Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Nam có thể không kịp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào cuối năm như chính quyền mơ ước, nhưng việc hội nhập vào luồng trao đổi của kinh tế thế giới vẫn là tất yếu và trong điều kiện ấy, tư doanh Việt Nam sẽ xoay trở ra sao?

Diễn đàn Kinh tế xin đề cập tới nan đề ấy qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyên đề hàng tuần.
Sẽ không kịp gia nhập vào đầu năm nay
Hỏi: Thưa ông, lần này chúng tôi đề nghị là chúng ta cùng tìm hiểu về tư doanh Việt Nam trong thế cạnh tranh với bên ngoài, nhưng trước hết, ta sẽ đề cập tới việc Việt Nam có kịp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hay không.
Tin tức tuần qua cho thấy là dường như hy vọng ấy khó thành, như chính ông đã tiên đoán trên diễn đàn này, trong khi một số giới chức lại cho rằng đấy là điều may, ông vui lòng giải thích cho thính giả vì sao như vậy.
Đáp Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức WTO từ 10 năm trước và qua chín vòng đàm phán, rồi cả vòng thứ 10 dự trù tổ chức vào cuối tháng này, thì vẫn chưa có hy vọng. Trước đây, Việt Nam hồ hởi đề ra mục tiêu là sẽ kịp gia nhập vào đầu năm nay, sau lại đẩy lui thời điểm ấy vào cuối năm, giờ đây thì đành công nhận là có lẽ sẽ không kịp.
Việt Nam muốn nhập sân chơi mà vẫn quá chậm lụt và điều đó cho thấy những bất lợi cho việc hội nhập.
Lý do vì sao thì có rất nhiều. WTO là một loại câu lạc bộ các quốc gia tự nguyện trao đổi mua bán với nhau theo nguyên tắc tự do và muốn được gia nhập thì phải có sự đồng ý của ngần ấy hội viên. Tổ chức này lấy quyết định theo quy tắc đồng thuận chứ không là một định chế quốc tế có bộ phận điều hành tập trung vào tay một số công chức quốc tế để mình có thể dễ dàng vận động, thuyết phục hay thậm chí mua chuộc.
Và qua một chục vòng đàm phán với nhóm công tác đại diện 63 nước hội viên, Việt Nam chưa thoả mãn đòi hỏi hay yêu cầu về thông tin của nhiều nước. Lý do chính yếu là thể chế kinh tế và pháp lý của Việt Nam chưa phát triển đến trình độ tương ứng với các nước khác nên bị nêu vấn đề và cứ xin thêm thời hạn chuyển đổi.
Nói vắn tắt thì Việt Nam muốn nhập sân chơi mà vẫn quá chậm lụt và điều đó cho thấy những bất lợi cho việc hội nhập.
Có lợi hay có hại?
Hỏi: Phải chăng vì những bất lợi ấy mà nhiều giới chức Hà Nội cho rằng việc gia nhập có thể tạo ra thách đố sinh tử, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản?
Đáp Tôi nghĩ đến truyện ngụ ngôn "con cáo và chùm nho", cáo với mãi không tới thì đành bỏ đi rồi tự an ủi hoặc biện bạch với thiên hạ rằng "nho xanh không xứng miệng người phong lưu".
Việt Nam rất cần gia nhập WTO vì điều đó có lợi cho người dân và chính quyền cũng thấy vậy nhưng gặp nhiều mâu thuẫn khó dung hoà trong những ước muốn. Thí dụ như vừa muốn bảo hộ mậu dịch và kinh doanh lại vừa muốn khai thác lợi thế của việc trao đổi với bên ngoài.
Thực ra, Việt Nam rất cần gia nhập WTO vì điều đó có lợi cho người dân và chính quyền cũng thấy vậy nhưng gặp nhiều mâu thuẫn khó dung hoà trong những ước muốn. Thí dụ như vừa muốn bảo hộ mậu dịch và kinh doanh lại vừa muốn khai thác lợi thế của việc trao đổi với bên ngoài.
Đấy là mâu thuẫn cơ bản của cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong khi việc hội nhập này đã thành tất yếu, không thể cưỡng nổi. Càng trì hoãn trong vùng ao hồ để bảo vệ doanh nghiệp nhà nước và quyền lực nhà nước, thì càng bất lợi khi bơi ra hay trôi ra đến biển. Rồi trấn an là nhờ chưa gia nhập WTO mà tránh được bất lợi là đảo ngược tương quan nhân quả, là lý luận nhằm duy trì chế độ bảo hộ. Và thực tế là gây thiệt hại cho người dân, cho tư doanh.
Ít quan tâm đúng mức
Hỏi: Theo thông tin trong nước thì giới kinh doanh chưa có được đầy đủ thông tin hay là ít quan tâm đúng mức về việc gia nhập WTO, cho nên hầu như cả nước chưa chuẩn bị đủ để hội nhập và cạnh tranh, phải chăng như vậy chính là lý do người ta cho rằng khoan gia nhập có thể là tốt hơn?
Đáp Vâng, đấy là một cách giải thích. Nhưng thực tế tiến triển của những vòng đàm phán ra làm sao hoặc là những đòi hỏi của các nước liên hệ đến việc Việt Nam có được gia nhập hay không... Những thông tin như vậy đã không được trình bày đầy đủ cho người dân biết, và vì vậy người ta chỉ được nhìn thấy những lời tiên đoán hoặc là nói rằng có nước này ủng hộ nứơc kia ủng hộ..., tức là chỉ đưa ra những ấn tượng đầy lạc quan về cái triển vọng đó.
Tuy nhiên thực tế ra, những thách đố của việc gia nhập WTO ra làm sao hay là những lợi thế của gia nhập WTO như thế nào thì lại không có đựơc sự trình bày rõ ràng. Và đến bây giờ lại tìm cách đảo ngược vấn đề lại bằng cách nói là may quá, chứ Việt Nam mà vào WTO rồi thì nhiều công ty sẽ gặp khó khăn hoặc phải đi vào một cuộc đua sinh tử.
Tư doanh Việt Nam
Quy luật tạm gọi là “dân đi trước, nhà nước đi sau”, mà nhiều người trong khu vực nhà nước, nhất là các quan chức lạc hậu, lại không hiểu vì tưởng rằng chính mình phát minh ra hoặc dạy dỗ cho người dân những sinh hoạt ấy.
Hỏi: Bây giờ, chúng ta đi vào đề mục chính là tư doanh Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về khuôn khổ hoạt động của khu vực này?
Đáp: Trong kinh tế, như trong nhiều lãnh vực sinh hoạt khác của loài người, ta có quy luật tôi xin tạm gọi là "dân đi trước, nhà nước đi sau", mà nhiều người trong khu vực nhà nước, nhất là các quan chức lạc hậu, lại không hiểu vì tưởng rằng chính mình phát minh ra hoặc dạy dỗ cho người dân những sinh hoạt ấy.
Điều này thực ra rất rõ ở tại Việt Nam khi mình nhớ rằng khái niệm tư doanh mới chỉ được chính quyền chính thức công nhận từ khi có đổi mới kinh tế. Trong khi chính tư doanh, hay người dân trong sinh hoạt kinh tế thường nhật, mới cứu Việt Nam ra khỏi thời kỳ khủng hoảng của chế độ tập trung quản lý.
Ta còn nhớ là trước đây, chính quyền Việt Nam chỉ công nhận có hai thành phần kinh tế, là kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác. Sau cuộc khủng hoảng và phải đổi mới thì mới công nhận thêm hai thành phần kinh tế khác là kinh tế tư nhân nội địa, tên gọi chính thức là “kinh tế tư bản tư nhân”, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ yếu là đành chấp nhận quy luật thị trường, đi theo kinh tế thị trường, nhưng, muốn vớt vát nên nhân danh yếu tố xã hội - thực chất là chính trị - để hạn chế tư doanh bằng ý niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hơn 10 năm qua, chính quyền vẫn muốn nâng đỡ khu vực nhà nước, và ưu tiên kết hợp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nhà nước qua hình thức liên doanh.
Ngày nay, khi buôn bán với nước ngoài và thấy thế giới bên ngoài đòi hỏi trao đổi tự do, ngoài phạm vi can thiệp hay hạn chế của nhà nước, người ta đành buông cho tư doanh được phát triển và thấy rằng luật lệ của Việt Nam phát triển quá chậm, không những chả yểm trợ gì tư doanh mà còn là một trở lực.
Cho đến nay, Việt Nam mới bắt đầu nói đến việc soạn thảo một Luật doanh nghiệp chung cho các loại hình kinh doanh tư nhân. Dân đi trước, nhà nước đi sau, mà đi quá chậm nên cản bước tiến của tư doanh.
Sự chậm lụt
Hỏi: Trước khi nói về Luật doanh nghiệp đó, xin ông giải thích ngay cho lý do vì sao lại có sự chậm lụt ấy?
Cái ý thức bảo vệ ấy là nguyên do của những sợ hãi về hậu quả chính trị, và người ta biện bạch bằng lý luận “thà chậm mà ổn định thì vẫn hơn”.
Đáp: Lý do chính là trình độ nhận thức quá chậm và ý thức bảo vệ quá cao của giới hữu trách. Khi biết là sai nên phải đổi mới, người ta vẫn chưa biết thế nào là đúng và vừa làm vừa học mà lại sợ hậu quả chính trị bất lợi nên học đã chậm và làm lại còn chậm hơn.
Cái ý thức bảo vệ ấy là nguyên do của những sợ hãi về hậu quả chính trị, và người ta biện bạch bằng lý luận “thà chậm mà ổn định thì vẫn hơn”. Indonesia đã có sự ổn định ấy trong hơn 30 năm cầm quyền của chế độ Suharto và còn có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam mà vẫn không tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997 làm chế độ tan rã.
Lý do cụ thể khác là ta thiếu những người làm luật am hiểu sinh hoạt kinh tế thường nhật của dân chúng và tầm quyết định lại còn bị cản trở vì chính sách, hoặc mục tiêu chính trị.
Khủng hoảng Đông Á 1997
Hỏi: Nhưng mà nói đến khủng hoảng Đông Á 1997 thì Việt Nam chính nhờ cái vỏ bọc lạc hậu như ông vừa nói mà đã không bị ảnh hưởng nặng nề như Hồng Kông, Nam Hàn và một số nước khác. Ông giải thích ra sao?
Đáp: Tại vì không thể nào không đi vào trong dòng trao đổi thương mại chung của thế giới. Thành ra tình trạng trước đây củ Việt Nam giống như là 'chưa kịp ra đến biển nên không gặp bão', còn bây giờ thì đã đến lúc phải ra đến biển.
Trong lúc đó VIệt Nam lại không nhìn thấy kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng 97-98 hoặc là kinh nghiệm của Indonesia để có thể kịp thời cải tổ, kịp thời tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thể trưởng thành kịp với doanh nghiệp của các nước khác. Vì vậy, dường như chắc chắc là khi tham gia vào thương trường quốc tế thể nào cách doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị chấn động.
Bộ Luật doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp được ban hành năm 1999 và qua năm năm thử nghiệm người ta mới nói đến việc kết hợp thành “Luật doanh nghiệp thống nhất” hay “Luật doanh nghiệp chung”
Hỏi: Bây giờ, ta hãy nói về cái khung pháp lý của tư doanh là bộ Luật doanh nghiệp mà ông vừa đề cập.
Đáp: Thực ra, đó là Luật doanh nghiệp được ban hành năm 1999 và qua năm năm thử nghiệm người ta mới nói đến việc kết hợp thành "Luật doanh nghiệp thống nhất" hay "Luật doanh nghiệp chung" mà một dự thảo vừa được đưa ra bàn cãi tuần qua. Sở dĩ có vấn đề thống nhất là vì trước đấy người ta vẫn phân biệt các doanh nghiệp tư nhân qua các loại hình liên hệ đến quyền sở hữu.
Vấn đề thứ hai là ta có ba chế độ luật lệ chi phối ba thành phần kinh tế, vì doanh nghiệp nhà nước thì theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ba chế độ này đã khó phân biệt về loại hình mà lại gây kỳ thị về chính sách.
Vấn đề thứ ba của khung pháp lý ấy là mâu thuẫn thực tế của Luật doanh nghiệp với các “luật chuyên ngành”, như Luật dầu khí, Luật báo chí, Luật hàng hải, Luật khoáng sản. Mâu thuẫn này gây khó khăn không ít cho việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, cụ thể là tư doanh vẫn bị hạn chế trong một số lãnh vực như báo chí, phát thanh, giáo dục hay cung cấp dịch vụ y tế chẳng hạn.
Vấn đề thứ tư là sau khi đã có Luật doanh nghiệp, tư doanh tiếp tục bị chi phối bởi những Pháp lệnh, Nghị định hay cả luật chuyên ngành mới, và các cấp chính quyền vẫn còn khả năng tùy tiện làm luật hay áp dụng Luật doanh nghiệp trong các ngành hay địa phương của mình.
Nói chung, tại Việt Nam, bộ máy nhà nước chưa nhất quán trong ý niệm và chưa thống nhất trong hành động về yêu cầu giản chính - giản lược bộ máy hành chính và giải phóng tư doanh khỏi những quy chế rườm rà – và mở rộng quyền tự do kinh doanh. Trước khi nói đến khả năng cạnh tranh với thế giới bên ngoài, tư doanh phải thoát ra khỏi những hạn chế và mâu thuẫn của khung pháp lý ấy.
Bảo vệ quyền quản lý của nhà nước
Hỏi: Nguyên nhân của các vấn đề vừa nói có phải là vì bộ máy nhà nước vẫn duy trì tinh thần bảo vệ quyền quản lý của nhà nước không?
Đáp: Có một phần đúng trong lý do ấy, và đây là hiện tượng thường gặp trong các xã hội đang ra khỏi chế độ tập trung quản lý kế hoạch và ra khỏi nếp văn hoá phong kiến, theo đó triều đình hay chính quyền là gia trưởng, là nguồn gốc của mọi sự và phải để mắt tới mọi việc.
quyền quản lý của nhà nước được quy định rất đơn giản và bao quát. Chúng ta có nét đặc trưng của các nước “tân tòng” theo kinh tế thị trường là có bộ máy hành chánh rộng mà nông, cái gì cũng muốn quản lý mà quản lý không hiệu quả.
Vì vậy, quyền quản lý của nhà nước được quy định rất đơn giản và bao quát. Chúng ta có nét đặc trưng của các nước “tân tòng” theo kinh tế thị trường là có bộ máy hành chánh rộng mà nông, cái gì cũng muốn quản lý mà quản lý không hiệu quả.
Ngoài ra, có lẽ còn phải nói đến một lý do khác nữa là chính nhà nước cũng chưa thấu triệt nguyên tắc về quản lý, thường thiên về lối quản lý bằng biện pháp hành chính của cơ chế hành pháp mà quên hẳn cơ chế lập pháp và tư pháp. Nguyên tắc “tam quyền phân lập” ở trên chưa rõ ràng mới sinh ra hậu quả ấy ở bên dưới, cho người dân.
Cũng vì tình trạng ấy mà việc tạo dựng điều kiện kinh doanh và giám sát việc thi hành, vốn là chức năng quản lý trọng yếu, lại không được quy định rõ ràng khiến nhiều cơ quan hữu trách bị lúng túng, hoặc cho rằng Luật doanh nghiệp đã buông lỏng quyền quản lý của nhà nước và tùy tiện chấn chỉnh bằng quy định riêng. Những loại vấn đề như vậy rất phức tạp và chúng ta sẽ khai triển dần trong những kỳ sau.
Sức cạnh tranh của tư doanh Việt Nam
Hỏi: Như vậy, ông kết luận là sức cạnh tranh của tư doanh Việt Nam vẫn bị hạn chế?
Đáp: Tôi thiển nghĩ rằng việc gia nhập tổ chức WTO có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam sẽ bước vào một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp thế giới.
Trước đó, tư doanh Việt Nam phải có sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là điều vẫn chưa có dù mọi người, kể cả nhà nước, đều nói tới, hoặc các cơ quan hay quốc gia cấp viện đều khuyến cáo. Thành thử, ngoài vấn đề nhận thức hay ý thức, còn phải có ý chí thay đổi. Tại Việt Nam, đây là một vấn đề chính trị, của lãnh đạo.