Mức khả tín của Việt Nam được tham gia vào cơ chế tài trợ mới của Ngân hàng Thế giới


2007.11.02

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm mùng 1 tháng Mười Một vừa qua, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick loan báo Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xóa đói nghèo và nâng cao mức khả tín đối với các định chế quốc tế. Do đó Ngân hàng Thế giới quyết định mở thêm cửa cho Việt Nam tham gia vào cơ chế trợ giúp vẫn giành cho các nước có mức thu nhập bình quân trung bình trên thế giới.

Zoellick150.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoellick trong cuộc họp với các giới chức Việt Nam hôm 6-5-2005 tại Hà Nội. AFP PHOTO

Cơ chế đó có tên là Ngân hàng Quốc tế Tái Cấu trúc và Phát triển, là một trong năm định chế tài chính của Ngân hàng Thế giới và được thành lập từ năm 1944. Hiện có 185 quốc gia thành viên, trong số đó Việt Nam đã tham gia ngày 21 tháng Chín năm 1956 dưới thời nguyên Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Các mục tiêu của Ngân hàng Quốc tế Tái Cấu trúc và Phát triển là giúp các nước xóa đói nghèo, phát triển bền vững qua những ngân khoản cho vay ưu đãi, bảo trợ tín dụng, trợ giúp phân tích rủi ro và tư vấn trong một số lãnh vực quan yếu.

Đạt được những thành quả đáng kể

Trong bản thông cáo phổ biến tối 31 tháng Mười tại Washington DC, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nhận định rằng "Việt Nam đã đạt những thành quả đáng kể trong thập niên vừa qua để xóa đói nghèo, do đó Nhóm Ngân hàng Thế giới quyết định siết chặt thêm mối cộng tác đã có vào lúc nước này đang tiếp bước trên con đường tăng trưởng tòan diện và bền vững".

Ông nói thêm là "trong lần viếng thăm Việt Nam hồi mùa hè vừa qua, tôi đã thấy quyết tâm tiếp tục đạt thành quả thêm nữa, nên Ngân hàng Thế giới ủng hộ bằng những trợ giúp về tài chính và kỹ thuật cấp cao hơn".

Đang có mặt tại trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới là Washington DC, giám đốc văn phòng Việt Nam, tiến sĩ Ajay Chhibber cho ban Việt ngữ biết thêm về sự kiện này. Ông nói:

“Sự yêu cầu của chính phủ Việt Nam đưa ra với Ngân hàng Thế giới nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Ngân hàng, ông Zuellick hồi tháng Tám. Việt Nam muốn được tiếp cận thêm loại hình trợ giúp tài chính của Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi đã thẩm định lại kỹ lưỡng những thành quả và triển vọng của Việt Nam, và rồi chúng tôi quyết định cấp cho Việt Nam thêm nguồn tài trợ mới....”

Nguồn tài trợ mới đó là Ngân hàng Quốc tế Tái Cấu trúc và Phát triển IBRD. Định chế này cho các nước thành viên vay tiền dự án với lãi suất ưu đãi và trả dài hạn. Các nước được vay phải thuộc vào nhóm những quốc gia có lợi tức bình quân trung bình, tức từ 1 ngàn đôla trở lên 10 ngàn đôla, hay một số thuộc hạng có lợi tức bình quân trung bình thuộc loại nghèo, tức dưới 1 ngàn đôla, nhưng phải có sự khả tín, tức creditworthy.

Hổ trợ thêm các dự án phát triển

Với tình trạng lợi tức bình quân hiện nay của người Việt Nam là 835 đôla, thì quyết định của Ngân hàng Thế giới căn cứ vào sự khả tín của Việt Nam. Giám đốc văn phòng Ngân hàng Thế giới, tiến sĩ Ajay Chhibber khẳng định với chúng tôi rằng như vậy thì sẽ có thêm nhiều tiền cho các dự án phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là về một số mặt cần thiết:

“Vâng, thêm nhiều tiền hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục những chương trình trợ giúp sẵn có dưới khuôn khổ Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA. Yêu cầu mới sẽ giúp về mặt xây dựng hạ tầng và phát triển giáo dục cho Việt Nam.”

Khi nêu lên quan ngại của công luận trong và ngoài nước là liệu tình trạng tham nhũng nghiêm trọng ở Việt Nam có tác hại gì đến lòng tin của các định chế tài chính quốc tế hay không, giám đốc văn phòng Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, tiến sĩ Ajay Chhibber khẳng định là tham nhũng có trầm trọng, nhưng đã được nhìn nhận nghiêm chỉnh và chính phủ Việt Nam đã có những thành quả bài trừ đáng ghi nhận.

“Đúng là có tham nhũng, nhưng vấn đề cũng bị nhận diện rộng rãi, chính quyền công nhận là họ phải đối phó tận lực với tệ nạn này.

Chẳng hạn như họ đã củng cố luật pháp và các định chế, nâng cao tính minh bạch trong việc sử dụng công quỹ, tăng cường sự giám sát.....có nhiều việc đã được thực hiện để đối phó nạn tham nhũng, nên Ngân hàng Thế giới muốn hỗ trợ chính phủ Việt Nam mạnh hơn nữa.”

Bản thông cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới về quyết định cho Việt Nam tiếp cận với Ngân hàng Quốc tế Tái Cấu trúc và Phát triển còn ghi rằng "vào khi Việt Nam tiếp tục tiến tới trên con đường phát triển thì vẫn còn đối diện với nhiều thách đố. Trong đó có nhu cầu củng cố thêm chính sách và cơ chế giám sát cho nền kinh tế thị trường, bảo tồn tòan vẹn xã hội, giải quyết vấn đề môi sinh và bài trừ tham nhũng.

Việt Nam cũng cần phát triển hạ tầng và sản xuất năng lượng, nâng cao giáo dục và cải thiện môi trường kinh doanh, cũng đều là những yếu tố sinh tử cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Do đó mà những sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt các mục tiêu vừa kể".

Thông tin trên mạng:

- Vietnam Creditworthy for New Financing Mechanism, Says World Bank

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.