Giáo dục học đường tại Việt Nam ngày càng xuống cấp

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Nhiều vụ tai tiếng mới trong lãnh vực giáo dục Việt Nam đã diễn ra ở mức đáng ngại, đặc biệt có liên quan đến đạo đức học đường, vào khi dư luận vẫn còn cảnh giác đối với những vụ tiêu cực trước đó trong ngành này. Dựa theo thông tin liên hệ và một số ý kiến trong nước, Thanh Quang trình bày tình hình này sau đây.

EducationInternet200.jpg
Giáo dục học đường tại Việt Nam ngày càng xuống cấp. AFP PHOTO

Trong thời gian qua, ngày càng có nhiều bài báo trong nước viết về đề tài giáo dục qua các tựa đề như “Báo động tình trạng xuống cấp đạo đức người thầy”, “báo động đỏ về đạo đức trong nhà trường”, “Phải lọai ra khỏi ngành giáo viên liên quan đến tiêu cực”, “Đưa giáo dục công dân thành môn thi tốt nghiệp, tại sao không ?”…

Tình trạng gian lận

Trong khi tình trạng gian lận thi cử, văn bằng, chứng chỉ giả, bệnh thành tích, dạy thêm, học thêm, chạy trường, gian lận nâng điểm…tiếp tục ám ảnh nền giáo dục nước nhà, thì dạo gần đây, xem chừng như ngày càng xảy ra nhiều vụ liên quan đạo đức của người thầy – và cả trò - ở hầu như mọi cấp học.

Báo Lao Động số mới đây có đề cập tới chuyện các cháu tại một số trường mầm non bị ăn bớt khẩu phần, bị cho ăn cơm nguội, bị cô giáo đưa ra lời hăm dọa một cách “phản sư phạm, vi phạm đạo đức người thầy.”

Rồi tới những chuyện “báo động đỏ về đạo đức ” của người thầy ở cấp cao hơn, như tại Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương 1, ở Hà Nam, khi thầy Đỗ Tư Đông gạ nữ sinh “đổi tình lấy điểm”. Hay ở trường Trung học Phổ thông Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, Tổ trưởng Giám thị Phạm Vũ Bằng lợi dụng chức vụ để ép một nữ sinh lớp 11 phải quan hệ tình dục với ông.

Tại Trường Trung học Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng, Cần Thơ lại có chuyện thầy giáo xâm hại tình dục đối với học sinh. Ở Hải Dương, một giáo viên tóan lý của trường Trung học Cơ sở Quang Hưng dùng kỹ thuật ghép ảnh để tạo nên những tấm ảnh khỏa thân của nữ sinh nhằm múc đích tống tiền…

Những thầy như vậy đều bị kỷ luật, cho về hưu sớm. Ngành giáo dục bây giờ ngày nào cũng được nói trên đài, trên báo, nhưng vẫn chưa tiến triển bao nhiêu hết cả.

Đó chỉ là số trường hợp được đưa lên báo chí, trong khi, theo báo Lao Động số mới đây, thì “khi sự việc xảy ra, hiếm học sinh, sinh viên nào dám dũng cảm tố cáo hành vi sai trái của thầy giáo. Mọi chuyện chỉ được biết khi các em không chịu đựng được nữa, tìm đến cái chết, và trước khi tự tử thì kể cho một người nào đó.” trong khi “nhiều sinh viên chọn giải pháp im lặng để an toàn, có tấm bằng ra trường.”

Vẫn theo bài báo, người ta cũng đã phát hiện tình trạng học sinh “kể những điều xấu về giáo viên…”, “…học sinh nói về thầy cô bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng” khiến “chữ ‘trọng’ trong quan hệ thầy trò mất đi thì thầy khó ra thầy, trò khó ra trò !”

Bài báo nhận xét rằng “dường như chưa có câu trả lời nào thật sự đầy đủ và thỏa đáng cho hiện tượng xuống cấp của một số hoạt động giáo dục cũng như sự xói mòn của truyền thống tôn sư trọng đạo”

Khó giải quyết

Một phụ huynh học sinh ở Huế có nhận xét về đạo đức người thầy ngày nay như sau: "Những thầy như vậy đều bị kỷ luật, cho về hưu sớm. Ngành giáo dục bây giờ ngày nào cũng được nói trên đài, trên báo, nhưng vẫn chưa tiến triển bao nhiêu hết cả.

Mặc dù có ý kiến cho rằng những trường hợp tiêu cực trong lãnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay “chỉ là cá biệt”, nhưng tình hình đáng ngại hiện giờ cũng đủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cao quý của người thầy Việt Nam từng được tôn kính qua trật tự “Quân, Sư, Phụ” từ thời xa xưa.

Theo quan điểm của một số nhà giáo dục, như GS TS Nguyễn Đình Hương, thì “cái xấu ngoài xã hội đã len lỏi vào nhà trường…”, rồi “vấn đề rất khó giải quyết là nhu cầu bằng cấp, học hành của người dân quá lớn trong khi điều kiện đáp ứng có hạn…Sự mất cân đối giữa cung và cầu đang tạo ra sức ép khiến nhiều phụ huynh tìm cách chạy chọt cho con em, từ cấp thấp tới cấp cao…”.

Vẫn theo nhà giáo dục này, thì ngoài việc cần phải giáo dục tư tưởng cho giáo viên, nâng cao trách nhiệm, đạo đức của người thầy, một trong những nguyên nhân dẫn tới tiêu cực phải kể đến tình trạng “tiền lương hiện nay chưa đủ để người thầy yên tâm giảng dạy”.

Cũng có nhiều người dùng bằng cấp giả…Ở Việt Nam mình bằng cấp giả cũng nhiều lắm.

Giáo sư Võ Tòng Xuân từ vùng ĐBSCL cũng nhắc tới nạn bằng cấp giả trong nước: "Cũng có nhiều người dùng bằng cấp giả…Ở Việt Nam mình bằng cấp giả cũng nhiều lắm."

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người mà báo chí trong nước ca ngợi là dũng cảm tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại Hà Tây vừa qua, cho biết, theo lời ông, “điều tôi băn khoăn nhất là những tồn tại của ngành hiện nay quá lớn.

Ngoài tiêu cực trong thi cử, vẫn còn tồn tại nạn tham nhũng, cửa quyền của một số cán bộ giáo dục, việc thất thoát trong xây dựng trường lớp, mua sắm đồ dùng học tập, lãng phí trong phê duyệt đề tài khoa học…Tất cả những cái đó làm cho nền giáo dục chậm tiến.”

Mới đây, mục Ý Kiến trên báo Thanh Niên online có bài cảnh báo rằng “Vấn đề nổi cộm hiện nay trong đời sống xã hội là : Sự thiếu hiểu biết, dẫn tới vi phạm luật pháp, sinh hoạt ứng xử thiếu văn hóa của công dân ngày càng nghiêm trọng…” Vì sao ? Vẫn theo mục Ý Kiến, “bấy lâu nay Giáo dục Công Dân được xem như môn phụ của các môn phụ trong chương trình phổ thông trung học…” “…trong các trường học thì việc giáo dục cho công dân trẻ biết đánh giá hành vi xử sự của bản thân – và của những người xung quanh …còn quá xem nhẹ”. “Đã đến lúc xác định vai trò quan trọng và vị trí đặc biệt của môn học Giáo dục Công dân trong hệ thống giáo dục của các nhà trường…”