Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, người ta thường cho là quan hệ giữa các nước từng là anh em với nhau phải nồng ấm hơn với những nước khác, đặc biệt là về mậu dịch. Tuy nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc thì không được như vậy, mà còn lâm vào hoàn cảnh đáng báo động. Lê Dân trình bày sự việc như sau.

Căn cứ vào các số liệu thống kê mới công bố, đối chiếu với những số liệu trong những năm qua, nhiều nhà phân tích quốc tế vưa lên tiếng báo động rằng sự mất cân đối trong thương mại Việt-Trung đã đến mức báo động.
Từ năm 1986 là khi Việt Nam áp dụng chủ trương đổi mới và lúc kinh tế Trung Quốc còn đang dò dẫm những bước đầu tiên theo hướng thị trường thì mậu dịch song phương Việt-Trung có thể xem là cân bằng. Nhưng kể từ năm 2001 đến nay thì tình trạng nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày chỉ càng tăng mà chưa thấy dấu hiệu giảm.
Mức độ nhập siêu năm 2006 tương đương trên 176% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc năm ngoái thì mức thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, gần gấp đôi lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn.
Xuất hàng thô, nhập hàng chế biến
Số liệu chính thức cho thấy trong năm ngoái Việt Nam xuất sang Trung Quốc gần 2 tỷ rưỡi đôla, trong khi nhập về từ xứ này 7 tỷ rưỡi đôla. Điều đáng chú ý và có thể thay đổi được là đa số hàng Việt Nam xuất sang Hoa Lục thuộc dạng nguyên liệu thô, như dầu mỏ, quặng khoáng sản, than và nông thủy hải sản. Trong khi đó lại nhập về hàng được Trung Quốc chế biến như sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, chỉ sợi và trang thiết bị kỹ nghệ, có giá trị cao.
Việt Nam có thể tự trang bị và đẩy mạnh đầu tư để sản xuất chế biến các nguyên liệu thô mà mình vẫn xuất sang Trung Quốc để nhập hàng hóa về. Cần phải chấm dứt cảnh xuất khẩu quặng sắt, để rồi nhập khẩu thép ống, thép cuộn. Xuất khẩu cao su để nhập về vỏ ruột xe máy.........
Hiện nay thị trường hàng Trung Quốc có giả rẻ, đã đáp ứng được nhu cầu, nhất là tầng lớp lao động của người Việt Nam thì có thể sử dụng được hết. Nhưng mình cũng rất là lo vì nó sẽ cạnh tranh với hàng Việt Nam của mình.
Bên cạnh đó, nếu kể tất cả các loại hình thương mại dịch vụ, như ngân hàng, du lịch, viễn thông, mua điện thì chắc chắn thâm hụt thương mại của Việt Nam còn cao hơn nữa.
Dự đoán cho tình thế đó, nhiều chuyên gia còn đưa ra nhận xét bi quan hơn là vào khi Việt Nam phải chỉnh sửa để phù hợp cung cách thị trường tự do sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Phải giảm thuế các mặt hàng công nghiệp và nông sản. Sắp tới đây còn phải áp dụng Hiệp định Tự do Mậu dịch ASEAN-Trung Quốc, thì tình hình không mấy sáng sủa cho nền thương mại song phương Việt-Trung, nếu không có chính sách đối phó ngay từ bây giờ.
Đó chỉ mới là những số liệu chính thức ở mặt nổi, còn mặt chìm là thương mại ngoài luồng ở dọc đường biên giới thì không ai có thể đưa ra số liệu nào cụ thể. Một thính giả đài Á châu Tự do tại Việt Nam cho biết :
“Tất cả những hàng hóa đó đi qua cửa khẩu là biên giới Việt-Trung. Nó rẻ vì đi đường bộ ở cửa Móng Cái, cửa Bắc Luân...sang bên này. Từ Lạng Sơn nó tỏa về Hà Nội rồi vào tận cùng, tới Cà Mau rất dễ dàng bằng đường bộ.”
Nhận xét về hiện tình này, nhiều người không khỏi tự hỏi vì đâu mà cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc lại mất thăng bằng quá đậm, trong khi cán cân đó giữa Việt Nam với các nước châu Á khác, hay của Trung Quốc với các nước châu Á khác, lại không tệ hại như vậy ?
Cơ cấu chính trị - xã hội
Một số nhà quan sát cho rằng trước tiên do Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu chính trị-xã hội khá tương đồng, lại hầu như đi song hành trên còn đường từ nền kinh tế chỉ huy theo kiểu xã hội chủ nghĩa, sang kinh tế thị trường. Do đó cơ cấu của hai nền kinh tế tương tự như nhau.
Tuy nhiên điểm khác là Trung Quốc đã tiến xa hơn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, và năng lực cạnh tranh của Trung Quốc lại cao hơn Việt Nam. Theo bản sắp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì năm 2005 Trung Quốc xếp thứ 49, còn Việt Nam xếp thứ 81 trên 117 nền kinh tế.
Do tính cạnh tranh cao, tức phẩm chất cao, giá thành rẻ, mà hàng Trung Quốc nhiều năm qua đã thao túng thị trường nội địa Việt Nam khiến nhiều ngành sản xuất trong nước đình đốn. Một nữ doanh nhân cho biết :
"Hiện nay thị trường hàng Trung Quốc có giả rẻ, đã đáp ứng được nhu cầu, nhất là tầng lớp lao động của người Việt Nam thì có thể sử dụng được hết. Nhưng mình cũng rất là lo vì nó sẽ cạnh tranh với hàng Việt Nam của mình." Đã có nhiều cuộc thảo luận, hội thảo được tổ chức tại Việt Nam để nhận định và tìm phương cách sửa chữa tình hình bất lợi về thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Tựu trung có hai luồng ý kiến, một chủ trương tách biệt để khai phá thị trường và sản phẩm khác với Trung Quốc. Thứ nhì là chủ trương được nói tới nhiều hơn, đó là "sống chung với lũ", mà điển hình là một doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng điện tử có hạng ở Hà Nội đã hợp tác với nhà sản xuất điện tử hàng đầu của Trung Quốc, kết hợp với nhập khẩu công nghệ của Hàn Quốc, tạo ra mặt hàng mới cung ứng trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu ra các thị trường xa xôi khác.
Tại sao Việt Nam lại khó tách ra khỏi quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc để phải kéo dài cảnh thiệt thòi ngày càng tăng ? Một người quan tâm sinh sống tại Hà Nội cho biết: "Ðó là một cuộc xâm lược về kinh tế mà chính phủ Việt Nam không đủ sức chống đỡ, hoặc không được phép chống đỡ."
Nhận xét như vậy có vẻ quá đáng, nhưng đối với nhiều người thì việc Việt Nam tìm hướng đi cho nền thương mại của mình, tương tự như Thái Lan, Malaysia đã làm, là đẩy mạnh giao thương với những nền kinh tế lớn khác Trung Quốc, một chuyện hòan toàn khả thi.