Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chiến tranh Việt Nam đi qua gieo rắc bao nhiêu vết thương chưa kịp hàn gắn thì những chính sách xây dựng đất nước kể từ sau ngày hợp nhất đã phạm những sai lầm mà hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến những người liên quan trực tiếp với cuộc chiến, mà còn tác động không nhỏ tới thế hệ thứ hai cũng như sự phát triển của đất nước đến tận ngày nay.

Những ảnh hưởng ấy là gì? Và làm thế nào để khắc phục những sai lầm để hàn gắn các hố sâu ngăn cách trong xã hội Việt Nam lâu nay? Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu qua câu chuyện trao đổi với chính những người trong cuộc.
Nhắc tới một trong những hậu quả khắc nghiệt của các chính sách cai trị độc đoán được áp dụng sau ngày hoà bình lập lại, một thanh niên thuộc thế hệ thứ hai tên Quốc chua chát nhận xét:
Anh Quốc: Phe Việt Nam cộng hoà thất bại thì phải lãnh đủ. Điều đó tôi không trách vì trên thế giới này bao nhiêu cuộc chiến đều đúng như thế, nhưng trách là trách cách họ xử với thế hệ sau như chúng tôi. Chúng tôi là những người vô tội, mà bị đày đoạ quá thảm khốc.
Hàng triệu đồng bào thuộc thế hệ của tôi ở lại đây gánh chịu một hậu quả rất nặng, không thua gì những người vượt biên. Sau 30 năm chúng tôi quằn quại hơn nhiều, ăn học không tới nơi tới chốn. Một kiếp người 30 năm sau không còn gì nữa. Sống thừa. Vì chúng ta xử với nhau hơi quá mức để rồi gây ra hậu hoạ cho đến ngày hôm nay. 30 lận đận, thê thảm, những con người đáng thương không được ai giúp đỡ cả, phải sống lây lất cho qua đi.
Đó là lời tâm sự của một trong số hàng triệu nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai đã nếm trải những cay đắng, khổ đau khi hoà bình lập lại, chỉ vì là con em của các thành phần được coi là chế độ cũ.
Ý kiến của những người Cách Mạng như thế nào? Họ nói gì về cách thức thực hiện tinh thần chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam? Sau những sai lầm đáng tiếc đã xảy ra, làm thế nào để có thể khắc phục và củng cố lòng tin trong nhân dân? Đó là những câu hỏi chúng tôi nêu ra với nhà cách mạng lão thành có nhiều cống hiến cho đảng cộng sản, Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn ở Hà Nội.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn ở Hà Nội: Chúng tôi nghĩ thì trong quá khứ có những cái sai và có những cái đúng. Cái sai thì không phải một lúc mà giải quyết được, mà thậm chí ngay đến bây giờ nhiều người cũng chưa nhận ra là sai.
Trà Mi: Thưa ông có những ý kiến cho rằng những người Cách mạng đã không thực hiện đúng tinh thần của chủ nghĩa cộng sản vốn đề cao bình đẳng giai cấp, xoá bỏ sự bóc lột giàu nghèo hay khoảng cách giữa kẻ thống trị và người bị trị. Nhưng nhìn vào thực tế hiện nay thì những ngừoi giàu có quyền lực trong xã hội chính là những đảng viên tham nhũng, lộng hành, hưởng thụ trên công sức lao động của nhân dân, điển hình như vụ PMU18 mới đây, thì đâu là bình đẳng xã hội. Đâu là lý tưởng chủ nghĩa cộng sản?
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn ở Hà Nội: Tôi nghĩ bất bình đẳng xã hội thì vẫn còn rất nhiều. Muốn giải quyết phải cần thời gian, tất nhiên là thời gian ấy cũng đã hơn 30 năm rồi chứ không phải ít.
Trà Mi: Nhưng nói về việc thực hiện tinh thần của chủ nghĩa cộng sản thì ông đánh giá như thế nào?
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn ở Hà Nội: Cái đó bây giờ bất khả thi rồi. Nếu đúng tinh thần chủ nghĩa cộng sản thì đó là sự lãng mạn và không có biện chứng.
Thực tế cho thấy nếu xây dựng đúng như các lý thuýêt đó thì chỉ dẫn đến đổ vỡ thôi, nhưng tất nhiên nó cũng làm được một số vấn đề, nhưng mang lại hạnh phúc cho nhân dân thì nó gặp rất nhiều khó khăn…Bản thân chủ nghĩa cộng sản tôi nghĩ là không làm được.
Trà Mi: Hồi nào giờ mình vẫn đặt ra chủ nghĩa đó là kim chỉ nam và cho tới nay vẫn nhất quyết đi theo đường lối của chủ nghĩa đó, thì nói như ông bây giờ làm thế nào để đem lại công bằng và hạnh phúc cho nhân dân, thưa ông?
Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn ở Hà Nội: Phải cải cách, chúng tôi cũng nghĩ đến việc chuyển đổi giống như 1 cuộc cách mạng. Bây giờ tư hữu hoá nhiều rồi đấy...
(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
Trà Mi: Xin cảm ơn thời gian ông dành cho cuộc trao đổi hôm nay.
Theo dòng câu chuyện:
- Cuộc sống của người dân sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975
- Ký ức ngày 30 tháng Tư, nỗi buồn và niềm vui lẫn lộn