Báo chí Việt Nam và chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Thế giới
2006.10.10
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Thưa quí vị và các bạn, tuần qua, một sự việc khá lý thú liên quan đến chuyện đăng tải thông tin về cuộc thi hoa hậu thế giới ở Ba Lan, trong đó có cô Mai Phương Thuý, hoa hậu Việt Nam tham gia.
Số là vào ngày 28-9-2006, trên báo điện tử Thanh Niên online, xuất hiện một bài phóng sự về cuộc tuyển lựa hoa hậu thế giới đang diễn ra tại Ba Lan. Bài báo này được ký tên dưới tác giả Vân Anh, có cả hình đính kèm. Nội dung bài viết ghi nhận rất trung thực những sự kiện về cuộc thi đang xảy ra tại Ba Lan.

Sau khi đăng bài, ban biên tập báo Thanh Niên Online cũng ghi nhận rằng bài phóng sự trở thành bài được nhiều người ưa chuộng nhất. Nhưng tiếc thay, nó chỉ được đăng trong một ngày duy nhất. Mặc dù trước đó, vào lúc 7 giờ tối, giờ Việt Nam, Thanh Niên Online đã xoá ảnh tác giả khỏi bài, nhưng đến 9 giờ, giờ Việt Nam, thì bài phóng sự hoàn toàn biến mất như chưa hề xuất hiện bao giờ, mặc cho biết bao độc giả thắc mắc.
Vì sao lại có chuyện như thế? Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin dành để tìm hiểu nguyên nhân sự việc này và để thính giả có thể hiểu thêm về cách làm báo ở trong nước.
Tâm sự của Tôn Vân Anh
Ngay sau khi biết được sự việc, Phương Anh đã hỏi thăm và liên lạc với tác giả bài phóng sự về cuộc thi hoa hậu hoàn vũ với tựa đề “Nếu được mách nước cho Mai Phương Thuý…” , cô Tôn Vân Anh, hiện đang sinh sống tại Ba Lan, và là chủ bút tờ Cầu Vồng. Cô kể lại:
“Chính một người trong ban biên tập báo Thanh Niên đã muốn tìm thông tin thật độc đáo để có thể đăng một bài khác với tất cả những bài đã đăng ở trên mạng cũng nhưng trên báo giấy mà hầu hết đều lấy thông tin từ trên mạng. Vì họ không có cộng tác viên chính thức ở Ba Lan nên họ đã liên lạc với tôi để có tài liệu và thông tin trực tiếp từ Ba Lan.”
Đã có nhiều bạn đọc của Thanh Niên đã gửi thư cho ban biên tập khen ngợi bài viết của tôi, và bài viết là một trong bài được đọc nhiều nhất trong ngày trên Thanh Niên Online. Và tôi bắt đầu tin vào lời nói của người liên lạc với tôi, nói rằng “Bây giờ báo chí ở Việt Nam rất cởi mở và khác trước rồi”. Tôi rất muốn tin vào điều đó…
Thông thường, vì nhiều tế nhị, nên các tờ báo ở trong nước hầu như rất ngại ngần khi liên lạc với các phóng viên ở nước ngoài để nhờ viết bài. Điều này, tại sao lại không xảy ra với chị Tôn Vân Anh? Chị cho hay:
“Chính vì điều họ không ngại ngần nên tôi rất ngỡ ngàng. Khi họ liên lạc với tôi, tôi đã ký tên và thư từ, trao đổi thời lượng bài, tôi có ký tên Tôn Vân Anh, và người liên lạc với tôi cũng có nói với cả báo Thanh Niên là tôi hoạt động báo chí và có tờ Cầu Vồng riêng… Nhưng có vẻ như họ không quan tâm đến chuyện ấy. Tôi thấy sự vô tư của người liên lạc với tôi có ý muốn là làm sao cho có bài Thanh Niên, và bỏ qua những chuyện khác cũng như họ là đều thấy là đây là một đề tài không liên quan gì đến chính trị cả. Khi tôi bắt đầu viết thì cũng rất cố gắng không dùng những từ có tính chất “nhậy cảm” mặc dù có những sự thực mà tôi đã nhìn thấy ở Ba Lan. “
Sau khi nhận lời viết bài cho Thanh Niên Online, tác giả Tôn Vân Anh đã cố gắng hết mình để thu thập các tin tức đang diễn ra tại Ba Lan, lặn lội mang máy hình đi chụp người mẫu Mai Phương Thúy cùng các hình ảnh sinh hoạt khác, rồi hì hục viết bài để gửi về cho cập nhật hoá. Chị kể tiếp:
“Tôi cũng đồng ý với Thanh Niên Online là phải tường thuật những sự kiện gì đang xảy ra tại Ba Lan. Tôi có so sánh mức độ quan tâm của báo chí của Ba Lan với Miss World và báo chí tại Việt Nam vì đó là sự chênh lệch rất lớn. Mặc dù ở Ba Lan có rất nhiều tờ báo nhưng không có báo nào quan tâm đến Miss World vì họ coi đây là sinh hoạt không có cao cấp cho lắm. Trong khi đó thì baó chí Việt Nam coi đó là sự kiện đáng giá lắm. Tôi cũng nói vói bạn bè Việt Nam nhẹ nhàng rằng đây không phải là sự kiện quan tâm và hoa hậu Việt Nam không phải là đáng giá trong đội ngũ đi thi.
Ngoài ra tôi cũng nói về sự kiện Gdansk, nơi mà các nạn nhân Cộng sản là các công nhân đóng tàu Gdansk, đã bị ngã xuống khi họ đứng lên đòi quyền tự do. Khi các cô hoa hậu bắt đầu đến Ba Lan, ngày hôm sau họ đã được dẫn đến Đài tưởng niệm đó để nghiêng mình trước hy sinh của nạn nhân Cộng Sản thì cô Mai Phương Thuý cũng nằm trong số hoa hậu đến nghiêng mình trước đài tưởng niệm để tỏ lòng biết ơn với những người đã hy sinh.
Tôi cho đó là một hình ảnh rất đẹp. Và tôi đã ghi lại sự kiện này. Khi bài báo được lên tờ Thanh Niên, tôi cũng rất vui mừng vì thấy rằng dù có một số phần tế nhị trong bài viết…Tôi được biết rằng đã có nhiều bạn đọc của Thanh Niên đã gửi thư cho ban biên tập khen ngợi bài viết của tôi, và bài viết là một trong bài được đọc nhiều nhất trong ngày trên Thanh Niên Online. Và tôi bắt đầu tin vào lời nói của người liên lạc với tôi, nói rằng “Bây giờ báo chí ở Việt Nam rất cởi mở và khác trước rồi.” Tôi rất muốn tin vào điều đó.”
Khi Tòa đại sứ can thiệp vào báo chí
Thế nhưng, niềm vui chưa trọn thì than ôi! Bài báo trên Thanh Niên Online chỉ đăng được vỏn vẹn một ngày thì:
“Nhưng ngày hôm sau thì bạn bè của tôi nói rằng ảnh của Vân Anh không còn trên bài viết nữa, và một vài tiếng đồng hồ sau thì bài của Vân Anh không còn trên mạng Online nữa. Ngay sau đó thì tôi nhận được email của Ban Biên Tập Thanh Niên nói rằng có sự can thiệp của Đại sứ Quán Việt Nam tại Ba Lan, gọi điện thoại về cho ban biên tập Thanh Niên nói rằng “ bài viết này của một nhân vật chống cộng tại Ba Lan nên không được đăng”.
Được hỏi chị nghĩ sao về sự việc đáng tiếc xảy ra, chị trả lời: “Qua sự kiện này tôi thấy rằng có một sự đấu tranh nào đó trong Thanh Niên để bảo vệ bài viết của tôi để tiếp tục tồn tại trên Online, nhưng rõ ràng mặc dù muốn cho thính giả đọc được bài viết hay trên báo của mình, nhưng Thanh Niên Online đã không thắng nổi đại sứ quán của Việt Nam tại Ba Lan.
Thật là không thể hiểu nổi. Chẳng ra làm sao cả! Tôi nghĩ rằng những người làm báo ở Việt Nam cho rằng họ đang có tự do báo chí theo cách suy diễn của họ. Nhưng qua vụ này tôi cho là không đúng với ý nghĩa thực sự của tự do báo chí. Tôi hy vọng sẽ có một ngày nào đó, người làm báo ở Việt Nam được biết đến cái quyền tự do báo chí ấy ra sao!
Tôi rất muốn thông cảm cho các biên tập viên của Thanh Niên Online. Tôi rất buồn khi thấy các biên tập viên của Thanh Niên đã không đủ khả năng để bảo vệ lời nói cũng như bài báo mà mình rất mong muốn có được trên trang báo của mình. Tôi thấy đó là một mất mát to lớn với những người biên tập. Tôi nghĩ là nếu chúng ta không có quyền bảo vệ tiếng nói của mình thì không còn phải là nhà báo nữa, rất tiếc là tôi phải nói như thế với những người đang làm báo ở Việt Nam. Nhưng, đó là sự thực!”
Giới cầm bút Ba Lan nói gì?
Cũng trong tuần qua, khi được biết chuyện bài viết về hoa hậu thế giới của chị Tôn Vân Anh bị dẹp bỏ vì có sự can thiệp mạnh mẽ của Toà Đại Sứ Việt Nam tại Ba Lan, một số nhà báo Ba Lan đã có xếp chuyện này vào “chuyện kỳ lạ nhất” bên lề cuộc thi hoa hậu hoàn vũ và có ý miả mai, chê trách Toà Đại Sứ Việt Nam về cách hành xử này.
Nhà báo Robert Krzyszton, hiện đang công tác tại Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan cho biết ý kiến của mình. Ông nói: “Tôi thấy rất buồn cười bởi vì tôi không hiểu họ nghĩ chính trị là như thế nào với bài viết về cuộc thi hoa hậu hoàn vũ như thế? Thật là không thể hiểu nổi. Chỉ vì tên của một người viết mà họ lại đặt vấn đề chính trị vào bài viết ấy! Chẳng ra làm sao cả! Điều này càng chứng tỏ là những người làm báo ở Việt Nam họ đang được hưởng “ tự do báo chí” như thế nào rồi, đúng không? Tôi nghĩ rằng những người làm báo ở Việt Nam thì đang cho rằng: Họ đang có một tự do nào đó theo cách suy diễn của họ, nhưng điều này, tôi cho là không đúng với tính cách thực sự của một phóng viên, của tự do báo chí. Tôi hy vọng sẽ có một ngày, họ sẽ được biết đến cái quyền tự do báo chí ấy ra sao!”
Quí vị vừa nghe những chi tiết liên quan đến chuyện sự việc một bài báo hay ở trên Thanh Niên Online viết về cuộc thi hoa hậu thế giới 2006, trong đó có hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy tham dự, đã bị dẹp bỏ do sự can thiệp mạnh mẽ của toà Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan.
Một chuyện nhỏ bên lề liên quan đến cuộc thi hoa hậu, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa vô cùng thú vị. Chẳng hiểu vì lý do nào mà toà đại sứ Việt Nam ở Ba Lan lại e ngại nội dung bài báo đến thế, hay vì thấy nội dung bài có nhắc đến sự kiện người đẹp Mai Phương Thuý đến nghiêng mình trước Đài Tưởng Niệm những công nhân Ba Lan đã hy sinh cho lý tưởng tư do?
Hay vì không thích cá nhân người viết? Nhưng dù sao đi nữa, thì đó cũng là một chuyện xứng đáng kể lại với quý vị trong chuyên mục Câu Chuyện Hàng Tuần phải không thưa quí vi và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây và hẹn gặp lại quí vị vào chương trình kỳ sau.
Các tin, bài liên quan
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Những ưu tư của phụ huynh và nhà giáo trong việc dạy học sinh trước khi vào lớp Một
- Mai Phương Thúy đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2006
- Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã gần theo kịp các tiêu chuẩn Quốc tế?
- Nhóm “The Friends” và dòng nhạc cổ điển Việt Nam
- Lớp tiếng Việt của Hội Giáo Dục Trẻ Em vùng Hoa Thịnh Đốn
- Lạm dụng tình dục ở trẻ em
- Ý kiến của phụ huynh trong vấn đề giáo dục hiện nay
- Tổ chức nhân đạo quốc tế giúp chỉnh hình miễn phí tại Việt Nam