Việt Nam mong đợi gì ở Tân Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak ?


2007.08.17

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hôm nay ông Michael Michalak đặt chân đến Hà Nội, bắt đầu vai trò của vị đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Dù là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Châu Á, ông Michalak vẫn phải nhìn nhận trách nhiệm ông được chính phủ giao phó là một trách nhiệm đầy khó khăn và rất tế nhị.

PhamHongSon150.jpg
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn. file photo.

Chúng ta có thể mong đợi gì ở ông Tân Ðại Sứ Mỹ? Liệu người đại diện cho Washington ở Hà Nội có đưa ra sáng kiến nào mới để thúc đẩy cải tổ chính trị hay không? Ðó là một phần trong những câu hỏi Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với vị khách mời trong tuần.

Khách mời là Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà dân chủ được thế giới ca ngợi. Năm nay 39 tuổi, Bác Sĩ Sơn là người dịch bài viết được Bộ Ngoại Giao Mỹ phổ biến toàn cầu mang nhan đề “Thế Nào Là Dân Chủ”, và là tác giả bài viết “Những Tín Hiệu Ðáng Mừng Cho Dân Chủ ở Việt Nam” gửi ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, nhân một bài phát biểu của ông Mạnh hứa hẹn với nhân dân về dân chủ.

Tháng Ba năm 2002, ông bị bắt và nhà nước đã cáo buộc ông tội danh gián điệp, kết án ông 13 năm tù, sau đó giảm xuống còn 5 năm cộng với 3 năm quản chế.

Trong thời gian ông còn đang bị giam cầm, Tổ Chức Các Nhà Báo Không Biên Giới đã chọn ông để trao giải thưởng năm 2005, vì những nỗ lực, qua công việc làm cũng như thái độ, lập trường, và quyết tâm mạnh mẽ của ông đối với quyền tự do ngôn luận. Ông mới được trả tự do hồi năm ngoái và hiện đang sống với gia đình ở Hà Nội.

Như thường lệ cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và chúng tôi xin gửi đến quý vị trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Mong đợi

Với cương vị là một công dân của Việt Nam và hiện nay đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở đối với đất nước Việt Nam nói chung, thì tôi nghĩ là với vị tân đại sứ Hoa Kỳ, theo truyền thống, tôi luôn luôn trông đợi ở một số điểm sau đây. Thứ nhất, tôi mong muốn với tư cách là đại diện của đất nước Hoa Kỳ tại Việt Nam, vị đại sứ sẽ tiếp tục duy trì những thúc đẩy để quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt hơn.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, cám ơn Bác Sĩ đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi và xin phép được đi ngay vào vấn đề. Bác Sĩ mong đợi gì ở ông Tân Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Với cương vị là một công dân của Việt Nam và hiện nay đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở đối với đất nước Việt Nam nói chung, thì tôi nghĩ là với vị tân đại sứ Hoa Kỳ, theo truyền thống, tôi luôn luôn trông đợi ở một số điểm sau đây.

Thứ nhất, tôi mong muốn với tư cách là đại diện của đất nước Hoa Kỳ tại Việt Nam, vị đại sứ sẽ tiếp tục duy trì những thúc đẩy để quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt hơn.

Ðiểm thứ hai tôi trông đợi là mặc dù hiện nay hai Chính Phủ Hoa Kỳ-Việt Nam còn một số những bất đồng, đặc biệt là bất đồng về vấn đề nhân quyền và một số vấn đề khác, nhưng tôi mong muốn là vị đại sứ vẫn tiếp tục thúc đẩy để viện trợ nhân đạo từ Hoa Kỳ đến với Việt Nam được nhiều hơn và được hiệu quả hơn, nhất là viện trợ nhân đạo trong lãnh vực phòng chống bệnh tật như bệnh AIDS, bệnh sốt rét, viện trọ nhân đạo giúp đỡ cho những người tàn tật và viện trợ nhân đạo trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm môi trường và những vấn đề khác.

Ðặc biệt tôi có nghe một vài thông tin là ông tân đại sứ có nói rằng ông sẽ cố gắng thúc đẩy để tăng cường hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và ông sẽ thúc đẩy để số lượng học sinh Việt Nam sang du học bên Mỹ tăng lên gấp đôi, thì tôi thấy đó là một tin mừng và cảm thấy thật vui. Ðó cũng là tín hiệu mà tôi tin tưởng những mong muốn vừa rồi của tôi cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy lên một tầng cao mới.

Ðiểm thứ ba mà tôi trông đợi ở vị tân đại sứ Hoa Kỳ là với tư cách đại sứ đến từ một đất nước, một quốc gia hàng đầu về kinh tế, chính trị, và là một quốc gia có nền chính trị mà tôi coi là hiện đại và hiệu quả nhất thế giới hiện nay, thì vị tân đại sứ cũng sẽ mở rộng lãnh vực quan hệ giữa hai quốc gia.

Mặc dù vị tân đại sứ, theo tôi biết, ông có rất nhiều kinh nghiệm về kinh tế, thương mại, nhưng tôi mong muốn trong nhiệm kỳ của ông, ông sẽ có những hoạt động mở rộng sang những lãnh vực hợp tác khác, thúc đẩy hợp tác về mặt xã hội và chính trị.

Về mặt xã hội, tôi mong muốn làm sao có những hợp tác để thúc đẩy Việt Nam có những đoàn thể của nhân dân được mở ra và hoạt động độc lập, giống như hội đoàn ở các nước dân chủ như ở Mỹ, như hội đoàn của các luật sư, hội đoàn của nhà báo, hội đoàn văn học nghệ thuật hay nói chính xác là hội đoàn của những nhà văn, của những người viết có được tiếng nói độc lập và có quyền tự do.

Về mặt chính trị thì tôi mong muốn vị tân đại sứ sẽ có những thúc đẩy hơn nữa để có những trao đổi, học hỏi, để tăng cường cho hệ thống chính trị ở Việt Nam. Tức là tôi mong muốn làm sao Việt Nam có một chính quyền minh bạch và hiệu quả, để trước hết, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ đem lại những thành quả tốt hơn cho nhân dân Việt Nam hiện nay.

MichaelMichalakBsQuan200.jpg
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân mở đầu buổi gặp gỡ giữa tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Michalak với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hôm 10-8-2007. RFA PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Một điểm nữa mà tôi nghĩ là với tư cách đại sứ Hoa Kỳ, thì theo thông lệ, các vị đại sứ thường có mối quan hệ, có những tiếp xúc với chinh giới Việt Nam, hay nói rõ hơn là có tiếp xúc nhiều với các vị quan chức trong chính quyền tại Việt Nam.

Mong muốn của tôi là trong nhiệm kỳ ông đại sứ mới sẽ có những tiếp xúc với nhân dân, nói chung, và tiếp xúc với những nhóm lợi ích trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nói riêng, những tiếp xúc đó sẽ được mở rộng hơn.

Ngoài tiếp xúc với các quan chức, với chính giới, với hệ thống chính quyền, tôi hy vọng vị tân đại sứ sẽ mở rộng nhiều hơn qua những tiếp xúc với dân chúng. Ðó là những điểm mà tôi nghĩ rằng cơ bản nhất mà tôi trông đợi và mong muốn ở vị tân đại sứ Mỹ.

Nguyễn Khanh: Bác Sĩ cũng rõ cả hai Chính Phủ Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều nhìn nhận vẫn còn nhiều điểm bất đồng về mặt chính trị, cũng là một điều mà Bác Sĩ hy vọng vị tân đại sứ Mỹ sẽ thúc đẩy được bên phía Việt Nam.

Chẳng hạn như vấn đề nhân quyền, điều này đã được cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt nói đến, đã được đặt ra để thảo luận trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh hồi tháng Sáu vừa rồi. Bác Sĩ có kỳ vọng một bước đột phá nào đó trong nhiệm kỳ của ông tân đại sứ Mỹ hay không?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Gọi là một kỳ vọng đột phá thì tôi không nghĩ là nên dùng chữ đột phá, vì chữ này chưa mô tả được thực chất, diễn tiến của cả tiến trình vận động. Nhưng tôi hy vọng sẽ có những diễn tiến tích cực hơn. Chữ đột phá có thể đánh giá theo nhiều góc cạnh, với người này thì đột phá nhưng với người kia thì lại chưa chắc đột phá, những tôi hy vọng sẽ có những tiến triền tích cực hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Như anh vừa mới nói đến là hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Hoa Kỳ đều đề cập đến vấn đề nhân quyền, nhưng theo tôi nghĩ thì nhà lãnh đạo Việt Nam dường như tìm cách lảng tránh vấn đề đó. Vì nếu thực sự đề cập về vấn đề nhân quyền Việt Nam thì chúng ta phải đứng trên quan điểm là những tiêu chí thế nào là nhân quyền, và thực tế nhân quyền Việt Nam như thế nào, và nhà lãnh đạo Việt Nam đã không đề cập hai góc độ đó.

Cựu đại sứ Michael Marine

Nhưng mà tôi có thể một cách ngắn gọn là ông Ðại Sứ Marine vừa mãn nhiệm là một vị Ðại Sứ rất mẫn cán trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời ông cũng là người rất quan tâm đến lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ông là người đã thúc đẩy rất nhiều để quan hệ giữa hai nước được nâng lần tầm cao sâu sắc hơn, và thể hiện nhất là chuyến thăm cấp cao vừa qua của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ.

Nguyễn Khanh: Bác Sĩ đã gặp ông cựu đại sứ Michael Marine. Bác Sĩ có thể đưa ra một nhận xét riêng về ông Cựu Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam được không? Ông Marine đã làm được những gì và những gì ông tân đại sứ phải nối tiếp?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Thực ra để đáng giá ông Cựu Ðại Sứ thì cũng rất khó, bởi vì tiếp xúc giữa tôi với ông Marine cũng rất giới hạn, và ngay cả những thông tin mà tôi có được về công việc của ông Cựu Ðại Sứ ở Việt Nam cũng không đầy đủ.

Nhưng mà tôi có thể một cách ngắn gọn là ông Ðại Sứ Marine vừa mãn nhiệm là một vị Ðại Sứ rất mẫn cán trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời ông cũng là người rất quan tâm đến lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ông là người đã thúc đẩy rất nhiều để quan hệ giữa hai nước được nâng lần tầm cao sâu sắc hơn, và thể hiện nhất là chuyến thăm cấp cao vừa qua của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh là cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng ông đại sứ Michael Marine không chỉ là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, mà đã trở thành một người bạn của nhân dân Việt Nam.

Còn về câu hỏi những gì ông đại sứ mới phải nối tiếp thì với những gì tôi biết được, ông tân đại sứ mới có lịch trình, mục tiêu mà ông có thể đặt ra và tôi nghĩ đó là tiếp nối những gì chúng ta đang trông đợi.

Những chia sẻ

Nguyễn Khanh: Theo chỗ chúng tôi hiểu thì một trong những việc ông tân đại sứ sẽ làm là tiếp tục chương trình tiếp xúc với những nhà dân chủ đang có mặt ở Việt Nam, trong đó có cả Bác Sĩ. Muốn xin được hỏi là, giả sử, tuần sau Bác Sĩ có dịp ông Ðại Sứ Michael Michalak, Bác Sĩ sẽ nói gì với ông tân đại sứ?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Nếu hân hạnh được gặp ông tân đại sứ Michael Michalak ngay trong tuần sau thì điều đầu tiên tôi nói là rất vui mừng chào đón ông tới nước Việt Nam, và điều thứ hai tôi sẽ nói là mong rằng công việc của ông ở đây sẽ đạt nhiều thành công.

Nguyễn Khanh: Và Bác Sĩ có dự tính trình bày, chia sẻ với ông Ðại Sứ Michalak về hướng đi, về hướng đổi mới chính trị, những suy nghĩ về đổi mới chính trị mà Bác Sĩ đã nghĩ đến và đang ấp ủ không?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi thì để chia sẽ được những mong muốn của mình thì không thể chỉ qua một cuộc tiếp xúc, nhưng qua 4 điểm mà tôi đã trình bày với anh ở phần đầu của buổi nói chuyện này, đó là những điều mà tôi nghĩ là có những thông tin cơ bản nhất, và nếu ông tân đại sứ muốn hiểu thêm những nguyện vọng của bản thân cá nhân tôi cũng như là của nhân dân Việt Nam nói chung, thì tôi nghĩ đấy là một trong những nguồn thông tin mà vị tân đại sứ có thể tham khảo được.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối cùng của chúng tôi là nếu được phép yêu cầu ông tân đại sứ một lời hứa, Bác Sĩ mong lời hứa đó là như thế nào?

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Thực ra phong thái của tôi là không bao giờ đặt người khác vào hoàn cảnh là người ta phải hứa với mình, mà tôi chỉ mong được chia sẻ để làm sao cùng hiểu được những mong muốn của cả hai bên, và cùng có những hợp tác tốt hơn cho lợi ích chung.

Còn nếu để nói là muốn ông tân đại sứ hứa một câu gì đó thì thật sự tôi không bao giờ có ý nghĩ đó. Nhưng tôi có suy nghĩ là sẽ chia sẻ một cách chân thành, chính xác về những điều gì tôi thấy là cần thiết đối với công việc của ông đại sứ Mỹ mới ở Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn cho buổi nói chuyện hôm nay. Chúc Bác Sĩ được nhiều may mắn và hy vọng buổi gặp gỡ sẽ sớm đến giữa Bác Sĩ và ông Tân Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng, xin cám ơn anh Nguyễn Khanh. Xin cám ơn quý vị thinh giả nghe đài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.