Du học sinh Việt Nam học được những gì ở nước ngoài? (phần 1)


2007.07.25

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chào mừng quý vị và các bạn trong chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên trong và ngoài nước, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.

ExchangeStudentAnhThu200.jpg
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ.

Kết thúc loạt thảo luận về đề tài mùa thi đại học, Diễn đàn hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng bước qua một chủ đề mới cũng liên quan đến lĩnh vực học tập và đang được đông đảo thanh niên trong nước rất quan tâm, đó là du học.

“Sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học, ta học được những gì?” Đó là câu hỏi được rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam đặt ra, bởi du học đã trở thành mối quan tâm hàng đầu và là niềm mơ ước cháy bỏng của không ít bạn trẻ ngày nay.

Với mong muốn tạo nhịp cầu giao lưu cho các bạn trong và ngoài nước, chương trình kỳ này, Trà Mi mời một số bạn sinh viên tại Việt Nam và một số du sinh vừa ra nước ngoài học tập được vài năm.

Trà Mi: Trước tiên, xin mời các bạn hãy tự giới thiệu đôi chút về bản thân để mình cùng làm quen với nhau.

Thanh Tuấn: Mình tên là Thanh Tuấn, đang học ở California, Mỹ.

Trà Mi: Tuấn du học được mấy năm rồi?

Thanh Tuấn: Gần 3 năm rồi.

Trà Mi: Cảm ơn bạn. Bây giờ xin mời bạn kế tiếp.

Nam Sơn: Mình tên là Nam Sơn, sinh viên du học ở Pháp được 4 năm rồi. Mình học ngành cơ khí tự động hoá.

Văn Minh: Chào các bạn, mình là Văn Minh, đang học thạc sỹ ở Đài Loan.

Phương Thuý: Mình tên Phương Thuý, đang học ngành kế toán, trường Đại học mở, TPHCM.

Môi trường học tập ở nước ngoài

Thuỳ Dung: Em là Thuỳ Dung, sinh viên năm thứ 2, đại học Bách Khoa, TPHCM.

Trà Mi: Xin được đặt câu hỏi đầu tiên với các bạn Tuấn, Sơn, và Minh. Là những du sinh, cảm nghĩ chung của các bạn khi được ra nước ngoài học tập ra sao?

Nam Sơn: Em đang học ở nước Pháp có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao. Em mong muốn học được những công nghệ có tính ứng dụng cao đang được ứng dụng trong các công ty của Pháp. Quan trọng hơn là so với Việt Nam, ở đây họ dạy cho mình tính sáng tạo. Thầy cô giảng dạy lý thuyết, còn học sinh phải tự ứng dụng vào từng vấn đề cụ thể. Hồi xưa học ở Việt Nam cứ như một cái máy.

Trà Mi: Mình sẽ đi sâu vào chi tiết ở phần sau, nhưng bây giờ Trà Mi xin được ghi nhận cảm nghĩ của các bạn khi được đi du học nước ngoài, các bạn sẽ nói gì, xin mời Minh?

Văn Minh: Cảm nghĩ đầu tiên có thể nói là em đã được tiếp xúc với một môi trường rất khác so với Việt Nam. Cách thầy cô giảng dạy cũng rất khác. Lúc ban đầu khi mới qua, em gặp không ít khó khăn, nhưng rồi mọi việc dần trở nên dễ dàng hơn.

Môi trường học tập ở đây người ta khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên, tức là không áp đặt cho sinh viên cái gì đúng, cái gì sai. Họ chỉ gợi ý cho mình đường đi và mình là người sẽ tự đi. Đó là điều rất khác so với hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của Tuấn.

Thanh Tuấn: Nền giáo dục của các nước tiên tiến rất hiện đại và hiệu quả. Mới đầu mình cũng rất bỡ ngỡ vì sự khác biệt nhưng sau thời gian, mình cũng quen dần và giờ thì dễ dàng hơn nhiều.

Môi trường học tập ở nước ngoài

Trà Mi: Bây giờ mình xin nhường lời cho Thuý và Dung là những bạn sinh viên đang ở Việt Nam. Các bạn có những câu hỏi gì muốn đặt ra với những người bạn du sinh? Các bạn muốn tìm hiểu thêm những gì, xin mời đặt câu hỏi.

Thuý: Xin hỏi các bạn thời gian các bạn làm quen với môi trường mới ở nước ngoài có lâu hay không, cách nhìn của người phương Tây với người Châu Á của mình như thế nào?

Nam Sơn: Ở Pháp có rất nhiều sinh viên Việt Nam cùng học ở đây. Họ có tạo ra những trang web, những hội để giúp đỡ nhau về thông tin. Lúc đầu rất khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng sau năm đầu tiên, mình biết được rất nhiều việc như tìm nhà, đăng ký trường…

Văn Minh: Ở Đài Loan mình cũng thế thôi. Khi bạn ra nước ngoài, bạn sẽ đối mặt với một số khó khăn như thay đổi về thời tiết, văn hoá, thức ăn…nhưng đó không phải là những khó khăn lớn. Chỉ sau 6 tháng thì các bạn hoàn toàn có thể hội nhập được với cuộc sống ở nước ngoài.

Thanh Tuấn: Thời gian hội nhập chừng 6 tháng, lúc đầu mình cũng gặp ít khó khăn về ngôn ngữ, tìm nhà, giao thông, ăn uống…nhưng có những bạn sinh viên Việt Nam ở đây họ cũng giúp đỡ mình.

Văn Minh: Lời khuyên cho các bạn nếu có ý định đi du học là nên tìm kiếm sinh viên Việt Nam ở những nước mà bạn muốn đến, vì thường sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có những trang web, những diễn đàn. Họ sẽ rất vui mừng được giúp đỡ những người Việt Nam mới sang.

Trà Mi: Dung có câu hỏi nào không?

Lợi và hại

Thuỳ Dung: Em muốn hỏi các anh có nghĩ là ra nước ngoài là 1 môi trường thật sự lý tửơng không? Có phải lúc nào ra nước ngoài cũng tốt hơn là ở Việt Nam không?

Thanh Tuấn: Cái đó còn tùy thuộc vào chính khả năng của các bạn nữa chứ không phải lúc nào đi du học cũng là giải pháp tốt. Nếu khả năng học tập của mình có khó khăn thì du học qua đây cũng gặp các khó khăn tương tự như vậy.

Trà Mi: Xin mời Nam Sơn.

Nam Sơn: Mình nghĩ giống Tuấn, tức là có những khó khăn mình phải vượt qua, không phải ai cũng có thể vượt qua được, nào là xa gia đình, xa xứ.

Không qua được những cái stress như vậy thì có những bạn chơi game suốt ngày, không tập trung học tập, rồi đến một lúc nào đó các bạn bị đuổi về Việt Nam. Nhưng đó là số nhỏ thôi, bạn đừng nhìn vào đó mà tửơng là rất khó khăn. Có rất nhiều người đã vượt qua được những khó khăn ban đầu và sau đó cảm thấy rất dễ dàng.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của Minh.

Văn Minh: Ra nước ngoài một điều có thể khẳng định là bạn có rất nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình, rất nhiều cơ hội học tập những cái mới, không chỉ kiến thức mà còn tiếp thu được rất nhiều thứ ngoài kiến thức.

Trà Mi: Rất nhiều thứ ngoài kiến thức học tập là những gì, Minh có thể chia sẻ thêm?

Văn Minh: Thứ nhất được làm quen rất nhiều bạn bè quốc tế, mình có cơ hội học hỏi về những nền văn hóa khác. Thứ hai, khi các bạn đến các nước phát triển các bạn sẽ thấy, sẽ hiểu thế nào là dân chủ thật sự. Ở Việt Nam chúng ta nghe rất nhiều về “dân chủ” nhưng đi ra nước ngoài thì mình mới hiểu được thật sự dân chủ là gì. Nó rất khác so với những gì mình được nghe, được sống ở Việt Nam.

Nam Sơn: Đúng vậy. Lúc mình mới qua đây, tình cờ có hôm mình ra đường đúng vào lúc người ta đang biểu tình. Thế là mình sợ quá. Khi ở Việt Nam mình cứ nghĩ rằng biểu tình sẽ là ném đá, ném gạch…nhưng không phải vậy. Khi mình đi vào thì mình mới hiểu rằng biểu tình là cách người ta thể hiện quan điểm của người dân thôi. Nó rất bình thường.

Văn Minh: Ở Việt Nam cách người ta thông tin đại chúng về những cuộc biểu tình rất khác. Như mình thấy ở Đài Loan này, một cuộc biểu tình xảy ra chỉ vài phút là TV, đài báo người ta tường thuật trực tiếp ngay để cho mọi người biết là có những bất mãn về chính phủ như thế, như thế.

Nhưng ở Việt Nam thì việc này không xảy ra. Mình ở đây có nghe tin ở Sài Gòn có một cuộc biểu tình kéo dài mà rất nhiều bạn bè của mình ở ngay tại đó lại không biết. Đó là sự khác biệt cơ bản về dân chủ và về tự do báo chí.

Thông tin tự do

Trà Mi: Các bạn ở Việt Nam, khi nghe nói có 1 vụ biểu tình nào đó, các bạn có mạnh dạn đến đó để tìm hiểu hay các bạn có từng bao giờ đích thân tham gia một cuộc biểu tình nào đó ở Việt Nam chưa?

Thuý: Em có nghe ở nước ngoài có các cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ như các bạn vừa nói. Còn ở Việt Nam mình hình như đó giờ không có những cuộc biểu tình như vậy mặc dù dân cũng có bức xúc nhưng đều không lên tiếng. Mấy ngày qua em có thấy có 1 cuộc biểu tình nhưng hình như về đất đai…

Trà Mi: Cách các bạn cảm nhận về các cuộc biểu tình như thế nào? Các bạn có nghĩ là nên tránh xa vì các cuộc biểu là vi phạm pháp luật hay cảm thấy đó là một hoạt động cần thiết trong đời sống?

Thuý: Theo em nghĩ ở đây mình sống giống như kiểu là người dân không có được tiếng nói của họ.

Văn Minh: Ở Việt Nam khái niệm “biểu tình” thật ra rất mới mẻ với người dân.

Thuý: Dạ đúng rồi.

Văn Minh: Mới mẻ bởi người dân rất e ngại, vì cách chính phủ Việt Nam hành xử với những người biểu tình. Tất nhiên là những đảng cầm quyền ở bất cứ một quốc gia nào đều không thích các cuộc biểu tình chống lại họ, không một ai thích như thế cả. Ai cũng muốn là nói hay, nói đẹp về mình.

Thế nhưng, cách các nước dân chủ đối xử với những người biểu tình là đối thoại và chấp nhận những việc đó, chứ không phải là đối mặt. Cho nên họ giải quýêt bằng cách đối thoại với người biểu tình. Còn ở Việt Nam thì cách hành xử của chính phủ đối với việc này là né tránh và đàn áp. Có thể nói ngắn gọn hai từ như thế.

Các quan chức sẽ không lộ mặt, chỉ để công an lộ mặt, và dùng các hình thức áp lực đối với từng cá nhân một, không chỉ đối với những người tham gia biểu tình, mà còn dùng sức ép từ gia đình, từ nhiều phía khác nữa để gây áp lực lên người tham gia biểu tình.

Điều đó làm cho người dân khi người ta có quan điểm bất đồng là đã bắt đầu cảm thấy sợ hãi rồi. Và điều này thật sự không tốt cho sự phát triển của xã hội. Ngay từ khi đi học chúng ta đã được dạy trong môn kinh tế chính trị Mác-Lênin rằng “mâu thuẫn là động lực của sự phát triển”.

Thế nhưng, chính phủ Việt Nam thì không chấp nhận bất kỳ sự mâu thuẫn nào cả. Tất cả phải theo chính phủ, đảng cộng sản nói gì là dân phải theo cái đó. Đảng cộng sản dạy sinh viên một đằng, nhưng khi chúng tôi có mâu thuẫn, chúng tôi muốn phát biểu thể hiện quan điểm của mình thì đảng lại không cho phép. Thế là thế nào? Các bạn có thấy thế không?

Tuấn, Sơn: Đúng, đúng như vậy đó.

Trà Mi: Thúy và Dung ở Việt Nam , các bạn có chia sẻ quan điểm này không?

Thuý: Tụi em cũng đồng ý với ý kiến của bạn vừa phát biểu. Ví dụ như trong chương trình học ở trường, có nhiều cái họ đưa ra những cái mình không chấp nhận nhưng mình phải theo.

Trà Mi: Các bạn du học sinh khi ra nước ngoài có những ý tửơng so sánh như vậy thì Dung có đồng ý hay không?

Dung: Em thấy hình như ở nước mình lúc nào cũng đề cao là “dân chủ”, nhưng thực sự thì có vẻ như vẫn chưa được dân chủ lắm.

Trà Mi: Rất tiếc thời lượng dành cho buổi nói chuyện hôm nay đã hết, nên xin phép được chia tay với các bạn tại đây. Cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Rất mong quý thính giả sẽ đón theo dõi.

(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org. Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.