Dân chúng Việt Nam tưng bừng đón chào năm mới Đinh Hợi

0:00 / 0:00

Việt Nam đón chào năm mới Đinh Hợi huy hoàng hơn mọi năm trước. Niềm hân hoan năm nay phát xuất từ một số diễn tiến đã đến với Việt Nam trong năm qua, nhất là các thành quả về kinh tế.

MuaLanLunarNewYear200.jpg
AFP PHOTO

Ngoài việc Việt Nam bước vào sân chơi cùng 149 quốc gia trên thế giới trong Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam đã được Hoa Kỳ cấp quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR, rút tên ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh hơn dự kiến, mang lại giấc mơ làm giàu cho một số đông dân thành thị. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Nam bộ trúng mùa lúa vào lúc giá lúa gạo cao...

Số Việt kiều về quê ăn Tết năm nay cũng vượt quá năm ngoái tới 20%, vào khoảng 150 ngàn người. Số tiền kiều hối do Việt kiều và lao động tại nước ngoài gởi về cũng đã lên tới trên 4 tỷ rưỡi đôla.

Nói chung, Tết Đinh Hợi 2007 đang diễn ra với tầm mức phấn khởi cao hơn hẳn mọi năm trước đây tại Việt Nam.

Nhiều sinh hoạt truyền thống

Vào ngày mồng một Tết Đinh Hợi, theo truyền thống của người Việt Nam, tùy theo thông lệ của từng gia đình và tùy theo tín ngưỡng có người đi xông đất, có người đi hái lộc đầu xuân hoặc đi chùa, đi nhà thờ cầu an bình, thịnh vượng, hay xin ơn trên che chở, ban phước.

Một thính giả ở Đà Nẳng cho biết: "Buổi sáng đi thăm mồ mả, sau đó đi lễ chùa..."

Một người dân cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: "Bây giờ chuẩn bị chút nửa mới đi chùa, giáo dân bên đại đi nhà thờ, ai Phật thì đi chùa."

LunarNewYearDecorationPig20.jpg
AFP PHOTO

Tại miền Bắc, hỏi chuyện một tín hữu Tin lành ở Bắc Giang chúng tôi ghi nhận được ý kiến sau đây: "Mùng một không đi nhà thờ đâu cả vì ở Bắc Giang mới thành lập, tập trung cầu nguyện, chúc phước cho nhau..."

Vẫn còn tình trạng người ăn xin

Bên cạnh những sinh hoạt tâm linh, tôn giáo truyền thống ngày đầu năm, là một sinh hoạt song song cũng truyền thống không kém. Thưa quý thính giả, đó là việc ăn xin của người giả, trẻ nhỏ và người tàn tật.

Báo chí mô tả ở chùa chiền, đình miếu nào cũng có hàng đòan người ăn mày, già trẻ, lớn, bé. Sinh hoạt này vốn không thể thiếu trong những ngày đầu năm của Việt Nam từ Bắc chí Nam, do quan niệm ai cũng cần làm việc thiện đầu năm để được hưởng phước.

Trong bối cảnh kinh tế đang khởi sắc của Việt Nam, vẫn có vô số người kém may mắn, thiếu ăn thiếu mặc, do khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng với vùng cao.

Tuy nhiên việc bố thí và ăn xin có nơi ngày càng trở thành một dịch vụ béo bở cho những kẻ gian tham, có nhiều nơi họ tổ chức và đe dọa những người đi chùa, nhà thờ, đền miếu lễ bái đầu năm. Nhiều đứa trẻ bị các nhóm bất lương lợi dụng để đánh động lòng từ tâm của khách hành hương.