Ý kiến của nữ giới về đề nghị mức tuổi nghỉ hưu mới


2006.10.18

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ tại Việt Nam trước giờ được ấn định là 55. Hồi đầu năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình dự án Luật Bình đẳng giới tính lên chính phủ đề nghị đổi mức tuổi cho bằng với nam giới, lấy lý do vào sự bình đẳng của cả hai giới. Từ đó đã có nhiều tranh luận về độ tuổi nghỉ hưu thích hợp cho nữ giới.

Nhã Trân trao đổi với phụ nữ trong vài ngành, nghề khác nhau để tìm hiểu tâm tư và ý kiến của nữ giới về mức tuổi về hưu được cho là hợp lý đối với họ.

MotherBaby200.jpg
Khác với nam giới, ngoài công ăn việc làm, nhiều phụ nữ Việt Nam còn phải lo quán xuyến gia đình, con cái…AFP PHOTO.

Dự luật Bình đẳng giới

Ít tuần trước đây vấn đề tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lại được đem ra thảo luận. Những ý kiến đóng góp cho dự luật Bình đẳng giới cho rằng việc nâng tuổi lao động của phụ nữ lên bằng với nam giới thể hiện sự bình đẳng về mọi phương diện.

Ngược lại không ít lập luận nói nữ giới nên được nghỉ sớm hơn, tức về hưu lúc 55 tuổi như trước giờ, vì lý do sức khỏe và để có điều kiện chăm sóc gia đình.

Kết luận về tuổi nghỉ hưu hợp lý cho phụ nữ hiện vẫn đang trong vòng tranh cãi. Tạm thời dự thảo luật đưa ra 3 phương án; thứ nhất, ấn định tuổi nghỉ hưu của nam nữ bằng nhau, và nữ giới có quyền nghỉ sớm không quá 5 năm mà không bị trừ phần trăm lương hưu; thứ hai, phụ nữ có thể đi làm đến 60 tuổi mới chính thức nghỉ, và độ tuổi nghỉ hưu của hai phái như nhau chỉ áp dụng đối tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức một số ngành nghề sẽ do chính phủ quy định.

Nữ giới nghĩ thế nào về mức tuổi về hưu hợp lý cho mình? Trước đề xuất mới cho rằng phụ nữ nên nghỉ vào lúc 60 tuổi, tức làm việc thêm 5 năm, có hai ý kiến đang diễn ra. Đa phần phái nữ giáo chức thì có khuynh hướng muốn về hưu sớm hơn, cho biết vì cảm thấy phải làm việc nhiều giờ và lao tâm nhiều.

Ý kiến người trong cuộc

Một số nữ công nhân cho rằng phái nữ nên được ngừng việc phục vụ xã hội sớm hơn nam giới vì sức khoẻ thể chất của họ thường vốn không bằng, mà lại còn bị giảm sút ít nhiều do bổn phận làm vợ, làm mẹ.

Những người này nói bình đẳng giới tính không thể áp dụng cho mọi lãnh vực vì thực tế người vợ thường không được hưởng sự bình đẳng trong gia đình, tức là hay phải gánh vác việc nhà nhiều hơn người phối ngẫu, cho dù cũng ra ngoài làm việc toàn thời gian như chồng.

Chị L., một phụ nữ nằm trong trường hợp này cương quyết: “Phụ nữ sức khoẻ kém hơn, lại phải nuôi con, lo việc trong nhà, bận và mệt nhiều, nên cần được nghỉ sớm hơn chứ”.

Ngược lại, không ít phụ nữ tin rằng vào độ tuổi 60 sức khỏe của họ sẽ còn tốt, vì vậy vẫn có thể tiếp tục làm việc vì công việc tương đối nhẹ nhàng, tức là không nặng nhọc thái quá. Một nữ bác sĩ hoàn toàn tin tưởng bà sẽ có đầy đủ sức khoẻ cũng như khả năng để làm việc sau 55 tuổi:

“Thường thì cũng tùy theo hoàn cảnh, tuỳ theo ngành của mỗi người. Thí dụ như ngành y hay những ngành cần tích lũy kiến thức thì phụ nữ làm đến 60 tuổi cũng được, vì thấy nhiều chị đã 55 tuổi mà vẫn còn khỏe, vẫn còn sức khoẻ tốt, thì vẫn có thể làm được. Ví dụ như sau này lúc đến 55 tuổi ai muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ…Cũng tùy theo người nữa”.

Bên cạnh 2 ý kiến khác biệt này là quan điểm hoà giải, nói tuổi nghỉ hưu của nữ giới không nên bị qui định một cách khuôn khổ, vì tuỳ theo độ lao tâm, lao lực của công việc làm mà người phụ nữ cần nghỉ, hoặc muốn nghỉ sớm.

Những người có ý kiến này thổ lộ họ muốn được về hưu vào tuổi 55 tuy nhiên sẽ gắng làm thêm cho đến 60, nếu bị bắt buộc, chỉ vì không muốn bị cắt giảm mức hưu, và tỏ ý mong rằng luật nên cho phép họ tự quyết về thời điểm, tức được đề xuất tuổi về hưu trong độ 55 đến 60 tuổi, mà vẫn được hưởng đầy đủ mọi chế độ theo đúng quy định.

Như thế, tuổi nghỉ hưu của nữ giới có nên được quyết định là 60 như của nam giới, hay nên giữ nguyên là 55 như hiện nay? Các trao đổi với phụ nữ như vừa rồi chứng minh rằng nữ giới cho là mức tuổi hợp lý tùy thuộc vào nghề nghiệp và thể chất của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.