Mũ bảo hiểm đã thay đổi cách nhìn cố hữu về an toàn giao thông


2007.12.24

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Quy định buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy trên tòan quốc đã bước sang ngày thứ tư với nhiều tin vui hơn là chuyện buồn. Lê Dân ghi lại một số chi tiết liên quan như sau.

HelmetTrafficPolice200.jpg
Công an điều khiển giao thông trên đường phố trên đường phố Hà Nội hôm 12-12-2007. Photo: AFP

Quy định buộc đội mũ bảo hiểm đã có từ rất lâu trên thế giới, có lẽ cũng hàng mấy thập niên, kể từ khi xe gắn máy được sản xuất với sức mạnh và tốc độ ngày càng cao, khiến con số người sử dụng thương vong khi gặp tai nạn cũng tăng theo.

Tại những nước láng giềng với Việt Nam như Thái Lan hay Philippines, hình ảnh những chiếc mũ bảo hiểm đã trở thành quá quen mắt và thông dụng. Ngay cả cá bác xe ôm, hay taxi hai bánh, tại Bangkok hoặc Manila cũng thủ sẵn một chiếc mũ bảo hiểm cho khách dùng.

Ở Việt Nam, nhiều người cũng tự sắm cho mình và người thân những chiếc mũ bảo hiểm từ nhiều năm trước, khi xe môtô, gắn máy trở lại thông dụng và có công suất cùng tốc độ cao. Một cán bộ hưu trí tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tui thì có từ lâu rồi. Tui dùng nón từ lúc họ chưa bắt, tui đã mua rồi.”

Nói chung thì dư luận Việt Nam đã bớt "dèm pha" cái gọi là "nồi cơm điện" do quy định mới của chính phủ, ai cũng phải đội thì phải đành nghe theo thôi, dù rằng có người không "tâm phục, khẩu phục" cho lắm.

Báo Hà Nội Mới ngày hôm qua đăng bài "Khó phát hiện trường hợp không đội mũ bảo hiểm" đã viết rằng 'vẫn xuất hiện các trường hợp đội mũ theo kiểu chống đối, điển hình xuất hiện nhiều nhất là người đội mũ không cài quai....thỉnh thoảng có người mang theo nhưng không đội'.

Như vậy là đội mũ chỉ nhằm 'đối phó' các cơ quan chức năng. Dù vậy mặt hàng mũ bảo hiểm bán vẫn chạy như tôm tươi, có bạn hàng Hà Nội cho biết số lượng mũ bảo hiểm bán ra trong những ngày nay cao gấp 10 lần so với tuần trước, mà giá cả không 'mềm', nhất là đối với những loại được quảng cáo là của nước ngoài sản xuất, chất lượng cao. hàng Đài Loan bảo đảm. Nhiều loại lắm, nói chung là phải trên 100 đến 200 (ngàn).

Nghị định số 32 của Thủ tướng chính phủ bắt đầu có hiệu lực kể từ lúc 6 giờ sáng thứ Bảy, 15 tháng Mười Hai. Đến trưa thì tại Hà Nội, Sàigòn, Đà Nẵng, Cần Thơ....các làn đường xe gắn máy đã trở thành những giòng sông trắng xóa do phần lớn mũ bảo hiểm được sơn màu trắng.

Cũng có những hàng hiệu mẫu mã đẹp, sơn màu bắt mắt có lẽ để phù hợp với màu xe, hay màu áo khóac của những khách sành thời trang.

Giảm thiểu tai nạn giao thông

Dù gì đi nữa, biện pháp bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã có lợi ích hiển nhiên. Các bệnh viện cho hay số trường hợp chấn thương sọ não do tai nạn giao thông giảm thiểu đáng kể.

Điển hình như bệnh viện Việt-Đức Hà Nội cho biết, sáng 17 tháng 12 tiếp nhận 16 ca tai nạn giao thông, trong đó có 6 trường hợp chấn thương sọ não mà phân nửa là do không đội mũ bảo hiểm. Một ngày trong tuần trước có gấp 10 lần mà phần lớn là không đội mũ bảo hiểm.

Một điểm đáng lưu ý là trẻ em khi được người lớn chở bằng xe gắn máy cũng phải đội mũ và ngay cả mọi thành phần khác, mọi trường hợp khác như cô dâu với tóc uốn chải cầu kỳ cũng phải đội mũ bảo hiểm. Nếu không thì phải dùng phương tiện di chuyển khác như đi xe tắcxi.

Bên cạnh việc hầu hết mọi người sử dụng xe gắn máy đã chấp hành nghiêm chỉnh, thì việc sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái của nước ngoài cũng xuất hiện ồ ạt.

Bác cán bộ hưu trí Sàigòn nhận xét: “Dĩ nhiên là nó cũng có số người làm chui, làm bậy bạ, nhưng phần lớn là có kiểm tra, đăng ký.”

Nhìn chung, việc đại đa số người sử dụng và đi xe gắn máy chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm đã là dấu hiệu đáng mừng, ít nhất cũng cho thấy cái nhìn của công chúng về mặt an toàn cao hơn mặt thẩm mỹ như trước đây. Đặc biệt là tại Việt Nam là quốc gia có số xe gắn máy lưu thông nhiều suýt soát tổng dân số.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.