Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở Đông Nam Á, một cuộc hội thảo quan trọng đã diễn ra ở TP.HCM hôm 16/8 với chủ đề tăng cường giám sát, chủ động phòng chống dịch cúm H5N1 trên gia cầm và trên con người.

Hai giới chức cao cấp của Việt Nam, một là thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn, người thứ hai là phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến viện trưởng viện Pasteur TP.HCM đều bày tỏ sự lo ngại kèm theo lời cảnh báo cấp thiết, về sự trở lại của dịch cúm gia cầm H5N1.
Sự phát triển của virus
Trong cuộc hội thảo bà Kim Tiến dẫn sự kiện bệnh cúm A/H5N1 đã được ghi nhận ở các nước quanh Việt Nam với diễn biến rất phức tạp như ở Indonesia, Lào, Thái lan và Trung Quốc. Trong khi tại Việt Nam thì TP.HCM và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh là các địa phương có xét nghiệm dương tính H5N1 trên đàn gia cầm.
Theo phó giáo sư, tất cả những dữ kiện vừa nói cộng với thời tiết những tháng cuối năm là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi rút cúm gà H5N1.
Trả lời chúng tôi vào sáng 17/8 phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, viện trưởng viện Pasteur TP.HCM xác định: "Nguy cơ tái dịch là rất đúng, bởi vì các nước xung quanh đã tái dịch, hơn nữa bây giờ là mùa Đông Xuân…"
Giữa sự lo ngại dịch cúm gia cầm trở lại Việt Nam và sự trùng hợp xảy ra hai ca tử vong hồi đầu tháng 8 vừa qua ở Kiên Giang nghi nhiễm cúm H5N1, tuy nhiên kết quả xét nghiệm bệnh phẩm là âm tính. Cả hai bệnh nhân bị thiệt mạng vừa nói đều có ăn thịt vịt, mặc dù trong vùng họ cư trú không xảy ra trường hợp gà vịt bị chết bệnh.
Nguy cơ tái dịch là rất đúng, bởi vì các nước xung quanh đã tái dịch, hơn nữa bây giờ là mùa Đông Xuân…
Bà Kim Tiến cho biết: "Mới đầu chúng tôi lo ngại có một chủng vi rút mới nào đó mà mình chưa biết được, nhưng chẩn đoán lâm sàng sau cùngcho thấy hai bệnh nhân chết, một là vì viêm não, người thứ hai là nhiễm trùng huyết do vi khuẩn…không phải như nghi ngờ ban đầu là viêm phổi do vi rút."
Nguy cơ lan rộng
Có mặt trong cuộc hội thảo, thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn, một người công tác lâu năm trong ngành y tế dự phòng đã lập lại quan điểm của ông là Việt Nam đang bị bao vây bởi dịch cúm H5N1, và nếu cả nước không thực hiện công tác giám sát chu đáo, thì có khi dịch bùng phát cả tuần lễ sau mới phát hiện được.
Với sự di chuyển của người dân và hàng hoá bằng ô tô hay máy bay thì trong một tuần lễ dịch có nguy cơ lan rộng cả nước thậm chí sang quốc gia khác. Ông Huấn còn nhấn mạnh rằng, năm nay tỷ lệ nhiễm cúm B trong cộng đồng dân cư tăng nhiều hơn năm ngoái, ngoài ra cúm A H1 và H3 cũng được phát hiện ở nhiều người bệnh.
Điều lo sợ nhất mà thứ trưởng Huấn đề cập tới, đó là vi rút cúm B có đặc thù lây nhanh qua đường hô hấp nếu gặp vi rút cúm A H5N1 có độc lực cao trong cơ thể người bệnh thì khả năng sẽ xảy ra vi rút tái tổ hợp và biến chủng gây ra đại dịch cúm mới cho con người.
Tổ chức Y Tế Thế Giới từng cảnh báo một đại dịch cúm trên thế giới sẽ cướp đi sinh mạng nhiều triệu người. Về khả năng và phương tiện của Việt Nam chống đỡ với một đại dịch cúm A/H5N1 trên con người, nếu như vi rút cúm gia cầm biến thể có thể lây từ người sang người theo sự cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra nhận định của mình:
“ Tôi nghĩ là với sự nỗ lực của chính phủ và toàn hệ thống y tế và Nhà nước hiện nay cũng đã đầu tư và được quốc tế hỗ trợ, với sự chuẩn bị trước… thiệt hại sẽ giảm và khả năng phòng chống cũng tốt hơn trước nhiều.”
Mất cảnh giác
Một vấn đề được đặt ra tại cuộc hội thảo ở TP.HCM ngày 16/8 là sự mất cảnh giác, nhiều tỉnh điển hình như Kiên Giang có dịch gà vịt chết không báo cáo. Công tác tuyên truyền tới người dân chưa thực sự có tác dụng, nhiều người dân ở địa phương chẳng e dè ăn luôn cả thịt gà vịt bị chết không rõ nguyên nhân.
Mấy hôm trước bày bán gà lông đầy ra, hôm nay thì dấu đi nhưng muốn mua thì chỉ con nào sẽ làm con đó. Ở các nơi khác TV chiếu cảnh cắt cổ nhổ lông bừa phứa.
Câu trả lời là mạng lưới thú y đi xuống tới cấp xã quá mỏng, mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y thì làm sao có đủ khả năng giám sát toàn bộ gia cầm được nuôi trên địa bàn.
Nhận định về tình trạng vừa nói bà Nguyễn Việt Nga, chi cục trưởng chi cục thú y tỉnh Tiền Giang nói thẳng rằng, chính quyền địa phương chưa quản lý được người dân thử hỏi làm sao biết được nhà nào nuôi con gì, nhất là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán.
Theo bà Nga không thể nào kiểm soát chặt chẽ trên thực tế, nếu người nuôi không báo cáo là họ có gà vịt bị bệnh, người dân quê nghèo khổ khó lòng thay đổi hành vi và nhận thức của họ. Tại TP.HCM là nơi phương tiện truyền thông dồi dào, nhưng do 8 tháng không có dịch người dân đã mất cảnh giác, kể cả người buôn bán kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Trên nguyên tắc gia cầm còn sống không được kinh doanh ở chợ, nhưng gà lông bằng cách này hay cách khác vẫn được bày bán ở nhiều nơi, khách mua thoả thuận xong thì người bán sẽ cắt tiết nhổ lông và làm thịt như lời một cư dân thành phố kể lại:
“ Mấy hôm trước bày bán gà lông đầy ra, hôm nay thì dấu đi nhưng muốn mua thì chỉ con nào sẽ làm con đó. Ở các nơi khác TV chiếu cảnh cắt cổ nhổ lông bừa phứa.”
Cuộc hội thảo tăng cường giám sát và chủ động phòng chống dịch cúm H5N1 trên gia cầm và con người đã được tổ chức 5 ngày sau khi bộ y tế Việt Nam cảnh báo có nguy cơ H5N1 biến chủng. Cho tới nay cúm gia cầm H5N1 đã làm 138 người trên thế giới bị thiệt mạng.
Riêng Việt Nam kể từ cuối 2003 tới đầu năm 2006 đã xảy ra 42 trường hợp người bị tử vong vì nhiễm H5N1, gần 45 triệu gia cầm bị tiêu huỷ. Điểm đáng lưu ý là hơn 8 tháng qua Việt Nam chưa xảy ra tái bùng phát dịch trên đàn gia cầm, cũng như chưa có bệnh nhân bị lây nhiễm H5N1.