Người Mỹ gốc Việt đi bầu cử Quốc Hội giữa kỳ

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ vào ngày thứ Ba vừa kết thúc với thắng lợi của đảng Dân Chủ. Với tư cách công dân Hoa Kỳ, nhiều người Việt đang sinh sống tại Hiệp Chủng Quốc đã tham gia cuộc bỏ phiếu. Nhã Trân trao đổi với một số người Mỹ gốc Việt để biết cảm nghĩ và ý kiến của họ về tiêu chuẩn và quyền chọn lựa ứng viên.

UsCongressVoter200.jpg
Người dân đi bầu ở Miami, Florida hôm 7-11-2006. AFP PHOTO.

Kết quả cuộc tuyển cử là thay đổi quan trọng cho Hoa Kỳ thời gian tới do chuyển biến trong hàng ngũ lãnh đạo. Tác động vào chuyển đổi thành phần chỉ đạo quốc gia này những năm sau phải kể đến sự hưởng ứng đông đảo của cộng đồng người Việt ở Mỹ qua việc đi bầu.

Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số cử tri toàn quốc nhưng các công dân người Mỹ gốc Việt được xem đã góp phần vào việc xác định chính kiến bằng lá phiếu.

Trao đổi với người Việt cho thấy đại đa số hoan hỉ vì kết quả cuộc bầu cử xảy ra như ý. Những người được hỏi cho rằng việc chọn mặt gửi vàng của họ đã theo đúng nguyện vọng của quần chúng cả nước. Các công dân Hoa Kỳ này dựa theo tiêu chuẩn nào để lựa ứng viên?

Ông Nguyễn Xuân Tùng tại Santa Ana, tiểu bang California, cho biết: "Tôi luôn chọn dựa vào tài và đức, vì người lãnh đạo có giỏi đi nữa mà không có đức thì cũng không tốt gì cho dân tộc, đất nước".

Bà Huỳnh Thanh Nhàn, thành viên Ban Đại diện Cộng đồng miền Nam Cali, có cùng quan niệm: "Tiêu chuẩn của tôi là người đó phải có khả năng, tinh thần dấn thân cho cộng đồng mình, và nhất là phải có tài, đức".

Chủ trương và ý kiến của cử tri Việt Nam, qua hai trường hợp tiêu biểu vừa nêu, cho thấy tâm tư người dân một xứ dân chủ về tuyển chọn thành phần chỉ đạo đất nước. Có người giải thích thêm, là kết quả cuộc đầu phiếu ngoài quyết định của quần chúng còn do tư cách của các đảng phái.

Tôi vui mừng vì được sử dụng quyền lựa chọn người xứng đáng ra gánh vác việc nước, mà không phải chọn người do đảng đưa ra, chọn theo ý đảng. Ở nước Mỹ người dân có quyền lựa người lãnh đạo quốc gia thật là xứng đáng.

Nói một cách khác, thành công hay thất bại của ứng cử viên bị ảnh hưởng bởi giá trị đạo đức của đảng họ. Cụ thể, đáp số cuộc bầu cử cho thấy một trong những nguyên nhân khiến đảng Cộng Hoà thất bại, mà chính Tổng thống Bush nhìn nhận, là những vụ tai tiếng và tham nhũng của đảng này thời gian rồi. Nhiều ứng viên Cộng Hoà đã thất cử cay đắng tuy bản thân đầy đủ khả năng và đạo đức tốt.

Tại những quốc gia được kể là dân chủ, quần chúng có quyền ứng cử, tự đề cử mà không phải dựa vào một đảng phái nào. Điều này được chứng minh qua số ứng cử viên, tuy không thuộc hai đảng lớn là Cộng Hoà và Dân Chủ, vẫn không ngại ngùng ra tranh cử. Dù không có sự hậu thuẫn của một chính đảng tiếng tăm, họ đã mạnh dạn góp mặt trong cuộc chạy đua vào toà lập pháp.

Sau khi đặt ra tiêu chuẩn để sàng lọc ứng cử viên, cử tri gốc Việt có cảm tưởng gì khi được toàn quyền chọn ứng viên ưng ý? Từng nhiều lần thực hiện việc bỏ phiếu, ông Tùng nói:

“Tôi vui mừng vì được sử dụng quyền lựa chọn người xứng đáng ra gánh vác việc nước, mà không phải chọn người do đảng đưa ra, chọn theo ý đảng. Ở nước Mỹ người dân có quyền lựa người lãnh đạo quốc gia thật là xứng đáng”.

Bà Thanh Nhàn cũng cho hay rất phấn khởi vì được thật sự đề bạt người mình tin có đủ tài, đức ra gánh vác việc nước: "Tôi thấy là mình có được quyền tự do lựa chọn người mình muốn; cho nên đối với tôi được đi bầu là một điều rất là hãnh diện"

Tuy chủ trương người đại diện phải được lựa theo mẫu mực được coi là đúng đắn và hợp lý, tinh thần địa phương đôi khi ảnh hưởng tới quyết định của cử tri. Bà cho hay đã không để điều này tác động đến chọn lọc của bản thân:

“Kỳ bầu cử vừa qua ở Nam Cali rất là hào hứng vì có tới 17 ứng cử viên người Việt, nên cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn. Một số người mình cho rằng người Việt thì nên bỏ phiếu cho người Việt. Tuy nhiên tôi không nghĩ là cứ người Việt thì phải bầu cho người Việt, nếu người đó không có tài đức. Tôi đã bầu cho những người xứng đáng”.

Thăm dò dẫn đến kết luận là cử tri xứ dân chủ này hoàn toàn hài lòng với quyền chọn lựa công bộc quốc gia, và tin tưởng rằng cương vị làm chủ đất nước của họ thực sự được thể hiện qua thẩm quyền ấy.