Bắc Hàn muốn gì khi tuyên bố sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân
2006.10.05
Việt Long, phóng viên đài RFA
Hôm thứ ba Bình Nhưỡng lại gây ồn ào trên trường ngoại giao quốc tế khi tuyên bố sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước Triều tiên. Mục đích của Bắc Hàn nhắm vào điều gì, liệu có đạt được lợi ích gì không? Thế giới lượng định và phản ứng ra sao? Việt Long tường trình đề tài này hiến quý vị.
Bình Nhưỡng hôm thứ ba doạ sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân nhưng không nói rõ thời gian hành động. Bắc Hàn quy trách Hoa Kỳ đe dọa cấm vận và tấn công họ bằng chiến tranh hạt nhân nên cũng phải tìm cách tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Phản ứng mạnh mẽ
Các nước láng giềng châu Á của xứ Cộng sản sau cùng trên thế giới lập tức có phản ứng mạnh về mặt ngoại giao. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án hành động của Bắc Hàn là không thể chấp nhận được, trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố đây là hành động không thể dung thứ, và Nhật sẽ kêu gọi cộng đồng thế giới có biện pháp mạnh với Bình Nhưỡng.
Liên Bang Nga lên tiếng kêu gọi Bắc Hàn tự kềm chế, trong khi Việt Nam cũng kêu gọi các bên tự kềm chế, và thúc đẩy các nước liên quan tái nhóm hội nghị bàn về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn. 6 nước liên quan gồm có Nam Bắc Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Bang Nga và Hoa Kỳ.
Indonesia tuyên bố việc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn là điều không thể chấp nhận được. Xa xôi như Pakistan cũng ngỏ ý quan ngại sâu xa, kêu gọi Bắc Hàn tự chế.
Phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ trả lời là tin tình báo cho thấy khả năng hạt nhân của Bắc Hàn không thay đổi, nhưng việc làm của người ta thường khác với lời nói, nên căn cứ vào lời tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng thì hành động thử nghiệm đó là một sự khiêu khích không có ích lợi gì cho họ và nhân dân Bắc Hàn, chỉ khiến họ bị cô lập thêm.
Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn hôm thứ tư đều loan báo sẽ họp thượng đỉnh tay đôi riêng rẽ vào tuần tới như đã dự trù, nhưng nghị trình sẽ có thêm việc bàn thảo về kế hoạch ngoại giao để đối phó với hành động mới của Bắc Hàn.
Nhưng giữa không khí ồn ào như vậy, giới truyền thông quốc tế vẫn đặt câu hỏi liệu Bắc Hàn có thực sự đủ khả năng chế tạo và thí nghiệm một vụ nổ hạt nhân hay không, và Hoa Kỳ không xác nhận khả năng đó, như cuộc họp báo tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ ba cho thấy. Câu hỏi được đặt ra là tin tức tình báo của Mỹ có xác nhận Bắc Hàn có khả năng làm vũ khí hạt nhân hay chưa.
Một sự khiêu khích
Phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ trả lời là tin tình báo cho thấy khả năng hạt nhân của Bắc Hàn không thay đổi, nhưng việc làm của người ta thường khác với lời nói, nên căn cứ vào lời tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng thì hành động thử nghiệm đó là một sự khiêu khích không có ích lợi gì cho họ và nhân dân Bắc Hàn, chỉ khiến họ bị cô lập thêm.
Được hỏi gặng thêm là tin tình báo có cho biết Bắc Hàn sắp thử nghiệm hạt nhân thật không, người phát ngôn nói không muốn bình luận về tin tình báo, nhưng lập trường của Hoa Kỳ thì chỉ căn cứ vào lời tuyên bố chính thức của Bắc Hàn.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tại thủ đô Cairo của Ai cập hôm thứ tư cũng lên án hành động của Bình Nhưỡng là một sự khiêu khích.
Bà nói chắc chắn Hoa Kỳ còn phải cân nhắc sẽ hành động ra sao, nhưng bà nhấn mạnh rằng việc thử nghiệm hạt nhân là một hành vi mang tính cách khiêu khích nặng nề.
Giới phân tích quốc tế cho rằng Bắc Hàn có thể có đủ nguyên liệu tách hạt để chế tạo từ 6 đến 8 trái bom hạt nhân, nhưng không có khả năng kỹ thuật để chế tạo một trái bom có thể được phóng đi bằng phi đạn. Một số chuyên gia còn tỏ ý nghi ngờ về khả năng chế bom hạt nhân của Bình Nhưỡng, tuy đồng ý là xứ này có nguyên liệu cao cấp cho vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng bộ thống nhất Nam Hàn Lee Jong-Seok cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Hàn sẽ thử nghiệm như đã loan báo, nhưng nói thêm là việc thử nghiệm rất có thể xảy ra nếu như nỗ lực tái nhóm hoà đàm sáu nước về vấn đề hạt nhân ở Bắc Hàn bị thất bại. Nam Hàn cũng tỏ ý quan ngại là hành động của Bắc Hàn sẽ khiến Nhật Bản tìm cách thủ đắc vũ khí hạt nhân, gây nên cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm ở châu Á.
Một chiến thuật
Sự hăm doạ của Bắc Hàn về việc chế tạo vũ khí hạt nhân hay đã có vũ khí hạt nhân không phải là điều mới mẻ gì. Nhưng điều đặc biệt trong chiến thuật của Bắc Hàn là trong khi nhiều nước khác chối bỏ việc thủ đắc vũ khí hạt nhân thì họ khăng khăng xác quyết đã có loại vũ khí này, và đem nó ra đe doạ khi muốn đòi hỏi quốc tế phải có biện pháp kinh tế và ngoại giao thuận lợi cho mình, vì tin chắc là Hoa Kỳ hay Nhật Bản không dám tấn công quân sự trong tình hình quốc tế hiện nay.
Bắc Hàn luôn luôn đòi viện trợ kinh tế và năng lượng, như điều kiện để trở lại bàn hội đàm sáu bên ở Bắc Kinh. Cứ khi nào bị thúc bách phải hoà đàm mà muốn đưa điều kiện tiên quyết về kinh tế và kỹ thuật, thì Bình Nhưỡng lại hăm he thử nghiệm hoả tiễn để quan điểm của mình được chú ý tới, và mới đây đã phóng thật.
Phóng xong lại doạ phóng nữa, để quốc tế lại phải ồn ào lên tiếng, vừa đe doạ vừa dỗ dành. Nay thì Bắc Hàn đã ngưng phóng thử hoả tiễn, rồi sau một thời gian không được đáp ứng những điều kiện về hoà đàm, thì lại doạ già thêm bằng đòn nổ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, để làm lớn chuyện rằng Hoa Kỳ đã hăm doạ trừng phạt kinh tế, nói thêm là Mỹ muốn tấn công Bắc Hàn bằng vũ khí hạt nhân, mục đích chỉ để đòi Mỹ phải bỏ trừng phạt kinh tế và phải viện trợ kỹ thuật.
Thái độ của Bắc Hàn là đang chờ xem có được đáp ứng thuận lợi về kinh tế và kỹ thuật hay không, trong khi các nước châu Á trong hội nghị 6 bên phải lo sợ vì khả năng hạt nhân của Bắc Hàn, thúc giục Hoa Kỳ mau chóng trở lại hoà đàm với những điều kiện do Bắc Hàn đòi hỏi. Chiến thuật này có vẻ như đang hiệu nghiệm.
Tại phiên họp Hội đồng Bảo An hôm thứ tư, các nước hội viên có vẻ không đồng ý kiến về phản ứng chung đối vói Bắc Hàn. Hoa Kỳ muốn có lời tuyên bố chung hay một hành động mạnh mẽ, trong khi Trung Quốc cho biết là các nước hội viên đều đồng ý rằng hội nghị 6 bên là con đường thuận lợi nhất để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên Trung Quốc không quên nhấn mạnh là tất cả hội viên Hội đồng Bảo An đều không bênh vực hay bảo vệ cho hành động nghiêm trọng của Bắc Hàn. Hiển nhiên Trung Quốc muốn biện minh cho mình và Liên Bang Nga.
Nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa tỏ ra có đáp ứng thuận lợi, và dư luận đang chờ xem xứ cộng sản này tung ra đòn gì mới, nếu không làm được một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Những bài liên quan
- Bắc Hàn doạ sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân
- Trung Quốc bác bỏ tin lãnh tụ Bắc Hàn sang Bắc Kinh
- Bắc Hàn đang dự tính nổ thử nghiệm hạt nhân dưới mặt đất?
- Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh thảo luận về vấn đề Bắc Hàn
- Hoa Kỳ cảnh báo trước tin Bắc Hàn chuẩn bị thử bom nguyên tử
- Việt Nam cộng tác với Hoa Kỳ đóng tài khoản Bắc Triều Tiên
- Hệ thống đường sắt và đường bộ Bắc Hàn bị hư hại nặng vì lũ lụt
- Hoa Kỳ và Nga bàn thảo về hiểm hoạ hạt nhân từ Bắc Hàn
- Bắc Hàn đe dọa trả đũa việc Hoa Kỳ cô lập tài chính