Bộ Thuỷ Sản dùng biện pháp mạnh đối với tất cả các nhà xuất khẩu vào thị trường Nhật


2007.05.17

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Bộ thuỷ sản vừa đưa ra biện pháp mạnh, áp dụng từ cuối tháng 5 này, đối với tất cả các nhà xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Nhật. Quyết định này đạt tới sau khi có thêm các lô tôm bị phía Nhật phát hiện các chất cấm, trong đó có 4 dẫn xuất của chất Nitrofuran, bao gồm AOZ, AMOZ, AHN và SEM tức Semicarbazide.

ShrimpFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản từ Hà Nội xác nhận tin này.

Ông Nguyễn Tử Cương: Bộ Thuỷ Sản chúng tôi lúc đầu nghĩ rằng, những doanh nghiệp nào bị phát hiện thì chúng tôi đưa vào danh sách đen để kiểm tra. Tuy nhiên biện pháp này chưa hiệu quả và tình trạng thuỷ sản nhiễm hoá chất cấm vẫn chưa chấm dứt.

Cho nên Bộ Thuỷ Sản đã cùng với các doanh nghiệp thống nhất là sẽ không loại trừ bất cứ lô hàng nào nữa, và cũng không chỉ tập trung kiểm tra những chất được phía Nhật phát hiện.

Chúng tôi sẽ kiểm tra toàn bộ các loại hoá chất kháng sinh mà phía Nhật cấm, tương đương với tổng lượng Châu Âu và Mỹ cấm, cộng lại là 17 chất. Quyết định này bắt đầu thực hiện vào cuối tháng này.

Nam Nguyên: Thưa ông, kiểm tra tất cả doanh nghiệp hay chỉ kiểm tra những doanh nghiệp nằm trong ‘danh sách đen’ ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Kể từ cuối tháng này ( 5/2007) sẽ kiểm tra 100% lô hàng không kể là ‘đen’ hay không ‘đen’ nữa. Hình thức này chúng tôi đã làm vào cuối 2005 khi xuất hàng thuỷ sản vào Mỹ, nhờ đó chúng tôi đã khôi phục được tình hình ở thị trường Mỹ.

Kể từ cuối tháng này ( 5/2007) sẽ kiểm tra 100% lô hàng không kể là ‘đen’ hay không ‘đen’ nữa. Hình thức này chúng tôi đã làm vào cuối 2005 khi xuất hàng thuỷ sản vào Mỹ, nhờ đó chúng tôi đã khôi phục được tình hình ở thị trường Mỹ.

Hướng mà chúng tôi đi sẽ là kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động của người nuôi. Trong hội trường đang rất ồn, đấy là tôi đang tham dự ở Nam Định tỉnh phía bắc Việt Nam, ở đây những người nuôi tôm cá đến để nghe chúng tôi hướng dẫn về BMP (Better management practice) tức là ‘ qui phạm thực hành quản lý tốt hơn’.

Đây là giải pháp mà FAO ( Lương nông quốc tế) cùng với những nước nuôi trồng vừa mới lựa chọn ở hội nghị Bangkok, diễn ra cách đây một tháng. Chỉ có bằng giải pháp này thì mới có thể đảm bảo 100% nguyên liệu đầu vào không chứa dư lượng hoá chất kháng sinh có hại.

Nam Nguyên: Thưa ông, việc kiểm soát tất cả mọi doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đi Nhật sẽ làm đội giá thành lên rất cao. Vậy sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp là như thế nào?

Ông Nguyễn Tử Cương: Từng doanh nghiệp, và các doanh nghiệp họ có tham gia hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bản thân họ cũng thấy rằng cần phải có sự trợ giúp của Nhà nước.

Một số doanh nghiệp có phòng kiểm nghiệm riêng nhưng họ cũng không làm xuể, chưa kể nhiều nơi chưa có, trong khi phòng kiểm nghiệm với những thiết bị để có thể kiểm tra được các chất như Choramphenicol hay Nitrofuran…phải dùng thiết bị sắc ký lỏng hai lần phối phổ. Để mua được bộ máy này phải chi phí từ 350 ngàn tới 390 ngàn đô la, chưa kể phần kỹ thuật viên phân tích. Nếu như có máy mà nhân viên phân tích không có tay nghề cao thì cũng không có tác dụng.

Nam Nguyên: Thưa ông, có phải là VASEP đã đồng ý với quyết định là sẽ kiểm tra bắt buộc tất cả mọi doanh nghiệp có xuất thuỷ sản đi Nhật?

Ông Nguyễn Tử Cương: Vâng, VASEP đã đề nghị đến lần thứ hai là phải áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn, doanh nghiệp chế biến cũng gởi văn thư về Bộ đề nghị kiểm soát nghiêm ngặt hơn, tuyệt đối không để mất uy tín của thuỷ sản Việt Nam nói chung và đối với thị trường Nhật nói riêng.

Đứng trước quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của doanh nghiệp, cuối cùng hiệp hội phải chọn quyền lợi quốc gia trước, quyền lợi của doanh nghiệp sau. Giữa chúng tôi với doanh nghiệp có những lúc chúng tôi phải thảo luận vì ý kiến bất đồng.

Nhưng về cơ bản doanh nghiệp thấy được rằng, về cơ bản sự tồn tại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vì quyền lợi quốc gia cũng như quyền lợi của chính doanh nghiệp. Do vậy cho đến thời điểm này (16/5/2007) chúng tôi vẫn nhận được sự ủng hộ cao từ phía doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Thưa ông với kiểm tra bắt buộc để xuất thuỷ sản đi Nhật doanh nghiệp sẽ tốn kém chi phí cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Tử Cương: Ít có doanh nghiệp xuất một lần hai công (container) hàng, hai công hàng khoảng 40 tấn và nếu mỗi lô hàng là 10 tấn thì có lúc họ phải trả chi phí kiểm nghiệm lên tới 600 đô la.

Giá phí ở Việt Nam chúng tôi là thấp nhất thế giới và kết quả chính xác đáng tin cậy. Nếu 40 tấn hai công hàng, chia đôi ra thì xuất 1 công hàng chi phí kiểm nghiệm khoảng 4 triệu rưởi tương đương 300 đô la cho riêng chỉ tiêu kháng sinh.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Cục Trưởng Nguyễn Tử Cương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.