Việt Nam đã làm gì để bảo vệ môi trường một năm sau khi gia nhập WTO?
2007.12.02
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Nhiều nhà kinh tế và khoa học lên tiếng cảnh giác là tăng trưởng kinh tế phải cùng đi song song với việc bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Việt Nam là một quốc gia được đánh giá là có mức tăng trưởng kinh tế cao so với các nước đang phát triển trong vùng. Tuy nhiên ô nhiễm môi trường là cái giá phải trả cho việc công nghệ hóa đất nước nếu không có các biện pháp thích ứng.

Nhìn lại một năm sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Việt Nam đã làm những gì để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
Mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua cuộc trao đổi sau đây giữa Trường Văn và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Đây chính là một năm cũng khá là sôi động trong các hoạt động về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Khoảng một năm nay cái luật bảo vệ môi trường mới đi vào có hiệu lực, thế rồi các văn bản dưới luật do các cơ quan quản lý nhà nước người ta ban hành cũng khá là nhiều.
Có những cái phải ban hành theo tinh thần của luật mới, có những cái điều chỉnh các văn bản cũ như thế nào đấy cho nó phù hợp, và có chỗ cũng phải sửa chữa, bổ sung. Thành ra các văn bản pháp luật thì có nhiều những cái ban hành, số lượng tưong đối lớn, và tất nhiên trong đó có những nội dung liên quan đến việc hội nhập.
Cái luật đa dạng sinh học thì cũng đang ở giai đoạn cuối cùng để soạn thảo, trình chính phủ, trình quốc hội, nó cũng tạo ra một hoạt động tương đối rầm rộ liên tục trong suốt cả năm.
Còn về việc chấp hành pháp luật, như là tôi quan sát thấy, thì thấy cơ quan nhà nước người ta bây giờ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra môi trường và cũng tạo ra được những nâng cao về nhận thức cũng như là bắt buộc người dân phải thực hiện các quy định về môi trường.
Cũng giống như ví dụ Hồ Gươm ở Hà Nội, nói là quan tâm hay không quan tâm thì theo như thông tin trên báo chí hoặc hỏi ý kiên người dân thì tất cả mọi người đều rất quan tâm, kể cả từng người dân rất bình thường cho đến những quan chức của Hà Nội và của trung ương.
Và đặc biệt là có sự ra đời của tổ chức cảnh sát môi trường thì họ cũng đã đi vào hoạt động. Cảnh sát môi trường cũng bắt đầu tỏ rõ có những hiệu lực của mình. Có thể nói rằng cũng có những mảng công việc xưa nay cơ quan quản lý nhà nước không làm được hoặc gặp khó khăn, nhưng bây giờ có sự tham gia của cảnh sát môi trường thì nó được tăng cường hơn.
Và tôi cũng thấy có nhiều những hội thảo theo xu huớng, tức là hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế và vấn đề môi trường, môi trường đối với các doanh nghiệp, môi trường đối với các cơ quan nghiên cứu, v.v. có những phát triển theo hướng tính đến sự tham gia của Việt Nam vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Biện pháp ngăn chặn
Trường Văn : Thưa Giáo Sư, Miền Bắc giữa hai con sông Nhuệ - sông Đáy, ở Miền Nam thì sông Sài Gòn - sông Đồng Nai hiện giờ bị ô nhiễm trầm trọng, ngay cả không khí thành phố HCM cũng bị, Hiệp Hội có kiến nghị chính phủ, các cơ quan thẩm quyền tìm biện pháp nào để ngăn chận bớt tình trạng ô nhiễm môi trường của 4 con sông này chưa?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Nói thật với anh là Hội của chúng tôi lực lượng nó cũng vừa phải thôi. Những việc gì chúng tôi thấy là nhà nước, các cơ quan nhà nước, hoặc ở địa phương hoặc ở trung ương, vẫn chưa quan tâm thì chúng tôi lưu ý họ, chúng tôi kiến nghị họ.
Còn những vấn đề gì mà thấy rằng có quan tâm rồi nhưng mà có cái gì đó mà chúng tôi cho là nó không hợp lý, nó chưa đầy đủ các cơ sở khoa học, v.v. thì lúc bấy giờ chúng tôi mới có ý kiến thôi.
Còn riêng đối với khu vực sông Đáy, sông Nhuệ, rồi sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, rồi một số những lưu vực sông nhỏ, hồ nhỏ khác ở các đô thị, thị trấn, thì thực sự mà nói là họ rất quan tâm.
Cũng giống như ví dụ Hồ Gươm ở Hà Nội, nói là quan tâm hay không quan tâm thì theo như thông tin trên báo chí hoặc hỏi ý kiên người dân thì tất cả mọi người đều rất quan tâm, kể cả từng người dân rất bình thường cho đến những quan chức của Hà Nội và của trung ương.
Nhưng mà trên thực tế là việc đó đang còn bị ngáng trở do vấn đề kỹ thuật, do vấn đề kinh phí, do vấn đề các giải pháp cụ thể để thực hiện việc này. Vì vậy mà cái bảo vệ môi trường, ngay đối với đối tượng nhỏ như Hồ Gươm thôi, thì cũng chưa phải là đã được giải quyết thoả đáng, thì tình hình ở các con sông khác cũng thế thôi.

Trường Văn : Thưa Giáo Sư, tôi tiếp xúc với các ban quản lý của các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Quảng Nam - Đà Nẵng, hay là ở Cần Thơ, thì các nhà máy họ không có những khu xử lý nước thải công nghiệp đó, thưa Giáo Sư. Và bây giờ tình trạng đó đang kéo dài. Và những khu xử lý nước thải tập trung cũng chưa có được. Với tư cách của Hội,. Giáo Sư có kiến nghị gì về chuyện này ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Tình hình đấy theo như người ta báo cáo thì nó có các giai đoạn khác nhau. Trước khi khu công nghiệp được đi vào hoạt động thì họ phải làm các công việc gọi là lập và trình duyệt, khẳng định cái báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với toàn bộ khu công nghiệp đó.
Trong báo cáo đấy người ta quyết định rằng cùng với việc xây dựng hạ tầng cơ sở thì anh phải làm như thế nào đối với thoát nước, bãi chôn rác, kể cả rác thải nguy hại, v.v. tức là giai đoạn đầu tiên, là cái xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Giai đoạn thứ hai là khi khu công nghiệp có các nhà máy đi vào hoạt động rồi thì tất nhiên nhà máy phải có bộ phận xử lý của mình đạt đến một mức độ nhất định mới được đưa ra hệ thống chung, và khi đó ban quản lý có thể hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan tại địa phương.
Thế rồi đến giai đoạn thứ ba, tức là khi khu công nghiệp đã đầy tất cả các công sở nhà máy rồi thì việc kiểm soát chặt chẽ hơn và người ta đòi hỏi cơ sở hạ tầng về mặt xử lý nước, xử lý rác,ởư lý khí thải phải đầy đủ hơn.
Thế thì làm công việc một, đánh giá tác động môi trường, có thể nói là tất cả các khu công nghiệp đều làm. Đến vế thứ hai, tức là giai đoạn thứ hai là khi bắt đầu có những nhà máy hoạt động, thì quả thực là trong khu đó không phải nhà máy nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhưng mà cơ quan quản lý thì người ta sẽ bổ vào đầu cái đơn vị quản lý toàn bộ khu đó, rồi người ta yêu cầu khu đấy phải xử lý.
Thế rồi đến giai đoạn đầy đủ tất cả các nhà máy rồi thì yêu cầu càng gắt gao hơn. Nếu anh vào giai đoạn thứ ba này thì anh sẽ thấy rằng cả khu quản lý chung, ban quản lý chung về mặt môi trường của khu công nghiệp đó với lại một nhà máy trong khu công nghiệp đó thì đều đang bị đòi hỏi rất là gắt gao về vấn đề quản lý môi trường.
Đối với những cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài, hoặc là cũ do từ trước để lại, thì việc đó có cái khó của nó. Nhưng mà đối với những khu công nghiệp mới như vậy thì ngưòi ta đòi hỏi rất gắt gao. Và vừa rồi người ta có tổng kết lại là người ta đang tiến hành thanh tra một lần nữa để đưa ra những giải pháp quyết liệt đối với các việc này.
Thê mà chúng tôi cũng chỉ thấy họ làm đến như thế thôi. Chúng tôi không có lực lượng để có thể rải ra hết từng nơi để theo dõi các khu công nghiệp đó nó như thế nào. Sự quan tâm của chúng tôi thì cũng chỉ là gặp đâu làm đấy thôi chứ không có lực lượng để làm một hệ thống bài bản anh ạ.
Dự án trong tương lai
Trường Văn : Dạ, như vậy thì hiện nay Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường Việt Nam của Giáo Sư đã có chương trình, dự án gì để hoạt động trong tương lai như thế nào, thưa Giáo Sư?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Bọn tôi trong năm tới này thì kỷ niệm 20 năm thành lập Hội. Tất cả các hoạt động của bọn tôi đang cố gắng tập trung vào đấy để có cái gì nó riêng biệt, nó độc lập ra để nhằm kỷ niệm 20 năm thành lập Hội của chúng tôi.
Thế còn dài hơi hơn thì chúng tôi theo chức năng nhiệm vụ của mình mà thôi, tức là làm các công tác về thông tin, trao nhận thức cộng đồng với năng lực của mình, với khả năng tự lo của mình, rồi tư vấn thẩm định xã hội với những vấn đề như tôi vừa mới nói.
Ngoài ra chúng tôi cũng làm các dịch vụ khoa học, nhưng các dịch vị khoa học này - kể cả dịch vụ môi trường, thì do các đơn vị nhỏ lẻ người ta làm, còn bộ phận chúng tôi thì chỉ làm sao cho nó thống nhất về khuynh hướng, rồi thì có các thông tin đầy đủ các chiều khác nhau và hỗ trợ các đơn vị người ta làm. Thế còn một kế hoạch chung - toàn bộ - tổng thể mà để có thêm các nguồn lực nào đó thì chúng tôi không có điều kiện để trình bày ra trực tiếp đâu anh ạ.
Trường Văn : Cảm ơn Giáo Sư rất nhiều đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay.
Các tin, bài liên quan
- Hà Nội và Sài Gòn bị ô nhiễm không khí hàng đầu Châu Á
- Ô nhiễm nguồn nước, mối lo bức thiết hàng ngày của người dân TP HCM
- Nhà máy đường Hiệp Hoà bị đề nghị ngừng hoạt động
- Rải thải y tế, một vấn đề lớn gây nhức nhối lâu nay
- Nhiều con sông đang hứng chịu ô nhiễm vì chất thải từ các nhà máy
- Ô nhiễm môi trường chung quanh các khu công nghiệp tỉnh Quảng nam
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị kiểm tra chất thải ý tế trên cả nước
- Tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển ở Đà Nẵng
- Tiềm năng về những nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam