Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Đám cưới trên đường quê” của Hoàng Thi Thơ do đôi nghệ sĩ Trang Thanh Lan và Quang Bình song ca

Ca dao, tục ngữ phản ánh cuộc sống dân giả nên nhiều câu mộc mạc, chất phác như
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà Trong ba việc ấy, thật là khó thay”
Cưới hỏi là việc hệ trọng trong đời sống vì vậy, phải kén chọn kỹ, như câu ca dao cổ sau đây
“Mua thịt thì chọn miếng mông, Lấy chồng thì chọn con tông, nhà nòi”
hay
“Trai khôn tìm vợ chợ Đông Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”
nhưng có các chàng không còn suy xét được gì, khi mà đã bén lửa tình
“Mình rằng mình chỉ lấy ta để ta bán cửa bán nhà, ta theo Còn một cái cối đâm bèo Để ta bán nốt, ta theo mình về.”
Chàng nhạc sĩ miền quê thì
“Cô hàng nước” …
Ca hát như thế hòng thuyết phục Nàng chứ thực ra, người Việt, nhất là dân quê, theo truyền thống, phải qua nhiều nghi thức để tiến đến hôn nhân.

Việc đầu tiên của bậc cha mẹ là xem xét gia cảnh bên nhà kia; kế đến, là xem tuổi của đôi trẻ, có hợp nhau không; rồi xét dâu hay rể tương lai, nàng dâu phải “thắt đáy lưng ong” để khéo chiều chồng và khéo nuôi con.
Hai bên gia đình thuận ý thì tiến hành Giạm ngõ, lễ Hỏi, rồi mới đến lễ Cưới. Các lễ ấy gồm nhiều nghi thức như chúng ta đã biết. Trên cao nguyên thì đồng bào các sắc tộc thiểu số có nhiều tục lệ hơn nữa. Thy Nga đọc thấy một số phong tục vui lạ trên trang Web hanoi.vnn nên xin trích để thuật lại cùng quý thính giả và các bạn.
Bài “Hẹn hò” do nhạc sĩ Nguyễn đình Nghĩa thổi sáo Mèo …
Qua tiếng sáo, chàng trai thổ lộ nỗi lòng thổn thức của mình. Khi tình yêu hai người đã chín mùi, sắc dân H’Mông có tục lệ “bắt vợ”. Với sự đồng thuận của cô gái, chàng đến “bắt” cô trên nương, bên suối, hay tại phiên chợ. Cũng có khi để thử thách bạn tình, cô muốn được bắt đi, ngay từ nhà.
Cô đã để ngỏ cửa để đêm khuya thanh vắng, chàng tới, kéo cô thật nhanh ra khỏi nhà. Làm được điều này, chàng thể hiện nam tính mạnh mẽ, khẳng định sự dũng cảm của mình để chinh phục lòng ngưỡng mộ của cô.
Sau ba ngày bị “bắt” về nhà trai mà cô gái không trốn, nghĩa là cô bằng lòng, thì nhà trai lo tìm ông mối làm lễ hỏi. Trong khi ấy, cô gái trở về nhà để chuẩn bị tư trang và váy áo cho đám cưới.
Nhà trai nhà gái yêu cầu một vị cao niên có uy tín trong làng làm chủ lễ. Ông sẽ thay mặt cha mẹ đôi bên để căn dặn về cách cư xử sau khi nên vợ nên chồng. Cô dâu Chú rể ngồi bên nhau, vừa nhấp chén rượu cưới vừa để tâm lắng nghe những lời khuyên răn: Vợ chồng bất hòa sẽ bị phê phán, xử phạt.
Tức giận đến mấy, cũng không được cãi nhau trong bữa cơm. Không được xé chiếu xé chăn, đánh nhau gây thương tích. Cấm không được “khóc dai”, không được rủa nhau là “ma lai” vì người H’Mông rất sợ bị nghi là ma lai.
Khúc hát Tình yêu của dân tộc Nùng …
“Ngẫu hứng Tây nguyên” do nhạc sĩ Nguyễn Thế An đàn guitar … Với sắc dân Giê Triêng ở Tây nguyên, con gái đến tuổi lấy chồng được cha mẹ dựng cho cái lều làm nơi hẹn hò. Ưng chàng nào thì cô mời đến. Sau 5 đêm tâm sự mà chàng vẫn chưa ngỏ tình cảm thì phải nộp phạt cho nhà cô gái một con gà và một ché rượu. Thường thì chàng bằng lòng, về thưa với cha mẹ, nhờ người mối đi hỏi. Đến cuối năm, thâu hoạch trồng trọt xong, sẽ làm đám cưới.
Trong lễ hợp cẩn, có nơi, người ta bắt Cô dâu Chú rể đắp chung tấm chăn trên chõng tre để giữa nhà, rồi đánh chiêng tập hợp dân làng đến.
“Duyên thắm” Hạnh Nguyên ca …
Theo phong tục của sắc dân Sán Dìu ở Sơn Dương - Tuyên Quang thì Cô dâu phải khóc than thảm thiết khi từ biệt mẹ cha. Vì thế, cô gái phải tập luyện trước cả tháng, nếu khóc chưa đạt thì các dì phải dạy sao cho khóc thật lâm ly mới được!
“Bài thơ vu qui” qua giọng ca Julie …
Với văn hóa đa sắc, đồng bào thiểu số trên các vùng cao nguyên còn nhiều phong tục lạ nữa, mà chúng ta thì đã hết giờ. Để một dịp khác, Thy Nga sẽ kể tiếp cùng quý thính giả. Trong âm thanh ca khúc “Yêu em dài lâu” Elvis Phương hát, Thy Nga mến gửi đến tất cả những bạn đang sửa soạn ngày vui, lời chúc hạnh phúc đượm nồng trăm năm.
“Yêu em dài lâu” …
Theo dòng câu chuyện:
- Mùa cưới (phần 1)