Chế độ Dân chủ (II)

Đỗ Quý Toàn - Nguyễn An

Chế độ Dân chủ vừa là ước mơ, vừa là lý tưởng của nhân loại. Làn sóng dân chủ kể từ khi xuất hiện trong lịch sử đã ngày càng lan rộng, và nhiều nhà nghiên cứu đã đồng hoá quá trình dân chủ hoá với đà tiến của thế giới. Nhưng dân chủ cũng bao gồm trong nó nhiều ý kiến khác nhau từ định nghĩa cho đến cách thể hiện.

democracyVote150.jpg
Quyền tự do bầu cử là điều kiện tối thiểu để gọi là có chế độ dân chủ. AFP PHOTO

Để tìm hiểu những ý niệm căn bản của dân chủ nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dân chủ cho Việt Nam nói riêng, ban Việt ngữ đài Á châu tự do thực hiện nhiều loạt bài ghi lại các cụôc trao đổi và thảo luận với những chuyên gia từ lâu quan tâm đến dân chủ.

Loạt bài mở đầu xin đựơc dành cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt phát hành tại California, Hoa Kỳ. Kỳ này, ông Toàn trình bày về ý nghĩa của dân chủ, qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ, mời quý vị theo dõi.

Ý nghĩa của dân chủ

Theo nghĩa tiếng Hán Việt, Dân Chủ nghĩa là người dân làm chủ vận mệnh của đất nước. Nhưng trong một quốc gia thì từ ông chủ tịch nước đến bà bán chè ở đầu đường, ai cũng là một người dân cả. Một nước có 80 triệu người, ai cũng làm chủ, thì ai là người quyết định việc chung, và làm sao quyết định được?

Đặt câu hỏi như vậy thì chúng ta thấy ngay: Muốn thể hiện tinh thần dân chủ cần phải đặt ra những thể thức để mọi người cùng tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng chung; áp dụng các thể thức đó thì mọi người dân có thể đóng vai chủ nhân của đất nước. Do đó có thể nói chế độ Dân Chủ chính là những thủ tục sống chung của nhân dân một nước; cốt cho mọi người cùng được tham dự vào những quyết định chung. Nếu có những thủ tục sống chung dân chủ thì mọi người được tôn trọng như nhau; lúc đó phẩm giá của mỗi người đều được kính trọng.

Những thể thức quyết định chung đặt ra như vậy thường được gọi là "luật chơi dân chủ," giống như khi chúng ta chơi các môn thể thao thì có luật đá bóng, luật đánh vật, vân vân. Những luật chơi dân chủ trước hết quy định những ai có quyền quyết định thay mặt cho tất cả mọi người.

Chế độ Dân Chủ chính là những thủ tục sống chung của nhân dân một nước; cốt cho mọi người cùng được tham dự vào những quyết định chung. Nếu có những thủ tục sống chung dân chủ thì mọi người được tôn trọng như nhau; lúc đó phẩm giá của mỗi người đều được kính trọng.

Luật chơi cũng phải ấn định những người đó được tuyển chọn theo thể thức như thế nào; và cho biết khi họ được ủy nhiệm nắm quyền rồi thì cách quyết định của họ phải tuân theo những luật lệ, thể thức ra sao. Các luật chơi dân chủ như vậy thường ghi trong hiến pháp và luật pháp của một nước. Những thứ luật lệ đó phải do đại diện của toàn dân quyết định mới thể hiện đúng tinh thần dân chủ.

Ngoài ra, còn những tập tục không ghi trên giấy nhưng mọi người đã đồng ý với nhau từ lâu nên mặc nhiên được tôn trọng. Thí dụ trong lúc chơi đá bóng chúng ta nên nhã nhặn đối với nhau, nếu thấy một đối thủ vấp ngã mình nên đưa tay kéo đứng dậy, mặc dù luật lệ không bắt buộc phải làm như thế. Cũng giống như vậy, trong các cuộc tranh cử, các đối thủ tránh không nói tới đời tư của nhau nếu không ảnh hưởng tới việc nước.

Mọi người đều bình đẳng

Tinh thần dân chủ dựa trên một quy tắc là ngay từ khi sinh ra mọi người đều bình đẳng, như đã ghi trong những bản Tuyên ngôn Độc lập và lời mở đầu của nhiều bản hiến pháp trên thế giới. Ngay khi chúng ta mới lớn lên thì ai cũng thấy trong xã hội mọi người không bình đẳng. Bao giờ cũng có một chính phủ đang đóng vai quyết định thay mặt cho tất cả mọi người rồi. Nhiều khi, trong các chế độ quân chủ cổ truyền, người dân không bao giờ thắc mắc tại sao có cái guồng máy đó, tại sao một người nào đó lại đóng vai ông vua.

Thế rồi ông vua tuyển chọn các quan cai trị dân ra sao cũng là quyền tự nhiên của ông ấy; tất cả đã theo một tập tục có sẵn từ lâu đời cho nên dân chúng cứ thế chấp nhận. Cho đến khi nhiều người thấy không thể chấp nhận được, họ đòi thay đổi, đặt các thủ tục mới để dân chúng được chọn lấy những người cầm quyền, và làm sao bảo đảm cho dân được tham dự vào các quyết định chung quan trọng. Đó là lúc có những cuộc cách mạng đòi tự do, dân chủ.

Thường khi dân chúng làm cách mạng xong thì điều họ quan tâm trước hết là ấn định ra cách tuyển chọn những người cầm quyền, từ trên xuống dưới. Vì vậy các hiến pháp dân chủ đầu tiên thường đặt ra những thể thức tuyển cử quốc hội, hoặc tổng thống, thủ tướng, vân vân. Cũng phải ấn định việc tổ chức bầu cử theo kỳ hạn định sẵn, 4 năm, 5 năm, để người dân có thể thay thế người cai trị họ nếu cần.

Tiếp theo, người dân cũng lo lắng làm sao kiểm soát được hành động của những người được bầu lên mà không phải chờ đến ngày bầu cử. Vì vậy, các hiến pháp dân chủ cũng ấn định ngay thế cân bằng giữa nhiều cơ quan, nhiều định chế trong guồng máy chính quyền, để kiểm soát lẫn nhau và không cho một người hay một nhóm nào có thể lạm quyền.

Quyền bầu cử

Một trong các thể thức phổ thông nhất là phân chia ra các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Đến đây thì chúng ta đã có một hình thức tối thiểu để gọi là dân chủ rồi, đó là Dân Chủ với quyền bầu cử. Đó là bước đầu tối thiểu phải đạt được. Chỉ gọi là có dân chủ khi người dân được đi bỏ phiếu theo lịch trình định kỳ đều đặn.

Hình thức tối thiểu để gọi là dân chủ là quyền bầu cử. Đó là bước đầu tối thiểu phải đạt được. Chỉ gọi là có dân chủ khi người dân được đi bỏ phiếu theo lịch trình định kỳ đều đặn.

Khi nào một chính phủ nói rằng họ phải hoãn cuộc bầu cử trong thời gian ba năm, năm năm nữa, người dân sẽ lo lắng là có ý định vi phạm quy tắc dân chủ. Tuyển cử phải diễn ra trong tự do thì mới gọi là dân chủ. Nhiều chế độ tuy tự nhận là dân chủ nhưng lại hạn chế quyền bỏ phiếu cũng như giới hạn số người được ứng cử.

Ngay ở mảnh đất thí nghiệm chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử là thành phố Athen bên Hy Lạp, tuy gọi đó là một chế độ dân chủ nhưng quyền bỏ phiếu bị giới hạn trong một số công dân mà thôi, nhiều người không được quyền ứng cử, bầu cử, những người nô lệ thì chắc chắn bị gạt ra ngoài, trong đó chúng ta biết có rất nhiều nhà minh triết, nhiều khoa học gia.

Cuộc tranh cử có ganh đua thật sự

Cho nên, các cuộc bầu cử dân chủ thì phải tự do; và cũng phải công bằng, tức là mọi ứng cử viên và mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau. Nhưng, việc lựa chọn bằng lá phiếu chỉ có ý nghĩa khi người dân có nhiều thứ, nhiều người, để lựa chọn. Chứ nếu bảo rằng "anh có quyền chọn ăn bất cứ món gì nhưng trong nhà chỉ có khoai thôi" thì chán chết!

Cho nên một chế độ chỉ thật sự dân chủ khi các cuộc tranh cử có ganh đua thật sự. Nghĩa là không thể chấp nhận chỉ có một đảng đưa người ra tranh cử; không để cho một nhóm người nào độc quyền chọn trước các ứng cử viên rồi người dân chỉ được bỏ phiếu chọn trong danh sách đó mà thôi.

Nhưng quyền lựa chọn tự do của người dân không thể thu hẹp trong việc chọn giữa các ứng cử viên hoặc liên danh nhiều ứng cử viên. Nếu có hai, ba ứng cử viên giành nhau một chức vụ, nhưng vị nào khi đắc cử cũng sẽ thực hiện những chính sách đại khái giống nhau thì việc lựa chọn của người dân là một trò biểu diễn không có ý nghĩa.

Việc lựa chọn chỉ có ý nghĩa nếu người dân được chọn các chính sách, các chương trình khác nhau một cách cụ thể. Nhiều khi các chính sách hoặc chương trình trị quốc đó được giới thiệu như nằm trong một chủ nghĩa, một khuynh hướng riêng. Thí dụ, có đảng theo chủ nghĩa xã hội, có đảng theo chủ nghĩa dân tộc, có đảng được coi là khuynh hướng bảo thủ, có đảng thì cấp tiến.

Người dân chọn lựa

Tuy nhiên, người dân đã có kinh nghiệm thì không tin tưởng lắm vào các nhãn hiệu; các thứ nhãn hiệu đó không quan trọng bằng các kế sách, các chương trình để giải quyết các vấn đề cụ thể của đất nước. Thường thì trong một cuộc bầu cử dân chúng không thể chọn một triết lý chính trị hay quan điểm xã hội được, chúng trừu tượng quá.

Một chế độ chỉ thật sự dân chủ khi các cuộc tranh cử có ganh đua thật sự. Nghĩa là không thể chấp nhận chỉ có một đảng đưa người ra tranh cử; không để cho một nhóm người nào độc quyền chọn trước các ứng cử viên rồi người dân chỉ được bỏ phiếu chọn trong danh sách đó mà thôi.

Người ta sẽ chọn lựa dễ dàng hơn nếu các ứng cử viên trình bầy giải pháp cho các vấn đề cụ thể. Nghĩa là các ứng cử viên không thể chỉ nói họ muốn đạt được những cái gì, mà còn phải nói rõ hơn rằng họ sẽ làm như thế nào. Người dân đã trưởng thành thì không tin tưởng ở những khẩu hiệu mà không kèm theo các kế sách cụ thể.

Thí dụ như trong cuộc bầu cử Hạ viện của quốc hội Nhật Bản vào năm 2005, ông thủ tướng Koizumi vận động cử tri bằng cách đặt câu hỏi họ có tín nhiệm ông tiếp tục cầm quyền để thi hành việc tư nhân hóa một phần ngành Bưu điện hay không.

Người dân Nhật Bản đủ thông minh để hiểu rằng việc tách các quỹ tiết kiệm và ngành bảo hiểm ra khỏi Bưu điện nằm trong chính sách cải tổ cả hệ thống tài chánh nước Nhật, nếu không thì kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục bị trì trệ. Vì thế đa số ủng hộ ông Koizumi.

Tóm lại thì quyền tự do bầu cử là điều kiện tối thiểu để gọi là có chế độ dân chủ. Trong việc thi hành quyền chính trị tối thiểu đó, chúng ta thường tôn trọng nguyên tắc đa số, tức là khi nào đa số chọn một ứng cử viên hay một chính sách nào, những người khác phải tôn trọng, coi đó là quyết định chung.

Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamese@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Việc tuyển chọn bằng cách bỏ phiếu có thể áp dụng nhiều thể thức khác nhau, chúng ta sẽ có dịp bàn trong nhiều lần sau. Tuy nhiên, muốn cho người dân có thể thi hành quyền tự do bầu cử của họ, thì họ phải có những quyền tự do tối thiểu khác, như tự do hội họp, tự do lập hội lập đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, vân vân.

Trong một bài sau chúng ta sẽ thấy các quyền tự do đó nằm trong các thủ tục chung sống dân chủ quan trọng nhất.

Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa nhà báo Đỗ Quý Toàn và biên tập viên Nguyễn An về đề tài, Dân chủ là gì. Đề tài thảo luận kỳ tới sẽ là, Dân chủ và Tự do, mong quý thính giả đón nghe. Xin được nhắc rằng, ý kiến của nhà báo Đỗ Quý Toàn không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Theo dòng thời sự:

- Chế độ Dân chủ (I)