Liệu kế hoạch lập trang web chống tham nhũng có đạt hiệu quả mong muốn?


2007.07.11
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Tham nhũng trong nước ngày càng có dấu hiệu gia tăng từ khi Việt Nam nhận được hàng loạt tài trợ cùng vô số nguồn vốn nước ngoài. Tin từ Việt Nam tuần trước cho hay chính phủ dự định lập một trang Web chống tham nhũng, kêu gọi quần chúng tham gia. Mời quí thính giả theo dõi tìm hiểu của phóng viên Nhã Trân đài chúng tôi về vụ việc.

MoneyEconomic200.jpg
AFP PHOTO

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa được công bố hôm Chủ nhật tuần rồi, cho biết từ đầu năm đến giờ cả nước có hơn 200 vụ tham ô liên can gần 500 đối tượng, gây thất thoát trên 72 tỉ đồng.

Cũng trong thời điểm này báo giới trong nước đưa tin chính quyền dự tính lập một trang Web chống tham nhũng nhằm tạo cơ hội cho quần chúng trao đổi, quảng bá thông tin về tiêu cực. Cả thường dân lẫn doanh nghiệp đều có thể lên mạng tham gia, tiếp tay chống tham ô qua việc tố cáo hành vi nhũng lạm của cá nhân cũng như cơ quan chức năng.

Công chúng nghĩ sao về ý định lập trang Web chống tham nhũng của nhà nước? “ Nếu làm được vậy thì tốt. Mọi người có thể nói những điều họ biết, giúp chống tham nhũng, bài trừ nạn này” , nữ công nhân một xí nghiệp ở Đồng Nai, tiêu biểu cho một vài người được hỏi ý kiến, bày tỏ.

Đi vào chi tiết, tin cho hay trang Web có phần diễn giải về luật pháp như yếu tố luận định hành vi tham nhũng đồng thời cung cấp mẫu đơn khiếu nại để công chúng gửi đến chính quyền các cấp nếu muốn. Đơn sẽ được nhận bởi Quốc hội hoặc Ủy ban Trung ương Đảng. Giám đốc văn phòng Thanh tra Chính phủ cho hay mọi khiếu nại ẩn danh không được chấp nhận. Các tố cáo tiêu cực phải kèm theo danh tính, số điện thoại và email.

Người dân có nghĩ rằng các tố giác sẽ được cứu xét và nói gì về điều kiện phải công khai hóa thông tin cá nhân của người tham gia chống tiêu cực?

“Nhiều khi nói vậy chứ đơn mình gửi chẳng được xét tới. Họ làm cho có hình thức vậy thôi… Còn việc phải cho biết tên tuổi thấy lo quá. Làm vậy người nói bị để ý, theo dõi trả thù rồi sao? Khi đó ai bảo vệ cho mình, hay mình chịu đủ thứ tai hoạ?”

Nếu làm được vậy thì tốt. Mọi người có thể nói những điều họ biết, giúp chống tham nhũng, bài trừ nạn này

Nỗi e ngại vừa được nêu không phải là vô căn cớ. Trong quá khứ nhiều người đã gặp không ít khó khăn khi công khai lên tiếng tố cáo tiêu cực. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là nhà báo Nguyễn Bá Thành, sau khi vạch ra tiêu cực của quan chức đã bị trả thù, suýt nguy hiểm đến tính mạng. Trong một số ca khác người lên tiếng bị hăm doạ, hành hung hay bị đuổi việc, gây khó dễ nhiều mặt.

Ngay chính giới lãnh đạo Việt Nam cũng lên tiếng nhìn nhận tham nhũng là quốc nạn của Việt Nam, nhất là từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Báo cáo của Bộ công an năm ngoái tiết lộ là chỉ trong vòng 11 năm, từ 1993 đến 2004, Việt Nam có tới 10 ngàn vụ tham ô.

Nói về tình trạng tham nhũng trong nước hiện nay, Luật sư Trần Vũ Hải đang hành nghề ở Hà Nội có lần phát biểu: “Nhân dân cho rằng hiện nay tham nhũng đang ở giai đoạn kinh khủng, giai đoạn đi đâu cũng gặp, và nếu không làm triệt để trong vòng vài năm nữa thì nhiều người sẽ mất hết niềm tin, coi như không còn cứu chữa” .

Tham nhũng trong nước sinh sôi nảy nở trong thời gian gần đây bắt nguồn từ nhiều lý do, trong đó luật pháp lỏng lẻo, thiếu minh bạch, quyền bính vô hạn… là một trong các nguyên nhân.

Nhận định của luật sư Trần Vũ Hải trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do về tiêu cực, thất thoát trong một dự án có thể giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến tham ô:

“Trong những cơ chế như thế người tốt cách mấy lọt vào cũng có thể hư hỏng, vì anh ta được hưởng nhiều quyền quá mà trách nhiệm lại ít quá… Cái lỗi thất thoát như thế là do cơ chế quản lý…”

Dân chúng thì có nhận xét ra sao về tính chất của tham nhũng tại Việt Nam hiện giờ? Một phụ nữ Nha Trang cho rằng: “Cái này không phải riêng địa phương đâu mà dính líu tới mấy bộ trưởng ở trung ương nữa, cho nên người ta nói nó dột từ trên nóc dột xuống” .

Trước tình trạng tham nhũng lan tràn hiện giờ, chính quyền đã can thiệp ra sao và có biện pháp nào?

Hồi tháng 7 năm ngoái Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm loan báo một Ủy ban Đặc trách Phòng chống Tham nhũng sẽ được hình thành, và tuyên bố các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thi hành đều đặn công tác phòng chống tham ô.

Năm nay, thông tin trong nước trích lời Giám đốc văn phòng Thanh tra Chính phủ Hồ Trọng Cương rằng trang Web chống tham nhũng sắp được hình thành là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy phong trào bài trừ tiêu cực. Công luận đang mong mỏi trang Web sẽ gặt hái được kết quả mong muốn, thi hành hiệu quả chiến dịch bài trừ tham nhũng kỳ này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.