cho thấy các suy nghĩ tương tự. Trong âu lo, những người được hỏi nêu ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm tra, cải cách chính sách chi tiêu thay vì tăng học phí, tạo thêm khó khăn cho dân.
Các tin, bài liên quan
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 16-11-2006)
- Quốc hội Việt Nam thảo luận về các vấn đề của ngành giáo dục
- Trao đổi thư tín với thính giả ngày 26-10-2006 (phần 2)
- Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam
- Chính phủ VN yêu cầu thanh tra việc xuất bản sách giáo khoa
- Sự nhầm lẫn đáng tiếc của Học Viện Quan Hệ Quốc Tế
- Nghi vấn gian lận trong kỳ thi tú tài
- Kỳ vọng của giới trẻ với tân Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (phần 3)
- Liệu cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam có kết quả tốt?