Người Việt Little Saigon đầu năm 2008

0:00 / 0:00

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Người Việt Nam sống ở nước ngoài, bên cạnh những kỳ vọng cho cuộc sống gia đình, thân nhân và bạn bè, đều ít nhiều hướng về quê mẹ trong một niềm hy vọng khác. Đó là được thấy một Việt Nam dân chủ hơn, chấp nhận dị biệt nhiều hơn, và cuộc sống kinh tế của người dân được thăng tiến hơn. Phóng viên Thiện Giao của đài chúng tôi ghi nhận tiếp các tâm tình của bà con hải ngoại, ngay tại cộng đồng Việt Nam lớn nhất tại Hoa Kỳ, đó là Little Saigon ở California.

NewYearFireWork200.jpg
Photo: AFP

Trong các bài tường thuật được phát đi hôm nay, phóng viên Ban Việt Ngữ đài chúng tôi đã gởi đến thính giả những ước mơ và kỳ vọng của đồng bào Việt Nam, trong và ngoài nước, trước thềm năm mới 2008.

Từ Việt Nam, bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mong cho, trong năm mới, mưa thuận gió hoà, bão lụt tránh xa, giá lúa tăng lên để đời sống dễ thở hơn. Bà con cũng cầu mong con cái học hành tấn tới, thi đâu đậu đó.

Từ các cộng đồng Việt Nam tại Úc Châu, Đức, Canada, San Jose (Hoa Kỳ), bà con Việt kiều cũng cầu chúc bà con Việt Nam trong nước một năm mới có đời sống khá hơn, cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần, với các giá trị nhân bản, tự do, và dân chủ.

Hôm nay, đi tiếp loạt ghi nhận tâm tình bà con ở nước ngoài, chúng tôi xin mời thính giả gặp gỡ bà con Việt Nam tại cộng đồng Việt Nam lớn nhất hải ngoại ở Little Saigon, California.

Với hoàn cảnh khác nhau, thuộc những thế hệ khác nhau, những người Việt Nam đang hoặc đã từng sinh sống tại đây đa số có một điểm chung, đó là, trong khi hân hoan chào đón năm mới Dương Lịch, và một năm mới Âm Lịch đang đến gần, mỗi người đều ít nhiều có những suy nghĩ về cộng đồng mà mình là một thành viên; và mỗi người đều ít nhiều hướng về Việt Nam với những lời chúc cùng hy vọng cho năm 2008.

Ông Trần Dật, 74 tuổi, cư dân California bắt đầu những nhận định với kỳ vọng hướng về cộng đồng. Ông tin tưởng ở sức mạnh của một cộng đồng thương yêu và đoàn kết.

Ông Trần Dật : Những người sống xa quê hương như chúng tôi đêu luôn luôn mong mỏi làm sao người cộng đồng hải ngoại thương yêu, thành thực thương yêu và đoàn kết, và làm thế nào để tạo một thế đứng vững mạnh, cố gắng hướng dẫn con cháu mình luôn luôn nhớ về tổ quốc và dân tộc.

CandyFoodNewYear200.jpg
Nhiều gia đình Việt Nam đang chuẩn bị sắm sửa cho các ngày Lễ, Tết. AFP PHOTO.

Ông Trần Dật sang Hoa Kỳ từ năm 1975, ông có 7 người con đều đã trưởng thành và thành đạt. Về hưu từ 10 năm nay, ông nói rằng ông vẫn thường xuyên đưa các con về Việt Nam để hiểu thêm về dân tộc và phong tục tập quán.

Ông Trần Dật : Tôi cố gắng làm thế nào trong một gia đình luôn luôn gần gũi nhau và các cháu làm thế nào các cháu biết suy nghĩ nhiều về dân tộc mình và tôi thường đem các cháu về (Việt Nam) để nó thấy được tất cả những cái xã hội mình đang xuống cấp, người dân đang gặp nhiều khó khăn và các cháu hiểu được cái phong tục tập quán, đó là điều tôi rất mong muốn.

Từ Houston, Texas, nhà báo Khôi Nguyên, vốn đã từng sống nhiều năm tại California, tin rằng năm 2008 sẽ là một năm bình yên, ổn định và có nhiều thời gian hơn cho con cái.

Nhà báo Khôi Nguyên : Ai cũng vậy à. Ước mơ cho Năm Mới thì có nhiều ước mơ lắm, nhưng mà những người đã có gia đình và có con như tôi thì các cháu còn nhỏ cho nên mình chỉ ước mơ làm sao mình có cuộc sống bình yên, công việc ổn định. Về con cái thì mình có thể có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc và dạy dổ con cái hơn.

Đối với thân nhân, bạn bè sống tại Hoa Kỳ, nhà báo Khôi Nguyên nói rằng anh cầu chúc mọi người một cuộc sống dễ thở hơn, với công việc ổn định hơn để có nhiều thời gian lo cho người thân hơn nữa.

Sang định cư tại Hoa Kỳ khoảng 6 năm nay, nhà báo Khôi Nguyên đưa ra những kỳ vọng đối với đồng bào trong nước.

Nhà báo Khôi Nguyên : Chắc ai cũng như tôi thôi, cũng luôn hướng tấm lòng của mình về quê hương Việt Nam, cầu mong sao cho đồng bào mình ở quê nhà luôn luôn có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, và có đời sống dân chủ hơn, tự do hơn một chút.

Cô Nguyễn Lê Phương Yến, 24 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Chính Trị tại Đại Học South Alabama, nói từ California về những ước vọng của mình trong năm 2008.

Cô Nguyễn Lê Phương Yến : Năm Mới thì Yến chỉ mong mình luôn luôn được sức khoẻ tốt và mong cho gia đình mình cũng như vậy. Còn riêng cá nhân Yến thì năm nay Yến có nguyện vọng là đi học lại thêm bằng cao học, còn người yêu thì (cười), cái này thì phải "wait and see", nhưng mà nếu gặp một người nào đó tốt thì đây cũng là thời gian tốt cho Yến để mà nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ít ra là Me nói như vậy.

Sang Hoa Kỳ lúc khoảng 10 tuổi, Phương Yến có thể nói, đọc và viết tiếng Việt rành rõi. Cô cho biết vẫn đọc tin tức về Việt Nam, và cô mong rằng những thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ được hưởng những giá trị tự do như những người khác trên thế giới.

Luôn tự xem mình là một người Việt Nam, ông Yersin Mougammadou sinh trưởng tại Sài Gòn, có cha là người Ấn Độ và mẹ là người Việt Nam. Gia đình ông sang Pháp định cư từ năm 1977, đến năm 1984 thì sang Hoa Kỳ. Ông Yersin Mougammadou có những mong ước khá đơn giản cho Năm Mới 2008.

Ông Yersin Mougammadou : Cuộc sống gia đình thì may mắn là mình ở nước Mỹ cho nên mnình có một cuộc sống bình thường, con cái đàng hoàng, và mình hy vọng năm tới mình sẽ đi về Việt Nam nữa. Ngoài sự thăm viếng, mình hy vọng mình sẽ làm được một vài chuyện thiện ở Việt Nam

Ông Yersin cũng nói rằng dị biệt là điều không tránh khỏi, nhưng chấp nhận sự dị biệt là điều cần thiết để phát triển.

Ông Yersin Mougammadou : So với cộng đồng của nước ngoài thì cộng đồng Việt Nam mình là một trong những cộng đồng rất là đàng hoàng. Nhưng mà nó có những khác biệt và mình phải chấp nhận những khác biệt của người khác. Đó là những dị biệt về chính kiến hoặc là vì cái gì đi nữa thì mình phải chấp nhận để mình khá hơn.

Việt Nam thì trong hai ngày này tôi có coi được một cái hình của ông Thủ Tướng ổng thăm Toà Khâm Sứ thì cái đó là ổng cũng thấy được cái dị biệt rồi đó. Tôi hy vọng rằng nhiều lãnh tụ Việt Nam nữa sẽ có những cái nhìn viễn kiến xa hơn, kéo những người ngoài đảng vô nhà nước. Và cái hy vọng cuối cùng là hy vọng trong 5 năm nữa, tôi hy vọng Việt Nam mình phải có ít nhứt, sẽ có chứ, ít nhứt là 4 đảng để Việt Nam mình khá hơn.

Những trao đổi nhân dịp đầu năm cho thấy người Việt Nam sống ở nước ngoài, bên cạnh những kỳ vọng cho cuộc sống gia đình, thân nhân và bạn bè, đều ít nhiều hướng về Việt Nam trong một niềm hy vọng khác. Đó là được thấy một Việt Nam dân chủ hơn, chấp nhận dị biệt nhiều hơn, và cuộc sống kinh tế của người dân được thăng tiến hơn.