Cảm nhận của dư luận người Việt về sự kiện Tổng thống Bush gặp gỡ các nhà tranh đấu cho Dân chủ Nhân quyền VN

Trà Mi, phóng viên đài RFA

3 giờ chiều ngày 29/5 vừa qua, tổng thống George W.Bush, phó tổng thống Dick Chenney, cùng những người đại diện cao cấp nhất của hành pháp Hoa Kỳ đã có buổi tiếp xúc với đại diện 4 tổ chức tranh đấu dân chủ bao gồm Đảng Việt Tân, Đảng Dân chủ nhân dân, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, và Tổ chức quốc tế yểm trợ cao trào nhân bản để trao đổi về thực trạng dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.

BushCheneyVnOversea200.jpg
Hôm 29-5-2007, Tổng Thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã gặp 4 đại diện của những tổ chức tranh đấu, vận động cho dân chủ Việt Nam là các ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản; ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ Tịch Ðảng Việt Tân, ông Ðỗ Thành Công, thành viên Ban Lãnh Ðạo Ðảng Dân Chủ Nhân Dân; và ông Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Ðiều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, tại phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc. AFP PHOTO/Mandel NGAN >> Xem hình lớn hơn

Cảm nghĩ của cộng đồng người Việt hải ngoại về sự kiện này ra sao? Thái độ tiếp nhận của họ như thế nào? Trà Mi ghi nhận ý kiến của một số người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, kể cả Việt kiều và du sinh, những người có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin tự do, đa chiều:

Sự kiện quan trọng

Khi được hỏi về cảm nghĩ trước sự kiện tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với các nhà vận động dân chủ Việt Nam, anh Duy, một thanh niên thuộc thế hệ hậu 75, sinh trưởng và thành đạt ở Hoa Kỳ, rất quan tâm đến tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước, phát biểu:

“Tôi nghĩ đây là một sự kiện rất là quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa kỳ mời người Việt chúng ta vào toà Bạch Ốc góp ý về vấn đề chính sách của Hoa Kỳ.

Đó là một sự kiện rất mới. Thứ nhì, vấn đề được thảo luận không chỉ là vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt hay là vấn đề nhân quyền một cách chung chung, nhưng cái đề tài là làm sao Hoa Kỳ có thể ủng hộ tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam.

Tôi nghĩ đây là một sự kiện rất là quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa kỳ mời người Việt chúng ta vào toà Bạch Ốc góp ý về vấn đề chính sách của Hoa Kỳ.

Cho nên, tôi nghĩ nội dung của buổi gặp cũng rất quan trọng. Thứ ba, từ suy nghĩ cá nhân của tôi, khi tôi coi hình ảnh đoàn kết của 4 vị đại diện các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại, tôi cảm thấy rất vui mừng và tôi hy vọng trong tương lai, phong trào dân chủ sẽ tiếp tục làm việc với nhau để gây thêm áp lực cho chính quyền Việt Nam và ủng hộ các nhà dân chủ trong nước.”

Thận trọng

Ông Hòa, một Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại miền Tây nước Mỹ thường xuyên theo dõi tin tức về Việt Nam, nói lên cảm nhận của mình:

“Trong vấn đề này thì trước hết tôi rất thận trọng. Tôi cũng mừng là đã có một chiều hướng mới, một góc nhìn mới trong vấn đề đấu tranh dân chủ cho Việt Nam và đặc biệt tiếng nói của cộng đồng hải ngoại thật sự đã chứng minh được thế đứng của mình.

Tuy nhiên, trong tình hình chính trị hiện tại ở Mỹ thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên chờ xem quyết định của chính phủ Mỹ đối với chính quyền Việt Nam sau cuộc gặp này ra sao.

Đối với chính quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng ngay lúc này trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đang có sự tranh chấp mãnh liệt giữa hai phe phái, một bên là thân phương Tây, một bên là thân Trung Cộng.

Tôi nghĩ là sẽ có sự nhượng bộ của chính quyền cộng sản, nhưng sự nhượng bộ đó ngay bây giờ có lẽ cũng không nhiều, tuỳ theo sự cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Mỹ họ quan tâm nhiều vấn đề chứ không riêng gì dân chủ, trong đó Việt Nam cũng là một cái thế mà họ phải đẩy mạnh bang giao với Hà Nội. Thành ra, tôi nghĩ sự cứng rắn của họ cũng chừng mực, nhưng hy vọng là nó sẽ được tiếp tục.”

Cùng chia sẻ cảm nghĩ về sự kiện này, bạn Tuấn, một du sinh sang Pháp học tập hai năm nay, nhưng vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin đa chiều về tình hình Việt Nam, bày tỏ:

Bạn nghĩ gì về cuộc gặp gỡ này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

“Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ có hành động thực sự quan tâm đến tình hình dân chủ ở Việt Nam. Sau khi nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp những người đấu tranh dân chủ quá nhiều, có lẽ chính phủ Mỹ thấy rằng vấn đề đó quan trọng.”

Dấu hiệu khả quan?

Phản ứng và sự đón nhận của đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài có khác nhau, nhưng liệu mọi người có tin tưởng rằng sự kiện này ít nhiều là một dấu hiệu khả quan, sẽ tác động tích cực đến việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam chăng?

Sau cuộc gặp gỡ này, liệu Washington sẽ đặt vấn đề nhân quyền với Hà Nội một cách thẳng thắn và mạnh dạn hơn, hay chỉ là một chiêu bài “cây gậy và củ cà rốt” đối với Hà Nội? Chị Christine Nguyễn, một kiều bào tại Pháp, cho rằng:

“Theo mình, chẳng có gậy gộc-cà rốt gì ở đây mà chẳng qua chính phủ Mỹ muốn hỏi một số thông tin mà họ đang quan tâm với tính cách là xác nhận thêm, xác minh thêm để làm một nguồn tham khảo cho họ trong ván cờ mà họ đang đi với chính phủ Việt Nam.

Theo tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ có mạnh tay với chính quyền Việt Nam trong vấn đề dân chủ hay không hoàn toàn tùy thuộc vào đối sách trong quan hệ ngoại giao của họ đối với Việt Nam. Có thể những người Việt được mời tới nói chuyện với tổng thống Bush là một trong những yếu tố, một trong những bước đi của đối sách ấy, thế thôi.”

Ý kiến của anh Duy: "Với cuộc gặp đó, chắc chắn toà Bạch Ốc sẽ có thêm những dự tính trong tương lai, nhưng phải nhớ rằng sự quan tâm của Hoa Kỳ chỉ là phương tiện, nó không phải là mục tiêu cuối cùng của mình. Cuối cùng, vấn đề dân chủ và phong trào dân chủ Việt Nam phải do chính người Việt Nam hướng dẫn."

Khác với thái độ lạc quan của anh Duy, bạn du sinh tên Tuấn có vẻ dè dặt hơn: "Em cũng có phần tin tưởng, có phần không, nghĩa là cũng đặt hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ tạo sức ép càng mạnh lên chính phủ Việt Nam, nhưng em không đặt toàn bộ tin tưởng vào chính phủ Mỹ hoàn toàn vì thường người Mỹ ngoài vấn đề dân chủ, họ còn đặt nặng lợi ích kinh tế."

Vừa rồi là cảm nghĩ của một số kiều bào và du sinh tại hải ngoại về cuộc họp lần đầu tiên giữa giới hành pháp cao cấp Hoa Kỳ với những nhân vật đại diện các tổ chức vận động dân chủ cho Việt Nam.

Quý vị muốn đóng góp quan điểm của mình, xin gửi email về địa chỉ: vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại (202) 530 7775.