Tìm kiếm hài cốt những tù nhân đã chết trong các trại tập trung hay trại cải tạo


2007.04.29

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Vào khi lễ mừng 30 tháng Tư đại thắng được tổ chức trong nước , người Việt hải ngoại nhớ lại 32 năm xa xứ, thì một số cựu sĩ quan miền Nam đến Mỹ theo diện HO đang hy vọng có thể được tìm kiếm hài cốt những bạn tù của họ đã chết trong các trại tập trung hay trại cải tạo của miền Bắc.

VnWarParatroop200.jpg
Lữ đoàn Nhảy dù đặc nhiệm từ phi cơ C-123 trong đợt tấn công Phi Hoa II tháng 3-1963 tại Tây Ninh, miền Nam Việt Nam. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES >> Xem hình lớn hơn

Từ đâu và dựa vào đâu mà một cựu tù nhân trại tập trung từng bị đưa ra miền Bắc, ông Nguyễn Đạt Thành, chủ tịch Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại thành phố Houston bang Texas, có cớ để về Việt Nam hầu xúc tiến việc này? Nói chuyện với Thanh Trúc, ông Nguyễn Đạt Thành trình bày:

“Đó là trước khi ông tổng thống Bush qua Việt Nam để họp thượng đỉnh thì có một phái đoàn Mỹ đi Việt Nam trước. Trong phái đoàn những người Mỹ về trước thì có ông luật sư của tôi là ông Robin Mitchell.

Ông về Việt Nam thì tôi có nhắn ông một câu là với hy vọng có thể được là ông liên lạc với chính quyền Việt Nam để nói chúng tôi muốn cho gia đình của những anh em HO đã chết trong trại được lấy hài cốt của họ, và nếu có thể cũng xin lấy luôn hài cốt của những anh em chết ngoài các mặt trận.

Sau đó ông Robin Michell về và cho tôi biết rằng ông đã gặp ông Trịnh Trung và Hội Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài thì họ đã chuyển lên nhà nước và sẽ trả lời trong ngày gần đây.

Thì sau khoảng chừng 10 ngày tới nửa tháng, ông Mitchell cũng được sự trả lời từ Hội Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài thông qua ông Trịnh Trung.”

Được sự ủng hộ

Ông về Việt Nam thì tôi có nhắn ông một câu là với hy vọng có thể được là ông liên lạc với chính quyền Việt Nam để nói chúng tôi muốn cho gia đình của những anh em HO đã chết trong trại được lấy hài cốt của họ, và nếu có thể cũng xin lấy luôn hài cốt của những anh em chết ngoài các mặt trận.

Thanh Trúc: Xin phép được ngắt lời ông ở đây là cũng nên giới thiệu về ông Trịnh Trung trước khi tiếp tục câu chuyện.

Ông Nguyễn Đạt Thành: Ông Trịnh Trung là một thành viên của Hội Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài tại Hà Nội, cũng là người của một tập đoàn xuất nhập cảng có business ở Việt Nam . Ông đã gặp luật sư Robin Mitchell qua vai trò liên lạc để làm Phòng Thương Mại Việt Mỹ .

Ông Trịnh Trung rất nhiệt tình để giúp cho chúng tôi liên lạc được với Việt Nam để tổ chức một chuyến về Việt Nam. Cũng qua ông Trịnh Trung chúng tôi được Hội Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài gởi thơ mời về Việt Nam ….

Họ biết biết ý nguyện của chúng tôi trong cái việc kiếm hài cốt anh em như thế nào và chúng tôi đã họp với ban chấp hành của chúng tôi. Ban chấp hành đã đề cử tôi và một người nữa là anh Sơn để về họp bên Việt Nam.

Thanh Trúc: Ông và ông Sơn được cử đi Việt Nam lúc nào?

Ông Nguyễn Đạt Thành: Hồi tháng Giêng 2007, khi tôi về đến Saigon thì ông Trịnh Trung đã liên lạc với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt để chúng tôi đến tham khảo. Chúng tôi đã trình bày những ý kiến của chúng tôi để coi cựu thủ tướng Võ Văn kiệt có thể giúp được chi. Đó là ngày 30 tháng Giêng năm 2007..

Thanh Trúc: Thưa sự trả lời của ông cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt như thế nào?

Ông Nguyễn Đạt Thành: Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt rất sốt sắng , hết sức ủng hộ việc làm nhân đạo này. Ông nói ông sẽ yêu cầu đề nghị lên chánh phủ là kêu gọi những người quản giáo của các trại cải tạo nếu về hưu rồi thì phải trở lại để mà chỉ anh em chúng tôi, hợp tác với chúng tôi lấy hài cốt của các anh em đó.

VnWarHelicop200.jpg
Chiến trường Việt Nam ngày 16 tháng 5 năm 1966. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES >> Xem hình lớn hơn

Sau khi họp với ông Võ Văn Kiệt, chúng tôi trở ra Hà Nội ngày 1 tây tháng Hai để gặp Hội Liên Lạc Người Việt Nước Ngoài. Cũng trong ngày này chúng tôi được Bộ Ngoại Giao Việt Nam mời lên họp thì chúng tôi được ông Trần Quang Hoan trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại Giao tiếp xúc với chúng tôi.

Cũng nói thêm là khi còn ở trong miền Nam chúng tôi cũng có may mắm gặp ông dân biểu Dương Trung Quốc, cũng có thảo luận về vấn đề hài cốt. Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc này đáng nên làm và ông ta sẽ hổ trợ.

Khi ra Hà Nội gặp ông Nguyễn Quang Hoan thì ông Hoan nói rằng cá nhân ông rất tán đồng và theo ông nghĩ nhà nước sẽ giúp sẽ đồng ý thôi nhưng mà phải trình lên trên để chờ ở trên có quyết định sau cùng.

Thanh Trúc: Từ đó cho đến nay, sau khi trở về Hoa Kỳ ông có nhận thêm sự trả lời nào không?

Chờ thành lập uỷ ban đặc nhiệm

Ông Nguyễn Đạt Thành: Chúng tôi trở về Hoa Kỳ thì một khoảng thời gian sau sứ quán Việt Nam tại Washington DC gởi anh Trung Nguyễn xuống gặp chúng tôi và ban chấp hành để trả lời trực tiếp rằng nhà nước Việt Nam chấp thuận đề nghị nhưng mà chúng tôi phải chờ họ lập một uỷ ban đặc trách chuyên môn về vấn đề hài cốt.

Ông Trung Nguyễn cũng trả lời một số câu hỏi của anh em trong ban chấp hành liên quan tới việc Nghĩa Trang Biên Hoà có bị ủi hay không. Ông Trung Nguyễn có nói rằng theo ông biết là không bao giờ có việc ủi Nghĩa Trang Biên Hoà.. Thì tất cả những sự kiện đó diễn biến cho tới bây giờ và chúng tôi đang chờ kế hoạch đi lấy hài cốt.

Hiện tại chúng tôi đang thiết lập danh sách những anh em chết trong trại. Nhất là chúng tôi quan tâm đến một số anh em trên đường di chuyển từ Vinh bằng xe lửa, đã chết dọc đường . Xe lửa đã ngừng lại , bỏ xác anh em lại địa phương để người ta chôn cất.

Trên đường từ Vinh Thanh Hoá đi lên Sơn La lúc chuyến xe lửa đầu tiên của tôi đi cũng có vài anh em chết , xe lửa đã ngừng ở các ga để xác của anh em lại . Chúng tôi căn cứ vào anh em học tập cải tạo và hiện chúng tôi có sự tiếp sức của một số anh em ở các tiểu bang để thu thập tin tức của những anh em chết trong trại….

Hiện tại chúng tôi đang thiết lập danh sách những anh em chết trong trại. Nhất là chúng tôi quan tâm đến một số anh em trên đường di chuyển từ Vinh bằng xe lửa, đã chết dọc đường . Xe lửa đã ngừng lại , bỏ xác anh em lại địa phương để người ta chôn cất.

Thanh Trúc: Thưa ông những vấn đề liên quan đến quân dân cán chính sau 1975, những vấn đề liên quan đến thuyền nhân chết trên biển mà có lẽ ông nhớ nhất là hai tấm bia ở Malaysia và Indonesia đã bị Việt Nam yêu cầu hai chính phủ Malaysia và Indonesia đục bỏ, hay là Nghĩa Trang Biên Hoà chẳng hạn, đều là những vấn đề hết sức tế nhị dưới mắt chính phủ Việt Nam.

Ông Nguyễn Đạt Thành: Tôi cũng thấy đó là những vấn đề hết sức tế nhị, tuy nhiên ở mỗi thời điểm khác nhau có sự nhận định khác nhau mà hiện tại bây giờ nhà nước Việt nam kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc thì tôi cho rằng vấn đề trước nhất chính phủ Việt Nam cũng sẽ tỏ thiện chí .

Chúng tôi không muốn đề cập tới vấn đề chính trị ở đây bởi vì chúng tôi làm việc này chỉ là vấn đề nhân đạo mà thôi. Nếu thấy rằng giúp anh em chúng tôi tìm kiếm hài cốt của anh em tù cải tạo là một việc làm chính đáng thì họ sẽ đồng ý .Trước mắt thì tôi đã thấy tín hiệu đó, tín hiệu từ toà đại sứ Việt Nam, từ nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Quang Hoan của Bộ Ngoại Gia và ông dân biểu Dương Trung Quốc.

Tất cả đều biểu đồng tình. Mới đây tôi được ông Dương Trung Quốc thông báo là phó đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã tới gặp cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng đã nói chuyện với ông Dương Trung Quốc về vấn đề hài cốt cũng như vấn đề Nghĩa Trang Biên Hoà . Ông cho biết giới chức Việt Nam tán đồng việc làm nhân đạo này.

Tuy nhiên phải có thời gian, phương cách và đề án thích nghi. Tôi nghĩ mỗi thời điểm khác nhau có cách suy nghĩ khác nhau, tôi hy vọng có sự thay đổi bởi vì đây là việc mà không một ai có thể từ chối được hết.

Tính nhân đạo

Những sĩ quan miền Nam bị tập trung và chuyển ra miền Bắc đã chết như thế nào. Ông Nhơn, từng bị đi Bắc, kể lại: “ Khi ra Bắc thì trại Tám thuộc liên trại Một ở Hoàng Liên Sơn chúng tôi chứng kiến ba người bạn cùng mang ba chữ T là Nguyễn Văn Tốt, Nguyễn Văn Tấn và Nguyễn Đỗ Tước chết vì thiếu thuốc, đi cầu liên tục mà không có một viên thuốc để uống.”

Ông Phan Tuấn, bị tập trung cải tạo 17 năm 9 tháng: “Tôi đi ra Bắc trong đợt đầu tiên hết, thì tôi nằm tù chung với một thượng tọa tuyên uý Phật Giáo của Tổng Y Viện Cộng Hoà là ông Trần Hữu Nghĩa. Ông chết vì trong lúc bị bịnh mà bị uỷ viên chính trị ép cung hỏi cung tức qua ông về uống thúôc tự vận, thúôc sốt rét. Hay như Lê Văn Linh, đơn vị 101, đói và không có thúôc rồi chết vì bị kiết lỵ.”

Mục tiêu tìm kiếm hài cốt bạn tù cải tạo chết trong những trại tập trung miền Bắc sau ngày 30 tháng Tư 1975 mà ông Nguyễn Đạt Thành ấp ủ có được các cựu tù nhân chính trị HO ở Hoa Kỳ ủng hộ không.

Từ khắp nơi trên đất Mỹ, những cựu sĩ quan miền Nam lên tiếng với đài Á Châu Tự Do. Ông Hào: “Việc làm này có tính chất nhân đạo, chúng tôi sẳn sàng tiếp tay và giúp đỡ anh Thành.”

Khi ra Bắc thì trại Tám thuộc liên trại Một ở Hoàng Liên Sơn chúng tôi chứng kiến ba người bạn cùng mang ba chữ T là Nguyễn Văn Tốt, Nguyễn Văn Tấn và Nguyễn Đỗ Tước chết vì thiếu thuốc, đi cầu liên tục mà không có một viên thuốc để uống

Ông Lễ, bị tù cải tạo 13 năm: “Tôi ủng hộ 100%, tại vì mấy anh em chết trước mắt tôi và chôn ở trại ngoài Bắc thì tôi đã thề rằng khi nào có điều kiện chúng tôi sẽ đưa các anh về .”

Ông Hà , tám năm rưỡi trong trại tập trung: “Chúng tôi là những người lính bị gẫy súng, vào tù thì lại gặp nhau, thấy anh em bỏ xác trong tù mình thất đau lòng, vì thế chúng tôi hoan nghinh việc làm của anh Thành.”

Một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam trước kia, ông Steven Parks, phát biểu là ông không có lý gì để chống lại việc làm của ông Nguyễn Đạt Thành:

“Chúng tôi đã tìm kiếm hài cốt đồng đội chết ở chiến trường Việt Nam, có khi chúng tôi tìm thấy hài cốt của binh sĩ Việt Nam và chuyển lại cho người Việt. Tôi nghĩ những người bạn HO Việt Nam ở đây nên có một chương trình tìm kiếm hài cốt đồng đội giống như thế.”

Nhưng chừng như cựu chiến binh Steven Parks không lạc quan cho lắm: “Người cộng sản thường không nói thật với bạn, phút trước họ nói có , phút tiếp họ nói không và phút sau nữa thì họ bắt bạn chờ . Đó là cách của họ.”

Để tiện cho việc cung cấp thông tin về những người tù cải tạo chết trong khi đang ở trong trại, quý thính giả của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do có thể liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Đạt Thành ở số điện thoại là 001 713 478 9901.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.