Mùa cưới (phần 1)
2007.01.14
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Từ cuối Thu, tiết trời se lạnh, là thời điểm người Việt mình chuẩn bị đám cưới cho nên, cuối năm âm lịch còn được gọi là “mùa cưới” ở Việt Nam. Trong không khí nao nức ấy, Thy Nga thân ái gửi đến quý thính giả và các bạn một chương trình đặc biệt về Mùa cưới.
“Bài hát tình yêu” quý vị vừa nghe Ngọc Lan và Đức Huy song ca …
Đời sống xã hội của mỗi dân tộc thường được thể hiện qua những câu tục ngữ, ca dao. Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, đa số dân chúng ở các vùng thôn quê do đó, có rất nhiều câu ca dao về sinh hoạt miền quê, chẳng hạn như về sự tỏ tình của trai gái trên ruộng đồng, nương rẫy.
Chàng trai buông lời
“Cô kia cắt cỏ một mình cho anh cắt với, chung tình làm đôi Cô còn cắt nữa hay thôi Cho anh cắt với, làm đôi vợ chồng”
Cô gái đáp lại
“Anh đà có vợ con chưa mà anh ăn nói, gió đưa ngọt ngào Mẹ già anh ở nơi nao Để em tìm vào hầu hạ thay anh”
Chỉ bốn câu thôi, cô đã hỏi tới tấp: Anh đã có vợ con chưa đấy? Mẹ anh thế nào, nhà ở đâu? Có câu trả lời ngọn ngành thì hãy chuyện trò tiếp nhé.
Qua bài “Tát nước đầu đình” do Y Vân phổ nhạc, và giọng ca Vũ Anh, chàng trai có câu trả lời “xây dựng” như sau:
“… Áo anh sứt chỉ đường tà vợ anh chưa có, mẹ già chửa khâu áo anh sứt chỉ đã lâu mai mượn cô ấy về khâu cho cùng khâu rồi, anh sẽ trả công, đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho: giúp em một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm giúp cho đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo, giúp cho quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.”
A! chàng bạo dạn quá, gì mà có cả “chiếu em nằm, chăn em đắp!” rồi lại những thứ như lễ vật để hỏi cưới ấy.
(theo phong tục cổ truyền Việt Nam thì sính lễ đi hỏi vợ gồm có trầu cau, trà, rượu, xôi, … Nhà gái sẽ thách cưới, thường là thách đôi khuyên tai bằng vàng, chiếc nhẫn, chăn, chiếu và trang phục cho cô dâu, và những thức để làm cỗ cưới. “Cheo” là bữa khao mà chú rể phải tổ chức thì mới được làng xóm bên vợ chấp nhận). Mượn lời ca để nói thẳng vào “vấn đề”, sau đó, chàng thanh niên cầu mong
“Nhờ ơn cô bác giúp lời, chị em giúp của, Ông Trời định đôi.”
Người Việt tin tưởng rằng Ông Trời có tác hợp, hay là Ông Tơ Bà Nguyệt có se duyên thì mới nên vợ chồng.
Yêu cách mấy mà không có duyên nợ với nhau thì cũng không thành. Nhạc bản “Nụ tầm xuân” của Phạm Duy thì nói lên tâm tư của một chàng trai, vì không mạnh dạn tiến tới, mà đành ôm tiếc nuối khi nghe tin người yêu đi lấy chồng.
“Nụ tầm xuân” Vũ Khanh hát với Ý Lan …
Chàng bèn … hẹn kiếp sau. Điều này thì Thy Nga không đồng ý chút nào, tại sao cứ thụ động để rồi không hoàn thành được chuyện gì thì lại hẹn vu vơ đến kiếp sau? nhưng nói đi thì cũng nói lại, là có rất nhiều cuộc tình không trọn câu thề ước vì bị những ngăn trở, như chúng ta đã nghe qua biết bao nhiêu nhạc bản Việt Nam.
“Tà áo cưới” nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng Nam trình bày
“Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng. Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang, Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân …” Chúng ta cũng hiệp lời cầu mong sao cho tất cả những chuyện tình trên cõi đời này đều đi đến kết cuộc đẹp đẽ, nghĩa là làm đám cưới, đưa Nàng về xây tổ ấm, rồi sinh con đẻ cái đầy đàn …
“Vui trong ngày cưới” Ngọc Sơn ca …
Đến đây, chương trình tạm dừng. Kỳ tới, Thy Nga sẽ thuật lại cùng quý thính giả một số tục lệ vui, lạ về cưới xin của đồng bào các sắc tộc trên cao nguyên, và mời quý vị cùng các bạn nghe tiếp những ca khúc mừng mùa cưới.
“Thiên đường tình ái” Như Mai hát …
Theo dòng câu chuyện:
- Mùa cưới (phần 2)
Những bài liên quan
- Bốn mùa theo bước thời gian
- Quan niệm của các thiếu nữ Việt Nam ngày nay khi chọn bạn đời
- Đón Giao thừa Tết dương lịch 2007!
- Theo dấu Ông Già Noel
- Tình ca Nguyễn Văn Đông (phần 2)
- Tình ca Nguyễn Văn Đông (phần 1)
- Roni, “ca sĩ học trò” gốc Việt nơi phương trời Bắc Âu
- Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong và công cuộc giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam với thế giới
- Đón mừng lễ Tạ Ơn