Ngân Hàng Nhà Nước phá giá đồng bạc 1% nhằm ngăn ngừa trình trạng lạm phát

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Mới đây Ngân Hàng Nhà Nước đã quyết định phá giá đồng bạc 1% và đồng thời cho thu mua trong ba tháng một lượng lớn ngoại tệ với mục đích ngăn ngừa lạm phát đang có cơ xuất hiện khi chỉ số tiêu dùng của người dân vượt khỏi 5% trong sáu tháng đầu năm. Mặc Lâm phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện đang là cổ đông của nhiều ngân hàng tại Việt Nam nhằm tìm hiểu thêm về vấn đề thời sự này, mời quý vị theo dõi.

VietnamBanking150b.jpg
Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP PHOTO

Mặc Lâm: Thưa tiến sĩ, mới đây Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã có quyết định cho phá giá đồng bạc l % trong mục đích ngăn ngừa trình trạng lạm phát vì chỉ số tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm đã vượt mức 5%. Tiến sĩ nghĩ sao về quyết định này và ông tin rằng đây là một biện pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam làm sao đấu tranh với lạm phát tăng là một việc thường xuyên họ phải làm.

Bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam cụ thể là việc phá giá thì tôi nghĩ NHNN họ làm tương đối thận trọng và họ để cho thị trường dịch chuyển dần dần. Thật sự cái tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la có thể giảm đi để có lợi cho vấn đề xuất khẩu, để đỡ mất cân đối về cán cân thanh toán.

Mặc Lâm: Tiến sĩ vừa nhắc các nguồn vốn đổ vào Việt Nam làm cho tôi nghĩ đến việc vừa mới đây, NHNN đã tung tiền ra mua hơn 3 tỉ đô la ngoại tệ, tức là hơn 50.000 tỉ đồng Việt Nam.

Đây là biện pháp rút bớt tiền đang lưu hành trên thị trường để tăng dự trữ bắt buộc và giải pháp này xem ra không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam vì theo các chuyên gia tài chính quốc tế thì đồng vốn của ngoại quốc luôn luôn được bỏ ra đầu tư kiếm lợi nhuận ít nhất là 15%, nếu NHNN giữ số vốn này trong kho và chỉ cho vay vào những dự án an toàn thì số lãi xuất sẽ không quá 10% tính ra như vậy phần thiệt hại thấy rõ. Tiến sĩ có chia sẻ gì về vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thực sự như là anh nói thì cũng có cái lý của nó. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mà tiền bên ngoài đổ vào Việt Nam thì cái cách sử dụng hữu hiệu nhất là phải đầu tư có hiệu quả thí dụ cho tư nhân để họ mở rộng việc làm ăn hoặc là xây dựng hạ tầng cơ sở.

Còn nhà nước mua vào thì tôi không tin NHNN họ sẽ dùng cái tiền đó để cho vay lại sinh lời ít hơn. Chỉ có vấn đề là việc sử dụng số tiền ấy như thế nào.

Mặc Lâm: Vài tuần trước chính phủ đã chính thức cho biết là sẽ bán trái phiếu trên thị trường quốc tế hầu thu hút 1 tỷ đô la để cho những công ty quốc doanh vay lại, nhưng thực chất chỉ dưới hình thức vay giúp những công ty này mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN không lấy số tiền 3 tỉ đô la này cho những công ty vừa nói vay mà lại phải chạy loanh quanh tìm nguồn vốn từ trái phiếu?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi cũng đồng ý với anh là nó có hai ba mặt. Mặt thứ nhất là mình bán trái phiếu ra nước ngoài nếu thành công thì nó có điều lợi là buộc chính phủ Việt Nam sẽ phải tiến hành theo những thông lệ của quốc tế tức về mặt thủ tục, về mặt hành chính, quản trị.

Nó sẽ có một điều lợi là các cơ quan tại Việt Nam sẽ phải hoạt động theo cung cách của quốc tế và do đó nó sẽ góp phần cải thiện uy tín của mình.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A về thời gian ông dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.