Lễ hội đời sống dân gian do viện bảo tàng di sản văn hóa Smithsonian tổ chức


2007.07.08

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý vị đến với Lễ hội đời sống dân gian do viện bảo tàng di sản văn hóa Smithsonian tổ chức tại thủ đô Washington. Đây là lễ hội lần thứ 41 trình bày những nét đặc trưng dân gian của 3 khu vực là Bắc Ailen, vùng Châu Thổ sông Mê Kông và thành phố Jametown vừa kỷ niệm 400 năm ngày thành lập.

RonaldReaganCenter200.jpg
Trang web Ronald Reagan Center http://www.itcdc.com/

Phái đòan Việt Nam có 39 nghệ sĩ dân gian tham dự lễ hội với nhiều tiết mục gây sự chú ý và thích thú cho người nước ngoài đến xem. Những tiết mục hấp dẫn được trình diễn bởi các nông dân thực thụ của đồng bằng sông Cửu Long không những gây ấn tượng cho người Việt đến xem mà còn khiến du khách các nước hiểu thêm phần nào nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của Nam Bộ.

Đặc biệt trong đêm 5 tháng 7 tại thính phòng Amphitheatre thuộc trung tâm Ronald Reagan trên đường Pennsylvania thủ đô Washington đã có một buổi trình diễn do đoàn Việt Nam thực hiện. Tuy ngắn gọn nhưng gói ghém được nhiều điều mà những nghệ nhân tài tử muốn gửi gắm đến cho người xem. Mặc Lâm mời quý vị theo dõi....

Thính phòng Amphitheatre được thiết kế theo cung cách hiện đại tưởng chừng không phù hợp lắm với những nghệ nhân tài tử vốn quen với những khung cảnh thiên nhiên gắn liền với đời sống mộc mạc hàng ngày của họ.

Những khuôn mặt còn phảng phất những sinh hoạt đồng áng ngày hôm qua tại quê nhà chừng như có một chút gì ngơ ngác giữa khung cảnh xung quanh. Họ đến từ các tỉnh của đồng bằng sông Cửu như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang và đặc biệt có cả một đoàn cồng chiêng của người Bana Rơ Ngao từ Komtum.

Mười sáu khuôn mặt hiền lành đứng hàng ngang trên sân khấu, trong tay là những chiếc chiêng, cồng đủ cỡ từ nhỏ đến lớn, những nghệ sĩ Bana Rơ Ngao xem chừng rất nhỏ so với sân khấu và những khuôn mặt còn đậm nét hoang sơ này dễ gây cảm tình của người xem khi vài người trong họ nhoẻn môi cười chất phát.

Trang phục Tây Nguyên như một biểu tượng của rừng núi vốn không xa lạ với người Việt nhưng khi xuất hiện tại đây, giữa không khí trịnh trọng đến cứng ngắt bỗng toát ra sức sống mãnh liệt của bản làng. Núi rừng dường như theo chân những nghệ nhân này đến đây thổi vào thính phòng hơi thở của lễ hội, của ngày mùa và đâu đó âm hưởng của hội làng hình như phảng phất cùng với những bước chân rám nắng nhịp nhàng trong âm thanh cồng chiêng rộn rã....

Con lân của người Hoa ở Bạc Liêu được dịp xuất hiện trên sân khấu mang đậm nét chân chất và hiền lành của người Hoa vùng châu thổ. Nét đẹp được thể hiện trong con lân qua cách múa là một lẽ nhưng còn bộc lộ qua đường kim mũi chỉ và những hoa văn thể hiện trên mình lân cũng miêu tả rất nhiều những nét văn hóa đặc trưng mà người Hoa đã đem đến vùng đất Nam bộ từ nhiều thế kỷ trước.

Cách trình diễn cũng cho thấy tính cách tài tử của người điều khiển lân không hề chịu lép với những đội lân chuyên nghiệp. Không những không lép vế mà còn vượt trội là đằng khác. Bốn nghệ nhân trong hai con lân đã đem cái hồn của mảnh đất mình đang sống phủ lên điệu dáng của lân tạo cho một trong tứ linh này có tiếng nói riêng, ẩn hiện hình ảnh của một tập thể người minh hương từng lặn lội vượt những trở ngại to lớn để hòa nhập vào đời sống văn hóa Việt.

Hình ảnh con lân nhẹ nhàng tới lui trên sân khấu thật khác hẳn với cung cách của con lân thời kinh tế thị trường ngoài đời. Hai chân sau phối hợp linh động với phần đầu lân trong nhiều động tác khác nhau đã khiến con vật huyền thoại này trở nên gần gũi với trí nhớ của những ai đã từng trãi qua những lễ hội tại quê nhà trong các ngày lễ tết.

Nếu con lân của người Hoa tại Bạc Liêu xuất hiện trên sân khấu mang hình ảnh lễ hội của dân tộc thì tiếng đàn kìm, đàn tranh đặc trưng cho vùng đồng bằng nam bộ trong các buổi đờn ca tài tử lại khiến người xem chìm đắm trong không gian của những nhóm nghệ nhân miền nam, cứ sau những giờ cặm cụi với ruộng đồng lại tập trung ở một ngôi nhà quen biết nào đó vui chơi trong những buổi văn nghệ bỏ túi mà sau này có người đặt cho một tên riêng là đờn ca tài tử.

Xuất hiện tại Mỹ Tho lần đầu trong gánh hát Năm Tú, bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Cao Văn Lầu tức ông sáu Lầu đã nhanh chóng đi vào đời sống người Việt của vùng đồng bằng sông Cửu Long qua những buổi đờn ca tài tử của những nghệ nhân chân đất. Sau hơn một thế kỷ, loại hình cổ nhạc đang dần dần đi vào lặng lẽ với nhiều lý do, mà một trong những lý do khiến người thưởng ngoạn không còn mặn mà lắm với loại hình này là tính chất thương mại của nó.

Cải lương miền nam không thể tiến xa hơn bởi rất nhiều yếu tố mà trong đó nguyên nhân chính phát xuất từ việc người nghệ sĩ không khái niệm được yếu tố nghệ thuật chân chính của loại hình này. Diễn viên trêncác sân khấu cổ nhạc thường mang cái tầm thường hỗn độn của đời sống vào vai diễn khiến hơi thở đồng quê, vốn là nền tảng của loại hình nghệ thuật này dần dần biến mất trong các buổi diễn trên sân khấu được cho là hoành tráng, hiện đại.

Ngược lại với cung cách thường thấy, trong đêm diễn của các nghệ nhân đờn ca tài tử, người xem không hề gặp những cử chỉ hay giọng hát cường điệu thường thấy khi xem các vở diễn ngoài đời. Sân khấu đơn giản với năm nghệ nhân mà mỗi người trong họ say sưa với vai diễn của mình. Tiếng đờn kìm của Phạm Văn Kim hòa cùng tiếng lục huyền cầm của Dương Minh Khương đã khiến sân khấu ấm lên trong màn trình diễn của các nghệ nhân tỉnh Bạc Liêu.

Giọng bắc từ tiếng đàn tranh của Đặng Văn Sử đã đẩy tiếng ca của nghệ nhân Đặng Văn Tuệ lên những cung bậc tha thiết diệu vợi đặc trưng của loại hình âm nhạc này. Gọng ca đơn giản mà đằm thắm ẩn chứa âm sắc của vùng đất phì nhiêu và được tiếng là phóng khoáng đã gây ấn tượng mạnh cho người nghe từ những câu rao đầu tiên mở đầu cho bài vọng cổ 32 nhịp truyền thống của ông Sáu Lầu...

Hát Bộ được xem là đang trên đường thất truyền cũng có mặt trong đêm diễn. Có mấy ai còn nhớ tiếng trống chầu của các đoàn hát vào thập niên 40-50 trên những chiếc xe ba bánh chạy lòng vòng khắp làng quê để quảng cáo cho đêm diễn.

Từng đoàn trẻ con chạy theo chiếc xe phát chương trình này là kỷ niệm khó nguôi của nhiều người và biết đâu những người muôn năm cũ này trong tâm trạng tha hương ngộ cố tri, gặp lại hình ảnh ấu thơ của mình trong phần biểu diễn của các nghệ nhân tỉnh Vĩnh Long trong trích đoạn Nguyệt Cô Hóa Cáo, một vở tuồng quen thuộc với nhiều người.

Một nghệ nhân thủ diễn vai Tiết Giao cho biết nội dung của trích đoạn này như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đêm diễn còn có tiết mục của đồng bào Khmer trình diễn nghệ thuật múa mặt nạ Rô Băm, một loại hình dân gian quen thuộc của đồng bào Khmer miền Tây nam bộ. Loại hình văn hóa dân gian này có nguồn gốc từ cung đình của dân tộc Khmer nhưng sau nhiều thế kỷ đã hòa nhập vào các phum sóc của đồng bào sống tại miền Tây dưới mặt nạ của các thần Chằn Krong Riep, Chim thần Krut, thần khỉ Hanuman hay rắn Naga...

Với âm sắc ít biến đổi, tiếng sáo, tiếng khánh và trống con đã làm nền cho động tác múa của nhân vật thần thoại Chằn Krong Riep đã khiến hình ảnh của vị thần này lạnh lùng hơn, dữ dằn hơn qua nhiều tư thế múa khác nhau.

Chiếc mặt nạ được miêu tả công phu phối hợp với động tác múa mở ra cho người xem mường tượng đến một nền văn minh Ấn Độ đã ảnh hưởng đời sống của nhiều cộng đồng cư dân các vùng Đông Nam Á trong đó có người Khmer tại Việt Nam như thế nào.

Đêm diễn thật sự lôi cuốn người xem ngay từ phút đầu cho đến khi tiếng cồng chiêng nổi lên khép lại sân khấu thì người xem vẫn còn ngồi lại rất lâu. Hình như những âm thanh từ các nhạc cụ quen thuộc của những nghệ nhân tài tử đã khuấy động không khí êm ả đến thầm lặng của cư dân vùng thủ đô nước Mỹ và đâu đó trong khán phòng người ta nghe được những tiếng thở dài được nén lại từ những lồng ngực Việt Nam.

Món ăn tinh thần nếu được chia sẻ đúng như lời phát biểu của anh A Thút có lẽ sẽ làm giàu thêm rất nhiều cho kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam trong nhiều loại hình nghệ thuật không những chỉ tại miền nam mà khắp ba miền đất nước. Anh Dương Minh Khương cho biết những điều mà ban đờn ca tài tử của anh nhận được từ những ngày qua

Xin lấy lời khen của một người Mỹ có mặt trong đêm diễn để kết thúc bài viết này, ông André Sauvageot: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.