An ninh mạng, một vấn đề nóng cần giải quyết trong năm 2007
2007.01.19
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Những báo cáo mới đây của bộ phận an ninh mạng thuộc trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã làm giới kinh doanh có Website riêng lo lắng.
Theo báo cáo này thì sau khi khảo sát 340 trang Web của cơ quan chính phủ và những tổng công ty lớn thì phát hiện được 90 website có lổ hổng kỹ thuật và điều này có nghĩa những sở hữu chủ những Website này hoàn toàn không ý thức được mức nguy hiểm khi bị hacker thâm nhập. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Sau khi thủ tướng chính phủ có quyết định về việc thành lập những đơn vị chống tội phạm trên mạng để có cơ sở nhằm xác định văn bản pháp quy áp dụng vào việc bảo vệ và trừng phạt trong an ninh mạng.
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Đam, thứ trưởng bộ Bưu Chính Viễn Thông, nhận định vấn đề an ninh mạng là vấn đề nóng cần giải quyết trong năm 2007 và ông cũng cho rằng những hình phạt còn quá thấp hay không đủ tính chất răn đe đối với một số đối tượng tội phạm công nghệ cao.
Sau vụ học sinh Bùi Minh Trí vào website của bộ Giáo Dục và Đào Tạo thay hình bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bằng hình của mình thì giới IT trong nước bắt đầu chú ý đến những mặt yếu kém của việc bảo vệ an ninh mạng tại Việt Nam.
Sự thật bắt đầu hiện rõ hơn sau khi một báo cáo của BKIS tức Trung Tâm An Ninh Mạng Đại Học Bách Khoa cho biết gần 30% số Website của Việt Nam trên mạng có lỗi kỹ thuật. Báo cáo này đã làm nhiều công ty, cơ quan chính phủ cũng như những doanh nghiệp cỡ lớn phải bàng hoàng.
Trường đào tạo
Lỗi kỹ thuật cho phép hacker dễ dàng ra vào một trang Web và làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả việc đánh cắp thông tin cá nhân, trộm tiền từ tài khoản ngân hàng hay sửa đổi, đánh tráo những văn bản pháp luật ...
Sự việc này nghiêm trọng hơn người ta tưởng nếu biết thêm rằng hiện nay Việt Nam chưa có một trường đào tạo nào huấn luyện cho sinh viên trở thành chuyên viên an ninh mạng. Tất cả những người có trách nhiệm về việc này tại Việt Nam hiện nay đều tự học và mò mẩm trong thế giới vi tính kể cả việc học trên Internet.
Trong những người thiện chí này phải kể luôn những hacker trẻ tuổi như Bùi Minh Trí, điều kiện học tập không cho phép em đi theo con đường sáng sủa mà phải theo đường vòng tức là con đường tự học.
Những kiến thức chấp vá đã dẫn Trí đến con đường tà đạo mà chính em không hề biết. Chúng tôi hỏi chuyện ông Nguyễn Long, Tổng Thư Ký hội tin học Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và được ông cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Cần phải nâng cao kiến thức
Đành rằng người trẻ thì hiếu động nhưng bổn phận của cấp cao hơn các em là hướng dẫn và có biện pháp ngăn ngừa, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là nâng cấp kiến thức cũng như phần mềm chống hacker hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Tử Quảng, người được báo chí trong nước phong danh hiệu hiệp sĩ an ninh bảo vệ mạng tại Việt Nam, trong một cuộc trả lời trực tuyến cho biết, đại đa số những phần mềm xây dựng trang Web bị hacker tại Việt Nam đều do những công ty phần mềm trong nước sản xuất. Vậy là một tấm màn mới được vén lên.
Sự việc này trả lời cho nhiều ý kiến cho rằng hacker Việt Nam là những tài năng cần được bồi dưỡng và đào tạo! Thật ra khi lập trình một phần mềm xây dựng trang web một yếu tố không thể xem thường là viết Code cho phần bảo mật.
Lập trình viên không chú tâm vào yếu tố này sẽ gây nên những lỗ hổng lớn cho chương trình. Một yếu tố khác là người thiết kế trang Web cho một doanh nghiệp nào đó đã xử dụng một phần mềm sao chép lại từ bản gốc do đó phần bảo mật không thể thực hiện được.
Việt Nam là một trong mười nước có tình trạng thư rác cao nhất thế giới vì hai yếu tố: Thứ nhất lạc hậu về an ninh mạng, thứ hai những quy định luật pháp về vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Ngành công nghệ e-commerce, tức thương mại điện tử, còn non trẻ của Việt Nam đang thật sự bị đe dọa vì những điều vừa nói. Rồi đây khi hội nhập cùng thế giới thông qua WTO Việt Nam sẽ phải thành lập rất nhiều Website thông tin kinh tế để quảng bá hình ảnh cũng như liên kết làm ăn, mua bán trên mạng, và điều gì sẽ xảy ra khi tình trạng an ninh mạng chưa bảo đảm?
Những bài liên quan
- Tổ chức RSF gửi thư ngỏ yêu cầu Việt Nam ân xá nhà báo Nguyễn Vũ Bình
- Việt Nam sẽ kiểm soát các trang blog trong nước
- PROXY, giải pháp vượt tường lửa
- Nhiều tiệm internet bị mất khách vì các quy định của nhà nước
- Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Internet
- Phản ứng của người dân về việc nhà nước tăng cường quản lý thẻ sim điện thoại
- Nhìn lại một năm hoạt động của ngành tin học Việt Nam
- Hacker ra tay phá hoại vào dịp đầu Năm mới Dương lịch
- Việt Nam tăng cường kiểm soát SIM điện thoại di động