Ngành da giày Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá của EC

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ngành da giày Việt Nam sau hơn một tháng chịu mức thuế chống bán phá giá đầu tiên do Ủy Ban Châu Âu EC áp, đang gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải giảm dây chuyền sản xuất và từ đó bớt công nhân cũng như giảm việc. Những công nhân bị ảnh huởng đang gặp khó khăn do mất nguồn thu nhập hay số lương bị giảm.

ShoeWorkerInvest150.jpg
Ngành da giày Việt Nam sau hơn một tháng chịu mức thuế chống bán phá giá đầu tiên do EC áp, đang gặp nhiều khó khăn. AFP PHOTO

Vụ kiện Việt Nam bán phá giá sản phẩm giày mũ da sang thị truờng châu Âu đã râm ran từ cả năm nay; thế nhưng vào đầu tháng tư vừa qua khi mức khởi điểm thuế chống bán phá giá chính thức đuợc áp dụng, thì tác động của nó bắt đầu rõ nét.

Hầu như các báo trong nước gần đây đều có bài nói về tình hình của ngành da giày. Tình hình chung là đơn hàng giảm nên dây chuyền sản xuất phải giảm hay ngưng. Báo Người Lao Động số ngày 15 tháng 5 vừa qua loan tin là vào cuối tháng tư 100 công nhân Công ty Giày Triều Phú ở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh phải đi tìm việc mới.

Công ty giày An Giang và thời điểm cùng kỳ năm ngoái có đến hơn 1200 công nhân, nay chỉ còn chưa đến 300 ngừoi luân phiên làm việc với mức thu nhập trung bình khỏang 650 ngàn đồng một tháng.

Ông Đoàn Chí Lợi, giám đốc Công ty Giày Trường Lợi ở Sài Gòn cho biết về tình hình sản xuất của công ty ông sau khi EC đánh thuế bán phá giá: "Đơn hàng giảm, họat động chỉ 70% so với công suất."

Doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải giảm việc của công nhân. Có doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ hay làm luân phiên để duy trì nguồn thu dù ít ỏi. Thế nhưng trên bình diện toàn xã hội thì các doanh nghiệp vẫn không thể giải quyết tình trạng thất nghiệp khi xảy ra sự cố như hiện nay. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch hội da giày thành phố cho biết:

“Ngoài tầm tay của doanh nghiệp và hội, chúng tôi sẽ trình vấn đề với bên cơ quan Lao đông Thuơng binh- Xã hội.”

Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp dù không có đơn hàng nhưng cũng phải duy trì trả lương tối thiểu cho công nhân để mong giữ chân họ lại, và chờ cơ hội thuận tiện khi có hàng để làm. Ông Đoàn Chí Lợi nói về điều này: "Công ty không cho ai nghỉ mà phải trả lương tối thiểu. Tuy nhiên có nhiều công nhân tự nghỉ đi tìm việc nơi khác có thu nhập cao hơn."

Trong tình huống hiện nay có nguời nhắc lại câu 'Tái ông thất mã' với ý lạc quan cho rằng ngành giày da phải năng động tìm hướng ra cho chính mình. Ông Diệp Thành Kiệt nói về phương thế đang theo: "Chuyển đổi đi Nga, Nhật."

Ông Nguyễn Đức Thuấn, giám đốc công ty giày Thái Bình thì cho rằng những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi bị EC áp thuế là những doanh nghiệp trong thời gian qua không có đầu tư thỏa đáng để làm giày xuất khẩu. Ông này cho rằng hiện nay tập đoàn bán lẻ Wal- Mart của Mỹ đang đặt mua giày dép của Việt Nam với số lượng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này thì các doanh nghiệp ngành giày da phải liên kết với nhau. Ông Đoàn Chí Lợi cho biết về việc chuyển hướng sang thị truờng Mỹ.

Những người lạc quan cũng chú ý đến tin là Nghị viện Châu Âu, gọi tắt là EP, sẽ đề nghị một cuộc đối thọai với Ủy ban Châu Âu EC hầu tìm giải pháp cho vụ kiện VN bán phá giá giày mũ da sang thị trường EU.