Chỉ có phân nửa những trường hợp lây nhiễm virút H5N1 được các quốc gia thông báo đến tổ chức Y Tế Thế Giới WHO trong thời gian 2 tuần lễ.
Thời gian này cần được rút ngắn hơn nữa để có thể ngăn chận dịch cúm gia cầm bùng phát. Đó là nhận xét của bác sĩ Shigeru Omi, Giám đốc vùng Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đưa ra tại hội nghị ở Đà Nẵng.

Ông nhấn mạnh là ở nông thôn, cần phải giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân thấy được hiểm họa nghiêm trọng của virút H5N1 và biết cách phải làm gì một khi thấy có gia cầm hay người mắc bệnh.
Hội nghị bộ trưởng APEC về dịch cúm gia cầm nhóm họp tại khu nghỉ mát Furama ở thành phố Đà Nẳng, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu, trong số đó có 30 bộ trưởng nông nghiệp và y tế, đến từ 21 quốc gia thành viên Á Châu, Thái Bình Dương.
Mục tiêu chiến lược của hội nghị là đánh gía tình hình và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong khu vực, đẩy mạnh chương trình hợp tác và phối hợp các hành động chung.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng
Dịp này đại diện các nước tập trung thảo luận đề tài làm thế nào để tăng cường sự hợp tác hữu hiệu giữa các thành viên APEC trong việc chuẩn bị và ngăn chặn dịch cúm gia cầm một khi trận đại dịch có thể bùng phát quy mô.
Việt Nam, được WHO cũng như các thành viên tham gia hội nghị APEC về cúm gia cầm được tổ chức tại Đà Nẵng, ca ngợi là thành công trong việc ngăn chặn H5N1 lây lan.
Tiến sĩ Hans Troedsson thuộc WHO tức tổ chức y tế thế giới nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch ngăn chóng dịch cúm gia cầm, và những kinh nghịêm mà Hà Nội thu thập được cần chia sẽ và phổ biến đến các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Phó Chủ Tịch Ủy ban quốc gia về phòng chống dịch chúm gia cầm, thì Việt Nam cần khỏang 400 triệu đô la để tổ chức việc phòng chống dịch cúm gia cầm và ngăn chặn đại dịch cúm người.