Lớp Văn Hoá Việt Nam cho các sinh viên Mỹ tại trường Đại Học Cần Thơ


2005.12.06

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong thời điểm hiện nay, hầu hết các sinh viên Việt Nam đều mong có được cơ hội ra nước ngoài du học để mở mang kiến thức. Ngược lại, có những bạn trẻ ngoại quốc, như ở Mỹ chẳng hạn, lại rất mong được đến Việt nam, một đất nước xa xôi và nhỏ bé, ở bên kia bờ đại dương, để tìm hiểu về con người và tập quán, mà họ chỉ được nghe nói đến trong các bài học về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

SIT200b.jpg
Trang web trường School for International Training. http://www.sit.edu

May mắn thay, những sinh viên này đã tìm được một chương trình học tại trường School for International Training, xin tạm dịch là trường Huấn Nghệ Quốc Tế, có trụ sở tại bang Vermont, Hoa Kỳ, để thoả mãn lòng mong muốn của mình. Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay, mời quí vị nghe các chi tiết liên quan đến các bạn sinh viên Mỹ đang theo học chương trình đặc biệt này.

Vừa học vừa có kinh nghiệm thực tế

Với mục đích đưa sinh viên đến tận nơi để vừa học vừa có kinh nghiệm thực tế, trường School for International Training, gọi tắt là SIT, đã liên kết với 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có trường đại học Cần Thơ, Việt Nam. Thực vậy, hiện nay, tại trường đại học Cần Thơ, có một chương trình mới đưa vào giảng dạy cho các sinh viên nước ngoài, được gọi là môn Môi Trường Sinh Thái của Đồng Bằng Sông Mê Kông.

Giáo sư tiến sĩ Dương Thanh, vừa là giám đốc chương trình, vừa phụ trách điều hành giảng dạy cho biết:

“Một chương trình học tương đương khoảng 16 credits, tương đương với chương trình đại học của Mỹ. Chương trình này là chương trình mới tại Việt Nam và Campuchia. Thực ra, chương trình này là International, chúng tôi không những học ở Việt Nam và ở Campuchia nữa. Hiện nay, chúng tôi có 5 em sinh viên.

Chương trình này đi sâu về môi trường và sinh thái của đồng bằng sông Mê Kông, trong đó, chúng tôi có học văn hoá để cho các em hiểu biết về văn hoá Việt Nam, và các em cũng được học thêm tiếng Việt nữa. Văn hoá Việt Nam nói chung và đặc biệt văn hóa của đồng bằng sông Mê Kông nói riêng.

Chương trình này đi sâu về môi trường và sinh thái của đồng bằng sông Mê Kông, trong đó, chúng tôi có học văn hoá để cho các em hiểu biết về văn hoá Việt Nam, và các em cũng được học thêm tiếng Việt nữa. Văn hoá Việt Nam nói chung và đặc biệt văn hóa của đồng bằng sông Mê Kông nói riêng.

Vì là lần đầu tiên ở Việt nam nên còn rất là mới. Các em sẽ học về các chuyên đề như chuyên đề về văn hoá lịch sử Việt Nam, cái thứ hai là học về sinh thái đất ngập nước, thứ ba là về kinh tề rừng nước mặn và các loại nuôi trồng hải sản, thứ tư là học về làm thế nào để duy trì sự phát triển bền vững, thứ năm là đi khảo sát thực địa ở Bắc Bộ và sau đó là chúng tôi sẽ sang Campuchia, đến trường đại học Hoàng Gia ở Nông Pênh…

Nhưng chương trình về văn hoá và lịch sử Việt Nam thì nó sẽ xuyên suốt, tức là học phần đầu, các em sẽ nghiên cứu về đặc tính của người Á đông, đặc tính của người Việt Nam, nét văn hoá của người Việt Nam, thí dụ như những học thuyết, những phương châm, những lối sống của người Việt Nam kể từ ngàn năm văn hiến cho đến nay, và đời sống hiện đại thì nó gặp phải những vấn đề gì…Ngoài những khi lên lớp, có bài giảng, các em sẽ tiếp xúc với người dân và được nghe trình bày về văn hoá Việt Nam.”

Tổng quát văn hoá Việt Nam

Thưa quí vị và các bạn, trong chương trình học văn hoá này, mỗi ngày, các bạn sinh viên Mỹ phải có mặt từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Thầy Lê Đình Bích, người trực tiếp giảng dạy cho hay:

“Họ sẽ học về tổng quát văn hoá Việt Nam. Sau đó, học về văn hoá miệt vườn, bản sắc của văn hoá miệt vườn của vùng đồng bằng- châu thổ Cửu Long. Họ sẽ học các chủ điểm như sau: đồng bằng hay châu thổ, thứ hai là học về thiết chế xã hội, thứ ba là học về thiết chế địa danh, thứ tư là học về thiết chế âm nhạc, thứ năm là học về thiết chế tín ngưỡng.

Năm chủ điểm đó thì chủ điểm về âm nhạc và tín ngưỡng là nhấn mạnh nhất. Thiết chế tín ngưỡng thì các em sẽ học về tại sao các ngôi chùa miền Trung hay miền Bắc lại có một kiến trúc rất uy nghi và hùng tráng, mà có khi ở giữa đô thị, tại sao kiến trúc của các ngôi chùa ở Nam Bộ lại ẩn mình giữa các rừng cây…

Thiết chế âm nhạc thì chúng tôi dạy cho họ nguồn gốc hình thành về đờn ca tài tử và cải lương. Chúng tôi dạy cho họ thế nào gọi là âm nhạc tài tử, tại sao gọi là âm nhạc tài tử, mà chỉ Nam Bộ mới có mà những nơi khác không có, và trên thế giới cũng không có. Thứ hai là các loại nhạc cụ của Nam Bộ, ví dụ như cái song lang nó có giá trị gì… tại sao Nam Bộ lại có cây đàn sến… “

Lĩnh hội rất nhiều

Theo lời thầy Lê Đình Bích, tuy chỉ học trong thời gian 4 tháng mà thôi, nhưng các bạn sinh viên này được lĩnh hội rất nhiều. Thầy Bích nói tiếp:

Họ học được rất nhiều so với sinh viên của mình vì họ có một kiến thức nền tảng để tiếp thu những điều mới rất nhanh. Thứ hai, họ học theo nhu cầu của họ, chứ không phải mình muốn dạy cái gì mình dạy, thành ra, họ phải đàm phán trước những gì cần học với mình trước đó 6 tháng, rồi mới phân bổ cho những giảng viên nào có thể giảng dạy được thì mới đăng ký giảng dạy.

“Họ học được rất nhiều so với sinh viên của mình vì họ có một kiến thức nền tảng để tiếp thu những điều mới rất nhanh. Thứ hai, họ học theo nhu cầu của họ, chứ không phải mình muốn dạy cái gì mình dạy, thành ra, họ phải đàm phán trước những gì cần học với mình trước đó 6 tháng, rồi mới phân bổ cho những giảng viên nào có thể giảng dạy được thì mới đăng ký giảng dạy.

Ví dụ như tôi dạy một tuần 6 tiết, thì tôi đã chuẩn bị trước đó 3 tháng rồi, chuẩn bị với tất cả nỗ lực và phương tiện để dạy cho họ. Những môn học tự nhiên thì các em học trực tiếp trên đồng ruộng, hoặc trực tiếp trên thuyền, giáo viên đi theo giảng dạy bằng tiếng Anh. Những môn học về nhân văn xã hội, trước khi đi thực tế, thì có người phiên dịch…và giáo viên cũng phải giỏi ngoại ngữ vì có khi phiên dịch không nói được thuật ngữ, thì mình phải trình bày cho họ.”

Thưa quí vị và các bạn, được biết, trong các buổi học, ngoài những phần lý thuyết, thầy Lê Đình Bích còn cố gắng minh họa bằng chính những bài dân ca của các miền, rồi tập cho các em hát. Và đây, mời quí vị nghe một đoạn minh họa trong lớp về dân ca miền Trung: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Cảm nghĩ của các sinh viên

Thưa quí vị, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các bạn sinh viên này lại đến Việt Nam để theo học môn Môi Trường Sinh Thái Đồng Bằng Sông Cửu Long như thế, Phương Anh đã liên lạc với các bạn sinh viên này. Cô Hellen Behr, đến từ bang Colorado, nói:

“Vì tôi muốn học một văn hoá khác với tôi, tôi muốn biết về Việt Nam, về con sông đặc biệt này với những gì đang xảy ra nơi đây. Tôi đã học được rất nhiều về lịch sử và văn hoá, tôi học được về nghề nông, rồi vấn đề chính trị, những sự phát sinh từ dòng sông Mê Kông…

Tôi sẽ ở Việt Nam hơn 5 tháng. Tôi rất thích chương trình học này. Thật là một chương trình học tuyệt vời. Nó cho chúng tôi biết thật nhiều về vấn đề xã hội, văn hoá của vùng Mê Kông. Tôi rất quí mến các gia đình Việt Nam. Khi tôi được giới thiệu về âm nhạc, các nhạc cụ, tôi rất thích thú, thật là những âm thanh tuyệt diệu.”

Còn cô Julia, đến từ bang Wisconsin, thì nói: “Tôi rất yêu đất nước này, mặc dù mới đến học có hai tháng thôi. Người Việt Nam quá là dễ thương, đất nước thì thật là đẹp..”

Mời các bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng Tuần. Xin gửi email về Vietnamese@www.rfa.org

Ngoài ra, cô còn cố gắng nói tiếng Việt thật dễ thương, dù mới chỉ học được hai tháng:

“Xin chào, em tên là Julia, em là người Mỹ, là sinh viên ở trường Đại học Cần Thơ, em đi học bằng xe đạp…” Cô Becca Wait, đến từ bang North Carolina cũng cho biết thêm:

“Chúng tôi đã học được rất nhiều từ chương trình này, chúng tôi học được sự khác biệt về văn hoá và con người của các miền. Tôi thích nhất là đi thực tế trên dòng Mê Kông vào những ngày cuối tuần…Chúng tôi đã đi bộ rất nhiều qua các làng mạc…”

Thưa quí vị, sau khi nói chuyện với Phương Anh, 5 bạn sinh viên này còn có nhã ý hát tặng cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do bài dân ca Lý Cây Bông, mà các bạn vừa mới học được từ trong lớp do thầy Lê Đình Bích hướng dẫn, mời quí vị cùng nghe, nhưng cũng xin thưa rằng vì các bạn đang đi thực nghiệm ở ngay trong khu sinh thái thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nên âm thanh hơi ồn, mong quí vị thông cảm. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Vừa rồi là câu chuyện về các bạn sinh viên Mỹ rất yêu văn hoá Việt Nam tại trường đại học Cần Thơ. Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị vào sáng thứ ba tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.