Người Việt bị bắt chẹn trong một khu buôn bán tại Ba Lan
2007.07.01
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
Trong thời gian qua, đề tài được cộng đồng người Việt tại Ba Lan quan tâm là việc ban quản trị của khu buôn bán mang tên EACC (Trung Tâm Thương Mại Á Châu) đòi nâng giá tiền thuê bao quầy bán hàng của người Việt.

Khi các nhà buôn không chấp thuận điều kiện mới, họ đã phải chịu làm nạn nhân của cách hành xử kém lành mạnh từ ban quả trị là công ty Semih.
Dù các nhà buôn đã nhiều lần muốn đàm phán, cử cả đại diện và luật sư của mình tới trụ sở ban quản trị nhưng đại diện của các nhà buôn bị “đối xử trịnh thượng” còn luật sư của họ thì bị “vứt ra khỏi cửa” .
Đỉnh điểm của câu chuyện diễn ra hôm 25 tháng 6 vừa qua, khi 3 trong tổng số khoảng 100 quầy hàng của người Việt bị… ngắt điện. Ba ông chủ các quầy hàng được thông báo, rằng lý do ngắt điện là bởi những người này không chịu ký phụ chương số 3 cho hợp đồng, đòi hỏi các chủ buôn trả tiền thuê bao tăng tới 60% mỗi tháng.
Sau khi ngắt điện của 3 quầy hàng, những người Việt Nam còn lại được thông báo, rằng những ai không chấp thuận điều kiện mới sẽ lần lượt bị ngắt điện trong chính quầy hàng của mình.
Vậy là tất thảy bà con người Việt vô cùng phẫn nộ kéo tới tập trung trước cửa văn phòng ban quản trị để thể hiện bất mãn tột độ. Hai thành viên của ban quản trị người Việt Nam: ông Trần Trọng Hùng và Trần Quốc Quân không chịu đàm phán cụ thể với bà con mà còn tuyên bố 3 người Việt Nam bị ngắt điện không còn quyền buôn bán trong các quầy hàng. Khi ban quản trị đã bỏ về nhà, bà con vẫn tiếp tục tập trung trước khu buôn bán và bắt đầu đồng thanh kêu gọi báo chí can thiệp.
Khi phóng viên của nhật báo lớn nhất tại Ba Lan là Gazeta Wyborcza cùng với phóng viên đài Á Châu Tự Do tới nơi, bà con đã bầy tỏ hết sự tình. Việc làm bà con căm phẫn nhất trong lúc này không phải là việc lên giá thuê bao một cách rất vô lý mà chính cách hành xử trịnh thượng, coi thường người dân của ban quản trị đã làm cho sự việc vốn đã căn thẳng trở nên ngày một gay cấn.
Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt tại Ba Lan độc lập liên kết để đưa ra tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của mình. RFA có liên lạc để lấy tiếng nói của ban quản trị là công ty Semih nhưng hai ông Trần Trọng Hùng và Trần Quốc Quân luôn vắng mặt tại văn phòng dù trong giờ làm việc. Hai ông cũng không ủy quyền cho nhân viên tiếp xúc với báo chí.
Một trong những người trong cuộc vốn buôn bán nhiều năm tại trung tâm EACC có cuộc nói chuyện với chúng tôi. Người này xin không tiết lộ danh tính. Anh than phiền về cách hành xử “kiểu xã hội đen” mà anh và bà con phải chịu. Trong những ngày tới, bà con vẫn phải tiếp tục đối diện với vấn đề chưa giải quyết xong.
Vân Anh: Sự việc xảy ra thế nào khiến bà con phải tập trung gần 100 người trước cửa khu chợ?
Một trong những người trong cuộc: Sáng người ta gọi lên ký hợp đồng, bắt ép ký cái aneks (phụ chương hợp đồng) nhưng mọi người nhất định không ký aneks đó nếu không đàm phán lại nội dung hợp đồng. Mọi người có nói với nhau trước và thỏa thuận là không ai ký vào hợp đồng mới và đã ủy quyền cho luật sư và ban đại diện rồi thế nên mọi người không lên.
Thế là nó xuống nó tuyên bố rằng nó thu lại quầy, phá hợp đồng. Thế là nó cắt điện của 3 cái quầy. Lúc đó chỉ còn hai giờ nữa là chợ đóng cửa, không còn thời gian mà nó bắt chuyển hàng đi. Thế là mọi người mới bức xúc. Đây không phải là chuyện hợp đồng mà đây như là chuyện xã hội đen vậy. Mọi người rất là bức xúc.
Và thế là mọi người đồng thanh nói là phải đấu tranh cho ra nghĩa, đấu tranh để đòi hỏi là nếu người ta cắt điện, phá hợp đồng thì người ta phải ký vào cái biên bản. Và mọi người ào lên hết là phải đấu tranh. Một lúc sau căng thẳng quá thì hai ông mới xuống. Người ta mới hỏi là vì sao người ta nộp tiền thuế má tiền czynsz (thuê bao) hàng tháng mà bây giờ lại cắt điện của người ta?
Nó mới tuyên bố là phá hợp đồng và ba cái quầy không được phép họat động nữa. Mọi người mới nói: thôi được, không nói nhiều nữa, yêu cầu ông ký biên bản là ông đã cắt hợp đồng và cắt điện của chúng tôi. Nó lại không ký em ạ. Nó nhất định nó không kí. Mọi người làm căng nói là nếu trong quầy xảy ra mất mát là phải chịu.
Đấu tranh mãi rồi gọi điện cho nhà báo mãi rồi. Họ cũng thấy thất thế. Mọi người có nói rằng đây là hành động phạm pháp, theo kiểu xã hội đen chứ không có gì đúng theo pháp luật và theo cơ sở hai bên đã kí. Họ thất thế lại thấy có báo chí đến thế nên họ đóng điện, khi đó cũng là 6, 7 giờ chiều rồi.
Ngày hôm sau thì mọi việc ầm lên và báo chí vào thì báo chí cũng phỏng vấn bên đó và đại sứ. Đại sứ quán thấy hiện tượng đấy thì gọi bà con lên nhưng mọi người ý thức được rằng đại sứ quán nó không giải quyết được việc gì. Thực ra người ta đến sứ quán cũng là vì việc này việc khác thế nên phải lên.
Mấy hôm nay họ dở mấy cái tiểu sảo bẩn như gì. Ví dụ như hôm qua thì không cho những người chưa ký hợp đồng đem ma-ra-canh ra ngoài bầy mẫu. Hôm nay thì ra thông báo là cấm đi hulejnoga (xe chân đẩy) ở trong khu nhà. Như ông Quân ở bên quản trị ông ấy còn tuyên bố trên sứ quán là chúng tôi chỉ quan tâm tới tiền czynsz thôi.
Ai chịu được thì chịu, chứ không thì đi để cho công ty khác nhẩy vào. Nó không hiểu rằng bốn năm nay bà con làm ăn ở cái chợ này, người làm được thì ít còn những người khác bám chợ này đa số còng lưng lên mà chịu tiền czynsz. Mà em biết đấy mọi người có phải là chỉ có quầy không đâu. Còn bao nhiêu chi phí nhà cửa, gia đình con cái…
Vân Anh: Người ở những trung tâm tương tự bên cạnh họ bình luận gì về các việc làm của các anh?
Một trong những người trong cuộc: Anh không nói về những thành phần chơi thân với họ, bây giờ bị tăng giá thì họ đau mà không nói được. Những người có học thì người ta lại đứng lên bảo vệ cộng đồng. Hôm qua bọn anh tổ chức rải tờ rơi yêu cầu bà con hưởng ứng thì bà con tỏ ra rất là ủng hộ, bởi vì họ cũng ý thức được rằng nếu như bên này tăng được thì đồng loạt mấy bên kia cũng sẽ tăng. Cái bài báo ở Ba Lan đó, dù sao họ cũng lên tiếng bênh vực.
Có những ý kiến khác nhưng mà phần đông ai cũng nghĩ rằng bài báo bênh vực người lao động. Mọi người từ hôm đó tới nay nói chung rất phấn khởi. Chưa thấy báo cộng đồng lên tiếng bởi là nó dù sao từ trước tới nay vẫn chịu tiền tài trợ của bọn nó.
Anh nghĩ rằng chúng nó không đàm phán. Mà chúng nó khốn nạn lắm em ạ. Nó bảo mình lên đàm phán, mình thuê luật sư đi nhưng khi luận sư lên nó còn chửi luật sư rồi đuổi luật sư về, chẳng hạn như vậy. Trong khi đó các văn vản thì nó làm theo quy cách nhưng cách hành xử thì như kiểu xã hội đen vậy.
Nó xuống nó dọa mọi người, dọa bóng dọa gió, rồi nó nhờ các phần tử đi rêu rao cho nó. Nói chung bà con thì ai vững tâm thì vững tâm nhưng ai mà không vững tâm thì cũng hoang mang bởi vì là mọi người cả cái quầy cả sự nghiệp, nếu xảy ra chiến tranh về pháp luật thì cũng không biết là như thế nào.
Em xem là có ý kiến của những phương tiện thông tin đại chúng mà sao có lợi cho bà con thì em gắng giúp bà con. Những cái đấy là hoàn toàn sự thật. Theo anh thì đừng nêu tên anh để anh còn sống ở đây, còn đấu tranh với bọn nó, nếu bọn nó trù dập cá nhân anh thì đây là điều không tốt cho cá nhân anh và gia đình với các cháu.
Vân Anh: Vừa rồi là cuộc nói chuyện của chúng tôi với một người đang làm việc tại khu buôn bán EACC của người Việt tại Ba Lan.
Những bài liên quan
- Ông Võ Văn Đức trình bày trước tòa án hình sự Thái Lan
- Những người ngoại quốc trong cuộc biểu tình Nguyễn Minh Triết tại Washington
- Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Đoàn kết Đấu tranh tại Ba Lan
- Bang giao Việt – Mỹ và nhân quyền Việt Nam (phần 2)
- Bang giao Việt – Mỹ và nhân quyền Việt Nam (phần 1)
- Quan hệ giữa Washington – Hà Nội sau chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Minh Triết
- Tòa án Thái Lan khởi sự tiến trình tư pháp đối với ông Võ Văn Đức
- Hình ảnh phái đoàn người Mỹ gốc Việt tham gia Diễn Hành tại New York City
- Thanh niên miền quê trở thành Tổng Giám Đốc Thương Hiệu Thời Trang Nam